Nghệ nhân trẻ thêu ruy băng Trần Đường lâu nay không xa lạ trong giới sáng tạo, thời trang với những tác phẩm nghệ thuật thêu tay từ ruy băng khá mới mẻ ở Việt Nam.
Mới đây, từ thành phố Hồ Chí Minh, Trần Đường có buổi giao lưu, chia sẻ về nghề với công chúng Hà Nội tại đình Tú Thị (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Tại sự kiện, chị đã dành thời gian trò chuyện cùng Hànộimới Cuối tuần, chia sẻ những góc nhìn thú vị về nghề và đam mê sáng tạo với chất liệu ruy băng.
- Đường có cái tên lạ, đẹp và hẳn là mang nhiều kỳ vọng của gia đình?
- Vâng, tên tôi được đặt theo cụm “Kim Mã Ngọc Đường” trong “Truyện Kiều” (“Ấy ai dặn ngọc thề vàng/ Bây giờ kim mã ngọc đường với ai”). Có lẽ ông nội tôi đã mong muốn đứa cháu gái sau này có cuộc sống sung túc, còn mẹ tôi thì bảo muốn tôi lớn lên thành một người hoài cổ, yêu các giá trị văn hóa truyền thống.
- Và cái tên đã đi theo nghiệp. Mọi người hay nhắc thuở niên thiếu bạn chưa từng cầm kim khâu, mà lớn lên lại thành nghệ nhân. Nhưng tôi tin tư chất nghệ sĩ của bạn đâu chỉ nằm ở đôi tay?
- Tôi cho rằng tư chất nghệ sĩ một phần do di truyền, một phần do sự giáo dục của gia đình, và một phần do quá trình học hỏi. Khi còn nhỏ, mẹ tôi thường dẫn tôi đi nhà sách, mua các loại sách, truyện và phim cho tôi. Mẹ còn dành thời gian để thâu băng lại các bộ phim cổ tích hay phim hoạt hình trên ti vi trong lúc tôi đi học. Mẹ cũng dành thời gian để đọc thơ, kể chuyện và dạy tôi các bài hát. Do có một nền tảng như vậy, việc tiếp xúc với nghệ thuật của tôi tuy chậm nhưng lại hình thành một cách sâu sắc. Tôi nhớ rằng khi học đại học, tôi thậm chí còn không biết Van Gogh là ai, nhưng sau này, qua quá trình đọc sách, xem tranh, tôi dần cảm nhận được vẻ đẹp của nghệ thuật.
- Vậy những trải nghiệm học tập và cuộc sống nào cho bạn những quyết định quan trọng liên quan đến nghệ thuật thêu ruy băng?
- Tôi rất biết ơn quá trình học tập tại Trường Đại học Văn Lang, nó đã ảnh hưởng rất nhiều đến tôi sau này. Trong những năm đầu, tôi đã được học các nguyên lý về màu sắc, bố cục cũng như các lớp học vẽ truyền thống như chì, màu nước và sơn dầu bên cạnh các môn lý thuyết về sáng tạo, cơ sở văn hóa, lịch sử mỹ thuật. Điều này đã tạo nên một nền tảng vững chắc cho quá trình làm việc của tôi về sau. Ví dụ như môn giải phẫu học đã cho tôi cái nhìn sâu sắc hơn về cấu trúc các sinh vật, từ đó hình thành nên tư duy phân tích đối với các loại hoa, động vật và côn trùng.
Tại Văn Lang, đó là lần đầu tiên tôi biết rằng màu sắc có thể dùng để miêu tả vị giác, xúc giác cũng như các mùa trong một năm. Một năm rưỡi học chuyên về những thứ này đã mang đến cho tôi một cái nhìn sâu sắc hơn đối với nghệ thuật, cho dù ngành học thuộc mỹ thuật công nghiệp. Trong hai năm rưỡi sau, việc học chuyên ngành lại đưa đến cho tôi một góc nhìn thực tế hơn: Làm sao để sản phẩm của mình mang tính ứng dụng cao. Tôi còn nhớ trưởng khoa của tôi khi đó - thầy Ngô Hoàng Việt - từng nói rằng ngành của mình (thiết kế nội thất) phải tuân theo nguyên tắc: Đúng - đủ - đẹp.
Bên cạnh đó phải nhắc đến cuốn sách tiếng Hoa mẹ tôi mua vào khoảng đầu năm 2000 tại Nhà sách Fahasa Nguyễn Huệ. Đó là một trong những cuốn sách hiếm hoi về nữ công được bày bán ở đây, gồm ba phần chính: Thêu tay, thêu chữ thập và thêu ruy băng. Các mẫu hoa ruy băng cũng khá đơn giản nhưng nó mang lại một không khí tươi vui, ngây thơ, tràn đầy sức sống. Các mẫu thêu này đã ảnh hưởng đến quá trình sáng tác thời kỳ đầu của tôi.
- Nghệ thuật thêu ruy băng của Đường đã xuất hiện và cộng hưởng với tác phẩm thời trang của nhiều nhà thiết kế lớn. Làm thế nào để hai bên tìm được tiếng nói chung khi đều là những người sáng tạo, giàu cá tính?
