Bộ GD-ĐT khẳng định, việc bỏ cấp bằng trung học cơ sở, giao hiệu trưởng nhà trường xác nhận việc hoàn thành chương trình không ảnh hưởng đến quyền, cơ hội học tập của học sinh.
Liên quan đến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục vừa được công bố để các cơ quan, tổ chức, cá nhân đóng góp ý kiến, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin rõ hơn về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục và những nội dung quan trọng.
Giáo dục nghề nghiệp là một cấp học
Một trong những điểm mới đáng chú ý tại dự thảo Luật là xác lập giáo dục nghề nghiệp là một cấp học trong hệ thống giáo dục quốc dân, gồm hai bậc: Trung học nghề và cao đẳng. Trong cấp học này, người học được đào tạo ở ba trình độ: Sơ cấp, trung cấp và cao đẳng.
Cụ thể, trung học nghề dành cho học sinh sau trung học cơ sở, tích hợp kiến thức văn hóa phổ thông nền tảng và kỹ năng nghề, hướng tới đạt trình độ sơ cấp hoặc trung cấp; còn cao đẳng dành cho người học sau trung học phổ thông hoặc tương đương, đào tạo ở trình độ cao đẳng.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, cách thiết kế này bảo đảm cấu trúc hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng phân rõ cấp học, phân loại rõ trình độ đào tạo và tăng cường tính mở, liên thông, phù hợp với khung trình độ quốc gia và thông lệ quốc tế.
Không cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở
Về quy định văn bằng, chứng chỉ, dự thảo Luật quy định bỏ bằng tốt nghiệp trung học cơ sở và giao thẩm quyền cho hiệu trưởng trường trung học cơ sở xác nhận hoàn thành chương trình trung học cơ sở thay cho việc trưởng phòng giáo dục và đào tạo cấp huyện cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng quy định giao thẩm quyền cho hiệu trưởng trường trung học phổ thông cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông thay cho việc giám đốc sở giáo dục và đào tạo cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc bỏ cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở và phân cấp thẩm quyền xác nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông là yêu cầu tất yếu nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, Nhà nước, đáp ứng thực tiễn quản lý giáo dục và tiệm cận thông lệ quốc tế.
Sự điều chỉnh này nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương phân cấp, phân quyền mạnh mẽ trong quản lý nhà nước theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW và Kết luận số 137-KL/TW của Bộ Chính trị. Việc trao quyền cho người đứng đầu cơ sở giáo dục trong xác nhận, cấp bằng là bước đi cụ thể trong phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm giữa Trung ương và địa phương, giữa cơ quan quản lý và cơ sở thực thi.
Sự điều chỉnh này phù hợp với xu thế quản trị hiện đại, tinh gọn bộ máy, tăng hiệu lực điều hành, góp phần xóa bỏ khâu trung gian hành chính không cần thiết, rút ngắn quy trình, giảm áp lực cho cơ quan quản lý cấp huyện và tỉnh, đồng thời tăng tính tự chủ và trách nhiệm giải trình của các nhà trường.
Bên cạnh đó, sự điều chỉnh này cũng phù hợp với bản chất của phổ cập giáo dục trung học cơ sở là chính sách xã hội, không phải là hệ thống đào tạo có đầu ra bằng cấp. Việc xác nhận hoàn thành chương trình học là đủ để phục vụ phân luồng, chuyển cấp, không cần thiết duy trì cơ chế cấp bằng hành chính.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay các quốc gia phát triển như Mỹ, Anh, Phần Lan, Canada không cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở mà giao quyền xác nhận kết quả học tập cho hiệu trưởng, sử dụng như căn cứ học tiếp lên bậc cao hơn hoặc định hướng nghề nghiệp. Vì thế, sự điều chỉnh này nhằm tiệm cận thông lệ quốc tế, tạo điều kiện hội nhập.
Việc xác nhận hoàn thành chương trình đủ căn cứ để người học chuyển cấp
Theo dự thảo Luật, một trong những thay đổi đáng chú ý là là thẩm quyền cấp bằng tốt nghiệp trung học trung học phổ thông được giao cho hiệu trưởng nhà trường, thay vì giám đốc sở giáo dục và đào tạo như hiện nay. Điều này nhằm thực hiện chủ trương phân cấp, phân quyền, tuân thủ nguyên tắc “nơi nào đào tạo, nơi đó cấp bằng”.
Dự thảo cũng quy định học sinh hoàn thành chương trình trung học cơ sở được hiệu trưởng nhà trường xác nhận học bạ hoàn thành chương trình trung học cơ sở, thay vì trưởng phòng giáo dục và đào tạo của quận, huyện cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở như hiện nay.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng khẳng định, quy định bỏ cấp bằng trung học cơ sở, giao thẩm quyền xác nhận hoàn thành chương trình cho hiệu trưởng nhà trường không ảnh hưởng đến quyền và cơ hội học tập của người học.
Việc thay thế cấp bằng bằng xác nhận hoàn thành chương trình vẫn bảo đảm đầy đủ căn cứ pháp lý cho người học chuyển cấp, học nghề hoặc học tiếp theo nguyện vọng.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 14-6-2019, có hiệu lực từ ngày 1-7-2020. Trong quá trình triển khai, Luật Giáo dục đã góp phần tạo hành lang pháp lý quan trọng cho sự phát triển của hệ thống giáo dục quốc dân.
Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy một số bất cập, hạn chế cần được tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, tập trung vào một số nội dung như: Vấn đề phân cấp, phân quyền và cơ chế tự chủ của các cơ sở giáo dục; các cấp học của hệ thống giáo dục quốc dân…
Trước những hạn chế, bất cập nêu trên, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 91-KL/TW, trong đó xác định “tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về giáo dục và đào tạo, tháo gỡ những điểm nghẽn…”; “tăng quyền tự chủ, nâng cao trách nhiệm giải trình, phát huy dân chủ trong các cơ sở giáo dục và đào tạo”...
Năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1705/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó, một lần nữa nhấn mạnh nhiệm vụ, giải pháp về việc “rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, các cơ chế, chính sách về giáo dục, đào tạo và các lĩnh vực có liên quan theo hướng khoa học, hiện đại, đồng bộ, liên thông, phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế và thực tiễn ở nước ta, tạo hành lang pháp lý hoàn chỉnh cho phát triển giáo dục và đào tạo”.
Để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn thi hành Luật Giáo dục, đồng thời, để phù hợp, thống nhất với các quy định pháp luật mới được ban hành trong quá trình thực hiện chủ trương về sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước và sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp, thì việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục là cần thiết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.