Lênin đã chỉ rõ: “Giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền càng khó hơn”.
Là một chiến sĩ tiên phong trong Quốc tế Cộng sản do Lênin thành lập, với sự nhạy bén chính trị, tầm hiểu biết và tư duy lý luận sâu sắc, cùng những trải nghiệm trong phong trào vô sản thế giới, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo học thuyết của Lênin vào điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cụ thể của Việt Nam. Người đã cùng toàn Đảng lãnh đạo nhân dân bảo vệ vững chắc thành quả Cách mạng Tháng Tám năm 1945, kiên định thực hiện lời thề độc lập dân tộc gắn liền với khát vọng xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa.
Biểu tượng bất tử cho tinh thần độc lập dân tộc
Cống hiến của Người là một đóng góp quan trọng vào kho tàng lý luận cách mạng thế giới về “cách mạng xã hội triệt để”, thúc đẩy văn minh, tiến bộ, bình đẳng giữa các dân tộc, đem lại hạnh phúc cho con người, trước hết là cho Tổ quốc và đồng bào mình.
Trong tác phẩm “Đường kách mệnh”, Nguyễn Ái Quốc đã phủ định những giá trị ảo về phương diện cách mạng xã hội theo màu sắc tư sản do các nước Anh, Pháp, Mỹ tiên phong. Người coi đó là những cuộc cách mạng xã hội không triệt để, nên phải thay đổi nhận thức lý luận và hành động cách mạng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người thực sự. Người nêu rõ, nhận thức và hành động đi đôi với nhau, song nhất thiết phải có chính đảng vô sản lãnh đạo, theo kim chỉ nam của chủ nghĩa Mác - Lênin: “Muốn kách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có Đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh; phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin”. Giá trị bao trùm và cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lênin là đấu tranh giai cấp để xóa bỏ áp bức bóc lột do giai cấp tư sản đè nặng lên giai cấp vô sản. Đó còn là đấu tranh giữa các dân tộc thuộc địa chống lại thực dân, đế quốc, nhằm giành lại độc lập, bình đẳng giữa các dân tộc, tự do, hạnh phúc giữa con người với con người.
Cuộc đấu tranh theo đuổi những mục tiêu thiên niên kỷ nêu trên không phải là cuộc thương lượng hòa bình giữa những người bị trị và những kẻ áp bức thống trị. Nó phải được tiến hành thông qua đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của chính đảng vô sản - lực lượng chính trị tinh hoa do những người cộng sản sáng lập nên.
Trong thế kỷ XX, chủ nghĩa tư bản đã bước sang giai đoạn đế quốc trên phạm vi thế giới, bao phủ bóng đen trên đa số không gian chính trị toàn cầu; như chiếc lồng vô hình giam cầm quyền sống, quyền tự do của các dân tộc khác, trong đó có Việt Nam.
Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã dẫn lối dân tộc Việt Nam vùng lên đấu tranh giành quyền độc lập, bảo vệ vững chắc quyền độc lập, tự do chính đáng của mình. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là khúc dạo đầu của bản trường ca “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”.
Hồ Chí Minh là biểu tượng bất tử cho tinh thần độc lập dân tộc. Từ thông điệp “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, tới chân lý thời đại “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập là tối thượng, nếu mất độc lập dân tộc là mất tất cả. Độc lập dân tộc là nền tảng của quyền tự do và cuộc sống hạnh phúc cho nhân dân. Những giá trị như vậy chỉ có thể đạt được khi đồng thời giương cao hai ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Dấu ấn trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội
Trong chính cương vắn tắt (tháng 2-1930), Luận cương chính trị (tháng 10-1930), tới Báo cáo chính trị tại Đại hội II của Đảng (tháng 2-1951), nhất là Báo cáo chính trị Đại hội III của Đảng (tháng 9-1960), đều nhấn mạnh việc giương cao hai ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đây là một trạng thái đặc biệt trong lịch sử Việt Nam từ sau Hiệp định Giơnevơ (tháng 7-1954) tới khi hoàn thành thống nhất về mặt nhà nước, thời điểm Quốc hội khóa II họp kỳ họp thứ nhất (tháng 7-1976).