- Thường thì trước khi làm một bộ sưu tập, các nhà thiết kế và tôi đều đã có những buổi trao đổi sâu sắc về ý tưởng, chất liệu hoặc thông điệp họ muốn truyền tải. Đa phần các nhà thiết kế đều là những người đã theo dõi công việc của tôi từ rất lâu, họ đã có một khái niệm khá rõ ràng về những gì tôi có thể làm được, về tính cá nhân của tôi trong sáng tác, nên đa số mọi người đều cho tôi một không gian sáng tạo khá thoải mái.
- Vật liệu lụa tơ tằm và các vật liệu thêu khác mà Đường dùng là từ nguồn trong nước? Có thuận lợi và khó khăn gì khi thể nghiệm nguyên liệu mới?
- Hiện tại thì vật liệu tơ tằm tôi đang sử dụng đến từ hai làng nghề Nha Xá và Mã Châu. Tôi cũng có dùng thêm tơ sống của Bảo Lộc và Toàn Thịnh. Tuy nhiên, có một số nguyên liệu tôi phải đặt mua ở nước ngoài như ruy băng lụa, tơ sống crepe, chiffon gân... do không thể tìm được nguồn từ trong nước.
Thường khi thử nghiệm một nguyên liệu mới, tôi đều làm với tinh thần vui chơi, coi đó là một mini game do bản thân mình tự đặt cho mình. Giống như một đứa nhỏ chơi nặn đất sét, tôi thường đắm chìm vào quá trình tạo hình chứ không quan tâm nhiều đến kết quả. Nhưng một khi có kết quả mà có thể đưa vào sản xuất, tôi sẽ tìm cách tối ưu hóa nó để có thể mang đến trải nghiệm tốt nhất cho người sử dụng.
- Chuyến giao lưu với công chúng và nghệ nhân thêu truyền thống ở Hà Nội vừa qua có mang lại cho Đường những cảm xúc và ý tưởng sáng tạo gì mới mẻ?
- Sau quá trình làm việc hơn 10 năm, tôi đã khá quen với việc hướng dẫn các workshop. Lần này, sau buổi hướng dẫn cho các bạn sinh viên thuộc Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật - Đại học Quốc gia Hà Nội, rất vui là một số bạn có quan tâm đến kỹ thuật thêu này đã chủ động liên hệ với tôi để nhờ tư vấn, học hỏi. Với riêng tôi thì đây cũng là quá trình tôi được học hỏi từ các bạn, xem xét ý tưởng của các bạn rồi cùng trao đổi về việc thực hiện như thế nào, cũng như tìm kiếm những bước tiến mới. Tôi cũng đang hướng tới việc truyền tải các kỹ thuật cũng như cảm hứng nghệ thuật cho các bạn trẻ có quan tâm.
- Sắp tới liệu nghệ thuật thêu ruy băng Trần Đường có xuất hiện trong những loại hình tác phẩm khác?
- Bản thân tôi luôn muốn tìm tòi, thử nghiệm những thứ mới. Tôi luôn có một khao khát muốn thử thách giới hạn của bản thân, xem thử mình có thể phá vỡ những rào cản và khuôn mẫu đã có trước đó hay không. Do có nền tảng học thiết kế nội thất, tôi cũng muốn tạo ra những sản phẩm - sử dụng kỹ thuật thêu ruy băng - mang tính ứng dụng vào không gian sống.
- Từ thực tế hoạt động sáng tạo của mình, Đường có thể chia sẻ thêm về những khó khăn của nghệ sĩ nói chung và cơ sở thêu ruy băng của Đường nói riêng?
- Khó khăn lớn nhất của người nghệ sĩ nói chung và các nghệ nhân thêu nói riêng là sự công nhận, hay đánh giá đúng từ xã hội. Tôi và các nghệ nhân vốn đã dành nhiều tâm sức cho việc phát triển mẫu thêu, cảm hứng nghệ thuật, nhưng “cơm áo không đùa với khách thơ”. Tôi nghĩ rằng, không chỉ một mình tôi mà hầu như những người hoạt động sáng tạo khác sẽ đều gặp khó khăn nếu tên tuổi mình không được công nhận trên sản phẩm mình làm ra... và muôn vàn những chuyện không tên khác mà nhất thời kể ra không thể nhớ hết. Tuy nhiên, vì đã bén duyên với nghề nào rồi thì mình cũng cứ bước tiếp thôi chứ không có thời gian để nghĩ gì khác.
- Một câu hỏi cuối, Đường cũng đọc, viết sách và chụp ảnh đẹp. Những hoạt động nghệ thuật này hỗ trợ thế nào cho sáng tác của Đường?
- Trước giờ, khi hình dung về mình, tôi luôn nghĩ bản thân là những mảnh rời rạc, trôi nổi, nhưng việc viết ra đã khiến tôi tìm được sự kết nối từ các mảnh này. Bên cạnh đó, chụp hình là một phần trong quá trình nghiên cứu mẫu vật, Đường thường chụp bằng máy phim để ghi lại các chuyển động của hoa, của cảnh vật khi chúng ở trong các thời điểm khác nhau. Từ đó, khi nhìn lại các bức ảnh, tôi sẽ ghi nhớ được cảm xúc của mình khi nhìn chúng vào thời điểm đó như thế nào, từ đó truyền tải vào sáng tác.
- Chân thành cảm ơn những chia sẻ thú vị của Trần Đường!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.