Khoa học - Công nghệ

Hoàn thiện hành lang pháp lý khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo:Kỳ vọng những bước chuyển lớn

Thu Hằng 13/05/2025 - 07:09

Xây dựng dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo hiện là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Khoa học và Công nghệ.

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng, trong lần sửa đổi này, Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo sẽ có những đổi mới mạnh mẽ, mang tính cách mạng, hứa hẹn tạo ra bước chuyển lớn trong thời gian tới.

khoa-hoc.jpg
Sinh viên thực hành thí nghiệm tại Đại học Bách khoa Hà Nội.

Đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Luật Khoa học và Công nghệ được ban hành lần đầu vào năm 2000 và sửa đổi vào năm 2013. Hơn 10 năm qua, Luật Khoa học và Công nghệ 2013 đã đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra hành lang pháp lý cho hoạt động khoa học, công nghệ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thi hành Luật Khoa học và Công nghệ 2013 cho thấy, còn có những nội dung chưa phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn để khoa học, công nghệ có thể đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội. Điều này đòi hỏi Luật Khoa học và Công nghệ 2013 cần được nghiên cứu, sửa đổi toàn diện để thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; cập nhật những vấn đề mới của khoa học, công nghệ trong nước và thế giới; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật hiện hành và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai thi hành Luật.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Khoa học và Công nghệ) Nguyễn Thị Ngọc Diệp cho biết, dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và đổi mới sáng tạo có 8 chương, 83 điều; bám sát chính sách đổi mới hoạt động nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo; chính sách phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ; chính sách thu hút đầu tư, tạo thuận lợi sử dụng ngân sách cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; chính sách thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và phát triển thị trường khoa học, công nghệ; chính sách tăng cường phổ biến tri thức khoa học, công nghệ.

Ngoài ra, để kịp thời thể chế hóa các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 57-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, dự thảo Luật đã bổ sung chính sách liên quan đến hành lang pháp lý cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo.

“Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và đổi mới sáng tạo kế thừa các quy định của Luật Khoa học và Công nghệ 2013 còn phù hợp; đồng thời đưa những cơ chế tháo gỡ điểm nghẽn trong Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt để tạo đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trở thành quy định ổn định, lâu dài”, bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp thông tin.

Khuyến khích mạnh mẽ, trao quyền cho doanh nghiệp

Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và đổi mới sáng tạo được thiết kế theo nguyên tắc giảm thủ tục hành chính, tăng cường hậu kiểm, chuyển đổi số toàn diện trong công tác quản lý và hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; thay đổi tư duy theo hướng quản lý hiệu quả, không quản lý quá trình; thu hút nguồn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ thông qua việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, tài trợ kinh phí cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ.

Chia sẻ về Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ, lần đầu tiên, vấn đề đổi mới sáng tạo được đưa vào dự thảo Luật và được đặt ngang hàng với khoa học, công nghệ, thể hiện sự thay đổi căn bản trong tư duy phát triển. Dự thảo Luật đã bổ sung nhiều cơ chế hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo, đặc biệt trong doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của các tổ chức trung gian như trung tâm hỗ trợ đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư mạo hiểm.

Trong dự thảo Luật có một chương riêng được dành để quy định về các chính sách thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp được trao quyền và khuyến khích mạnh mẽ để đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, không chỉ bằng nguồn lực của mình mà còn được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.

“Nếu trước đây, ngân sách nhà nước tài trợ cho nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp chỉ được 10% thì thời gian tới sẽ là 70-80%. Thêm vào đó, doanh nghiệp có lãi được trích tối đa 5% lợi nhuận trước thuế để lập quỹ đầu tư vào khởi nghiệp sáng tạo, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lớn, hỗ trợ các khởi nghiệp sáng tạo nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới mang tính đột phá. Ngoài ra, Nhà nước cũng có chính sách ưu tiên mua sản phẩm khoa học, công nghệ của doanh nghiệp trong nước”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan, cách tiếp cận Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo đã có sự đổi mới rõ rệt, không có sự phân biệt khu vực, tổ chức công lập và tư nhân. Luật không chỉ để quản lý mà còn để kiến tạo một không gian phát triển khoa học, công nghệ cho xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoàn thiện hành lang pháp lý khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo: Kỳ vọng những bước chuyển lớn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.