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước từ năm 1954 đến 1975 nhằm giải phóng miền Nam, song song với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc là hai vai gánh vác sơn hà đối với Đảng ta và Hồ Chủ tịch.
Không thể phủ nhận tầm nhìn chiến lược mang tính sáng tạo đi trước thời đại của Hồ Chí Minh khi lãnh đạo cách mạng Việt Nam vừa đấu tranh thống nhất đất nước, vừa dựng xây chủ nghĩa xã hội. Một nửa đất nước ở phía Nam sông Bến Hải là tiền phương lớn, một nửa đất nước ở phía Bắc sông Bến Hải là hậu phương lớn, chung một mục tiêu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, sau đó đưa cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội. Miền Nam đi trước về sau trong nhiệm vụ đấu tranh giải phóng dân tộc, còn miền Bắc vừa sát cánh đồng hành với miền Nam trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ quyền độc lập dân tộc, vừa đi trước trong sứ mệnh khai mở sự nghiệp dựng xây chủ nghĩa xã hội.
Từ lãnh đạo đấu tranh giải phóng dân tộc mang lại nền độc lập trọn vẹn (lãnh thổ, nhà nước, chế độ xã hội), Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng tạo nên nghệ thuật chiến tranh nhân dân, hun đúc chủ nghĩa anh hùng cách mạng, phát huy cao độ lòng yêu nước trong toàn dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Từ lãnh đạo sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng ta đã phát hiện và hoàn thiện mô hình chủ nghĩa xã hội phù hợp với hoàn cảnh lịch sử và điều kiện cụ thể của Việt Nam, tạo không gian chính trị, phát huy trí tuệ, nhiệt huyết cách mạng dựng xây cuộc đời mới cho nhân dân ta.
Tháng 10-1945, Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Người cũng bộc bạch ham muốn tột bậc là làm sao cho “dân ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là hai mặt thống nhất của đời sống con người trong chế độ dân chủ mới. Nhờ vậy, cách mạng Việt Nam mới có sự hội tụ nhân tâm trong nước và quốc tế. Từ đó, có cơ sở để lý giải vì sao khi hàng loạt nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, đặc biệt là Liên Xô sụp đổ, song Việt Nam vẫn vượt qua cơn bão táp thời đại.
Thành công trong 40 năm đổi mới, thắng lợi to lớn trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của Việt Nam mang dấu ấn Hồ Chí Minh, đóng góp vào kho tàng lý luận cách mạng thế giới một triết lý chính trị dẫn lối thời đại: “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”.
* *
*
Trong sự nghiệp kháng chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc, Thủ đô Hà Nội hoàn toàn có quyền tự hào là biểu tượng của giá trị sống cao đẹp, phổ quát mà nhân loại hướng tới, chiến đấu anh hùng vì hòa bình.
Trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, Thủ đô Hà Nội cũng có quyền kiêu hãnh vì đã gương mẫu đi đầu trong xây dựng nền tảng chế độ mới, nâng tầm vóc Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại, anh hùng, xứng danh là Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Vinh dự cho Thủ đô vì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có 24 năm sống, làm việc tại đây. Người cũng luôn dành cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô tình cảm đặc biệt, sự lãnh đạo sâu sát; và Thủ đô cũng không phụ lòng Người, đã gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, truyền cảm hứng trong toàn quốc. Ngày nay, Thủ đô Hà Nội đang gương mẫu đi đầu, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi vào cõi vĩnh hằng, song tư tưởng, tình cảm của Người còn mãi với Thủ đô Hà Nội, còn mãi với non sông đất nước. Khắc ghi công lao trời bể của Người, những người Việt Nam yêu nước nguyện chung sức đồng lòng bảo vệ vững chắc Tổ quốc, đưa đất nước tới đài vinh quang, sánh vai với các cường quốc năm châu.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.