Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mùa Xuân ấm áp với những người nghèo vùng giáp biên

Theo Vietnam+| 08/02/2016 22:29

Một ngày giáp Tết Nguyên đán Bính Thân, chúng tôi có chuyến công tác đến với những tỉnh miền núi là Lai Châu và Điện Biên.

Mặc dù, mùa hoa dã quỳ đã qua nhưng dọc quốc lộ 4D vẫn ngập tràn sắc hoa. Những bông hoa vàng ửng lên trong làn nắng mỏng như tiếp thêm sức lực cho đoàn chúng tôi khi có một vài người chưa quen đường rừng núi.

Các hộ nghèo tỉnh Lai Châu nhận quà Tết. (Nguồn: Ngân hàng Chính sách)


Ấm lòng người nghèo

Điểm đầu tiên chúng tôi đặt chân đến là huyện Mường Nhé (Điện Biên). Nơi đây nổi tiếng với nhiều danh lam thắng cảnh và khu du lịch gắn liền với các di tích lịch sử văn hóa Quốc gia. Tuy vậy, Mường Nhé nói chung và Điện Biên nói riêng vẫn là một trong các tỉnh nghèo của cả nước vì là tỉnh miền núi, kinh tế phát triển chưa đồng đều, địa hình phức tạp, hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, thường xuyên phải hứng chịu thiên tai như lũ quét, ngập lụt, lốc xoáy.

Do đó, đời sống của đồng bào nhân dân tại một số huyện, xã, vùng sâu, vùng xa trong tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn về nhà ở, nước sinh hoạt, cơ sở y tế, giáo dục và các cơ sở hạ tầng khác.

Tuy nhiên, nhờ xã hội hóa mà 90 phòng ở cho học sinh dân tộc nội trú dân nuôi của Trường tiểu học và trung học cơ sở huyện Mường Nhé vừa mới được đưa vào sử dụng vẫn còn thơm mùi vôi mới được VietinBank trao tặng.

Dường như bao mệt mỏi tan biến khi được nhìn thấy những gương mặt tươi vui của các em học sinh xúng xính trong trang phục dân tộc ùa ra đón chào đoàn.

Em Và Thị Rợ, học sinh lớp 7A1 bẽn lẽn, nhà em cách xa trường gần 10 cây số. Mỗi lần đi bộ về nhà mất hơn hai giờ nên em phải ở lại trường, cuối tuần mới về nhà.

Rợ cho biết, trước đây những phòng ở được quây tạm bằng phên nứa. Vào những ngày đầu năm học, bố mẹ các em cùng thầy giáo, cô giáo phải vào rừng chặt tre, nứa về làm nhà tạm. Nhiều hôm gió to làm bay mất mái, các em lại líu ríu dắt nhau trú tạm vào mấy phòng vững chãi hơn bên cạnh đó.

Gương mặt Và Thị Rợ chợt đổi nét hân hoan, em chỉ tay sang phía sườn đồi trước mặt, nơi có dãy nhà khang trang, kiên cố xây đối diện dãy nhà tạm, rồi khoe: Từ mai em sẽ được chuyển sang ở trong dãy nhà mới đấy. Nhà sạch đẹp, ấm áp hơn. Có nhiều giường nằm, lại có chăn ấm, có bàn ngồi học bài. Chúng em cũng không còn lo nhà bị tốc mái khi ông trời nổi gió lớn.

Học sinh nội trú tại một trường vùng cao. (Nguồn: TTXVN)


Ông Mùa A Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên cũng xúc động không kém. Ông Sơn cho biết, trong thời gian qua đã có nhiều tổ chức, doanh nghiệp chung tay chia sẻ khó khăn với bà con trong đó có VietinBank. Chính những tình cảm đồng hành của doanh nghiệp đã góp phần làm thay đổi diện mạo, đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của hộ nghèo và các địa phương được cải thiện và nâng cao rõ rệt, người dân có nhà để ở, có điều kiện về y tế tốt hơn để chăm sóc sức khỏe, giao thông đi lại an toàn thuận tiện, các em nhỏ có cơ sở trường lớp tốt, khang trang bền vững để vui chơi, học tập…

Chăn ấm vùng biên

Ở một nơi khác là tỉnh Lai Châu, nơi mà cái nghèo cũng đeo đẳng mãi với bà con dân tộc tại đây. Mới 7 giờ 30 sáng mà bà con đã tập trung đông đủ tại trụ sở của xã Pa Tần, huyện Sìn Hồ (Lai Châu) để nhận những món quà tết của Ngân hàng Chính sách Xã hội trao tặng. Được biết, có những người phải đi 50 cây số mới đến được điểm nhận quà, thậm chí còn có cả những cụ ông, cụ bà năm nay đã ngoài 80 tuổi nhưng ai cũng háo hức.

