Không có nhiều sản phẩm được trồng theo tiêu chuẩn VietGap, nhưng nếu doanh nghiệp muốn có được giấy chứng nhận này chỉ cần trả chi phí thì bao nhiêu cũng có.
Thực tế này được ông Lê Tư, Giám đốc Công ty Hồng Thanh Việt, một doanh nghiệp cung cấp thực phẩm sạch tại thành phố Vũng Tàu, nêu lên tại Diễn đàn "Đón sóng thực phẩm sạch" tổ chức ngày 23/8.
Ông Tư kể, khi lên Đà Lạt tìm nhà cung cấp thực phẩm sạch, ngỏ ý chỉ muốn tìm nguồn hàng trồng theo tiêu chuẩn VietGap (Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt tại Việt Nam), ông nhận được lời đề nghị: “Anh cần chứng nhận VietGap cho sản phẩm nào, bao nhiêu, tôi lo cho”.
“Đến giấy chứng nhận VietGap cũng mua bán được dễ dàng như vậy thì người dân, người tiêu dùng còn biết tin vào đâu”, Giám đốc Công ty Hồng Thanh Việt chua chát nói.
Nêu thực tế này, Giám đốc Công ty Hồng Thanh Việt cho rằng, xã hội, người dân đang mất niềm tin nên đã đánh đồng và khi doanh nghiệp bán thực phẩm sạch thì không mua, nhưng lại chấp nhận ra chợ mua thực phẩm không rõ nguồn gốc.
Theo các diễn giả, thực phẩm sạch không chỉ là yêu cầu của xuất khẩu mà quan trọng hơn là bảo đảm sức khoẻ người dân. |
Tham gia tham luận tại diễn đàn, Tiến sĩ Hoàng Đình Chân - Giám đốc Bệnh viện ung bướu Hưng Việt dẫn số liệu thống kê "biết nói" của Cục Bảo vệ thực vật, có tới 2.000/11.000 cơ sở sản xuất và buôn bán thuốc kém chất lượng; hơn 2.500/11.000 cơ sở sản xuất và buôn bán vi phạm quy trình chuẩn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
“Những con số này hết sức báo động nếu chúng ta không quan tâm tới thực phẩm sạch. Cái chết đang rình rập trên từng mâm cơm gia đình, thậm chí ngay trong từng bữa ăn của trẻ nhỏ”, Tiến sĩ Chân lo lắng.
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH cũng lấy dẫn chứng trong ngành sữa khi có tới 92% thị trường sữa nước là sữa bột nhập về pha lại, nhưng người dân vẫn lầm tưởng đó là sữa tươi.
“Doanh nghiệp hám lợi, sử dụng người nông dân như cứu cánh của họ. Khi giá sữa giảm xuống 50% thì lại bảo sữa nông dân bẩn, khi giá sữa lên thì lại bảo chúng tôi có trang trại nuôi bò”, Chủ tịch Tập đoàn TH thẳng thắn chia sẻ.
Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội, nhà quản lý đang mải mê kiểm soát ở khâu bán lẻ mà bỏ quên khâu chăn nuôi.
"Chúng ta đang quản lý từ ngọn chứ không quản lý từ gốc. Những phong trào 'sực nhớ' cần bỏ ngay", ông Phú nói.
Hoan nghênh việc xử lý mạnh những doanh nghiệp sử dụng chất cấm trong sản xuất thực phẩm, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Thương mại (nay là Bộ Công Thương) chỉ ra thách thức lớn nhất là Việt Nam không đảm bảo được tiêu chuẩn biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật (SPS).
"Vấn đề cấp bách đặt ra là phải đảm bảo sản xuất nông sản, thực phẩm và tiêu dùng thực phẩm sạch. Bảo đảm nông sản - thực phẩm sạch không chỉ là yêu cầu của xuất khẩu mà quan trọng hơn là bảo đảm sức khoẻ của người dân”, ông Tuyển nhấn mạnh.
Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội - Vũ Vinh Phú thì đề xuất, nên lựa chọn một số mặt hàng chính và làm cho tới cùng như gạo, thịt... sau đó thì nhân rộng ra. Cũng không nên làm theo phong trào một tháng rồi sau đó bỏ lơ thì kết quả cũng là số không. Song song đó, chế tài xử lý hành chính kinh doanh, sản xuất thực phẩm bẩn cũng phải nâng lên để đảm bảo tính răn đe.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.