Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mục tiêu khả thi?

Tuấn Lương| 25/12/2014 06:18

(HNM) - Ngày 24-12, Bộ GTVT và Bộ Công an đã tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố sơ kết việc thực hiện kế hoạch liên bộ GTVT - Công an về kiểm soát tải trọng xe. Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khẳng định quyết tâm loại bỏ hẳn tình trạng xe quá tải ngay trong năm 2015


Từ lợi ích nhóm đến xe "vua"

Theo báo cáo của liên bộ GTVT-Công an, từ ngày 16-12-2013 đến ngày 15-12-2014, các trạm cân lưu động trên địa bàn cả nước đã dừng, kiểm tra hơn 416.000 xe ô tô, phát hiện và lập biên bản 64.885 trường hợp vi phạm, xử phạt 331 tỷ đồng, tạm giữ 1.885 phương tiện, tước giấy phép lái xe 42.066 trường hợp, hạ tải gần 32.220 phương tiện vi phạm. Tuy nhiên, tình trạng xe quá tải vẫn chưa thể xử lý dứt điểm. Một số địa phương như Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai… vẫn còn khá nhiều xe cơi nới thùng trái phép và chở hàng quá tải.

Thực tế cho thấy có việc móc nối, làm “luật”, bảo kê xe quá tải.


Đại diện liên bộ cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là một số doanh nghiệp vận tải, chủ hàng, lái xe chạy theo lợi nhuận, khoán khối lượng vận chuyển dẫn đến lái xe ngang nhiên vi phạm; tự ý cải tạo cơi nới thùng xe để chở hàng quá tải và dừng đỗ tại hai đầu trạm cân lợi dụng thời cơ chờ vượt trạm; không chấp hành việc dừng xe kiểm soát, chống đối lại lực lượng thực thi nhiệm vụ. Cá biệt, có hiện tượng móc nối, làm "luật", bảo kê xe quá tải, "cò", môi giới dẫn xe hoạt động xung quanh trạm cân lưu động…

Theo ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, các doanh nghiệp kinh doanh chân chính rất mong siết chặt kiểm soát tải trọng xe để bảo đảm công bằng, giảm tiêu cực, qua đó làm minh bạch thị trường vận tải, đưa giá cước về đúng giá trị thực. Tuy nhiên, vấn đề này đã kéo dài vài chục năm nay nên xử lý rất khó khăn, phức tạp. Lực lượng chức năng đã tổ chức nhiều cuộc ra quân xử lý nhưng vẫn chưa thể xử lý dứt điểm. Nghiêm trọng hơn, có nhiều đoàn xe "vua" nghênh ngang trên các tuyến quốc lộ; tại nhiều địa phương đã hình thành các nhóm lợi ích để chống đối hoặc lực lượng thực thi công vụ nhận tiền mãi lộ tiếp tay cho xe quá tải vượt trạm cân... Nhằm hạn chế tình trạng này, Nhà nước cần tổ chức sàn giao dịch vận tải hàng hóa để giá cước minh bạch; có chế tài xử lý liên quan chủ hàng, nơi xếp dỡ cố tình chở quá tải đồng thời nâng cao mức phạt hơn nữa với chủ vận tải nhằm tăng sức răn đe. Hệ thống trạm cân lưu động cần đưa về các nguồn hàng để ngăn chặn tận gốc; với trạm cân cố định có thể đặt tại các điểm thu phí…

Quá tải - Quay lại điểm xuất phát

Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an thừa nhận đây là công việc hết sức khó khăn. Thời gian tới, hai bộ sẽ tập trung xử lý ngăn chặn ngay từ gốc, nơi bốc xếp hàng hóa lên ô tô; gắn trách nhiệm cá nhân với đơn vị vận tải… Tuy nhiên, lãnh đạo các địa phương phải trực tiếp tham gia phối hợp, rõ trách nhiệm thì mới phát huy hiệu quả cao.

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, việc kiểm soát tải trọng xe là cấp thiết và cần được duy trì thường xuyên. Liên bộ đề nghị các địa phương tiếp tục kiểm soát bằng nhiều biện pháp như sử dụng trạm cân, cân xách tay, đo trực tiếp khối lượng tại nguồn hàng, kiểm tra kích thước thùng xe, công khai minh bạch lực lượng thực thi công vụ… Cuộc chiến xe quá tải cần có sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành liên quan và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố để không tồn tại tình trạng bảo kê, dung túng các trường hợp vi phạm; qua đó hoàn thành mục tiêu xử lý dứt điểm tình trạng xe quá tải ngay trong năm 2015. Trước băn khoăn của một số địa phương về khó khăn trong việc xây dựng bãi hạ tải, Bộ trưởng Đinh La Thăng đề nghị các địa phương không xây dựng bãi hạ tải mà yêu cầu xe quay lại điểm xuất phát.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mục tiêu khả thi?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.