(HNM) - Ngày 27-3, Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức giao ban với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã với nội dung trọng tâm là công tác bảo đảm an toàn giao thông.
Thời gian qua, với nhiều biện pháp quyết liệt như phân làn, tổ chức lại giao thông; thay đổi giờ học, giờ làm việc và kinh doanh; thu hồi giấy phép trông giữ phương tiện trên vỉa hè và dưới lòng đường tại 262 tuyến phố; tăng cường xử lý các hành vi vi phạm, tình hình giao thông trên địa bàn Hà Nội đã có những chuyển biến tích cực. Cụ thể, trong quý I-2012, tình hình tai nạn giao thông đã giảm theo cả 3 tiêu chí; hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông trên diện rộng; 17 tuyến và 14 nút giao thông phức tạp đã có nhiều cải thiện; 124 điểm đen giao thông trong giờ cao điểm tại nội đô đã giảm xuống còn 74 điểm... Đặc biệt, tại hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành phố sơ kết công tác bảo đảm an toàn giao thông trong quý I-2012, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, Hà Nội là điểm sáng của toàn quốc về những chuyển biến trong công tác này.
Tất cả mọi giải pháp được đưa ra áp dụng đều nhằm tới cái đích cuối cùng là từng bước cải thiện tình hình giao thông, giải quyết những bất cập tồn tại. Từ những kết quả thu được bước đầu có thể thấy, những giải pháp Hà Nội thực hiện để hạn chế ùn tắc và bảo đảm an toàn giao thông đã có những tác dụng thực tế.
Tuy nhiên, mỗi giải pháp, cơ chế, chính sách khi triển khai thực hiện đều tạo ra những tác động nhất định. Đó có thể là việc phải thay đổi thói quen trong sinh hoạt (ví dụ như việc thay đổi giờ học, giờ làm việc và kinh doanh); là việc bị ảnh hưởng tới lợi ích của một nhóm đối tượng trong xã hội (như việc đề xuất thu phí phương tiện hay giải tỏa các điểm trông giữ xe...). Vậy nên, việc có nhiều luồng ý kiến trong từng giải pháp cụ thể cũng là điều dễ hiểu. Không có một giải pháp, cơ chế, chính sách nào có thể bảo đảm quyền lợi cho mọi cá nhân trong xã hội. Song tất cả đều phải hướng đến lợi ích của số đông, vì sự phát triển chung của xã hội, điều đó đồng nghĩa với quyền lợi của một số nhóm đối tượng trong xã hội sẽ bị... động chạm. Nói như Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị, quyền lợi của mỗi người phải hài hòa trong quyền lợi chung của xã hội.
Công việc của chính quyền và các cấp, các ngành là phải điều tiết, kiểm soát tổng thể sự phát triển chung của toàn xã hội. Ấy cũng chính là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước.
Muốn giải quyết một cách căn bản, lâu dài và khắc phục được những tồn tại, bất cập trong giao thông hiện nay đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như quy hoạch tổng thể có tầm nhìn chiến lược; đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; nâng cao ý thức của người tham gia giao thông; phát triển vận tải công cộng... Trong hàng loạt giải pháp đó, có những việc chúng ta đã và đang làm, có những việc chúng ta chưa thể triển khai trong ngày một ngày hai khi điều kiện và tiềm lực kinh tế chưa cho phép. Do vậy, việc buộc phải áp dụng những giải pháp tình thế trong từng thời điểm là cần thiết nhằm bảo đảm trật tự xã hội và sự ổn định chung. Điều đó ít nhiều sẽ ảnh hưởng tới lợi ích từng nhóm người trong xã hội. Vấn đề đặt ra là phải cố gắng bảo đảm ở mức cao nhất việc hài hòa lợi ích chung và lợi ích riêng, lợi ích cá nhân và lợi ích cộng đồng. Từ đó đưa ra những điều chỉnh kịp thời cho phù hợp với thực tế và nhằm tới mục đích cuối cùng là phát huy cao nhất hiệu quả của từng giải pháp, cơ chế, chính sách phục vụ yêu cầu phát triển của xã hội. Đó cũng là điều Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nhấn mạnh: Các cấp, các ngành, các địa phương và mỗi người dân phải hướng tới lợi ích chung, vì lợi ích chung. Tất cả phải cùng thống nhất về nhận thức để quyết tâm hành động. Sự đồng thuận trong xã hội chính là nguồn sức mạnh để giải quyết những vấn đề nóng, những vấn đề phức tạp của Thủ đô và đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.