Giàng Thị Dợ, dân tộc Mông, thôn Nậm Phía, xã Pa Tần ngồi ở một góc, chẳng nói chuyện với ai, thỉnh thoảng em lại quay đầu ra đằng sau lưng như kiểm tra thứ gì đó. Hỏi ra mới biết là em đang địu địu đứa con nhỏ vừa đầy tháng xuống núi để nhận món quà Tết.

Dợ chẳng nhớ tuổi mình là bao nhiêu nhưng gương mặt còn non mịn ấy chỉ của một cô gái ngoài 20 tuổi. Thế mà Dợ đã có tới 4 đứa con, đứa đầu năm nay 6 tuổi.

Dợ chia sẻ, nhà thuộc diện hộ nghèo, hai vợ chồng quanh năm chỉ trông vào một vụ lúa vẻn vẹn 18 bao thóc, nên chiếc chăn ấm mà Dợ được ngân hàng trao hôm nay thật ý nghĩa. Từ nay, những đứa con của Dợ sẽ không phải co ro trong những đêm đông buốt giá. Còn món tiền tết mà ngân hàng cho Dợ đang tính đến Tết sẽ mua thêm ít thức ăn tươi cho bọn trẻ và thêm cái áo ấm cho đứa con vừa mới đầy tháng.

Với tổ trưởng Tổ vay vốn Chang A Phủ thuộc bản Chang Chải Pá, xã Hua Bum, huyện Nậm Nhùn, từ sáng sớm, ông đã giục các hộ dân trong thôn xuống núi nhận quà Tết.

Mặc dù, thời gian mà dự kiến trao quà là 2 giờ chiều, nhưng đoạn đường 70km từ bản xuống trung tâm xã với núi cao, suối sâu, và những khúc cua ngoặt, thời gian đi xe máy nhanh cũng phải mất 4 tiếng. Vào mùa mưa, thời gian về đến trung tâm xã phải tăng gấp rưỡi, nên nghe tin gió mùa đông bắc tăng cường ông càng đôn đốc dân xuống xã sớm, vì sợ cán bộ phải chờ lâu.

Nhận chiếc chăn ấm mà cán bộ vừa trao, bà Tráng Thị May, dân tộc Mông cũng xúc động không kém. Bà đưa đôi tay vuốt ve chiếc chăn cứ như thể lần đầu tiên nhìn thấy nó vậy.

Nhà bà May nghèo lắm, quanh năm chỉ trông vào một vụ lúa, con cái lại đông. Bệnh tật và sự nghèo khó hằn lên gương mặt người đàn bà chưa đầy 50 tuổi những vết chân chim chằng chịt, mái tóc nhuộm màu sương khói của một bà lão vào cái tuổi 70.

Mỗi gia đình đoàn ghé thăm là một hoàn cảnh, một số phận khác nhau nhưng hội chung là cái nghèo cứ đeo bám họ nhiều năm qua. Nơi miền quê ấy với nhiều cuộc sống khiến ai nghe qua cũng phải chạnh lòng thương cảm, người thì cô đơn bệnh tật, người thì đông con nhưng quá nghèo, có gia đình cả vợ chồng đều lâm bệnh.

Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Nguyễn Đức Hải đã chia sẻ với bà con nơi đây: “Chúng tôi biết rằng đây là những địa bàn có vị trí địa chiến lược rất quan trọng. Mặc dù được Nhà nước rất quan tâm và các hộ đồng bào cũng đã cố gắng vươn lên để vượt qua khó khăn của mình. Tuy nhiên, do điều kiện ở đây khó khăn cả về địa lý cũng như phát triển kinh tế xã hội còn nhiều hạn chế, chính vì thế chúng tôi muốn chia sẻ một phần khó khăn với các hộ đồng bào trên địa bàn."

Tạm biệt Điện Biên, tạm biệt Lai Châu, chúng tôi trở về với Hà Nội ồn ào, tất bật nhưng vẫn mong ngày trở lại với nhiều đổi mới tốt đẹp hơn. Trong mỗi chúng tôi, hành trình trở về đều mang theo niềm vui, niềm hy vọng về sự đầm ấm, no đủ trong một tương lai không xa của đồng bào nghèo, nơi biên cương của Tổ quốc./.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mùa Xuân ấm áp với những người nghèo vùng giáp biên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.