(HNM) - Các chuyên gia pháp luật dự báo khả năng tại kỳ họp Quốc hội tới sẽ xảy ra tranh luận gay gắt về cơ chế bảo đảm tính độc lập của tòa án trong xét xử.
Cụ thể là trong dự thảo Luật Tổ chức tòa án nhân dân - TAND (sửa đổi) mới nhất đang ở giai đoạn lấy ý kiến các cơ quan chức năng, chuẩn bị trình Quốc hội, TAND Tối cao mặc dù nêu quan điểm xét xử chỉ tuân theo pháp luật nhưng chưa thể hiện được tinh thần này. Chưa kể, còn có tư duy tổ chức tòa án theo kiểu ngành dọc và hành chính hóa hệ thống tòa án. Ở đây, chưa bàn đến chuyện nên thay đổi như thế nào mà chỉ nhìn vào các lập luận để thấy Ban soạn thảo đề ra cơ chế chưa hợp lý.
Trước hết, TAND Tối cao cho rằng xây dựng dự thảo Luật Tổ chức TAND nhằm bảo đảm các điều kiện để tòa án thực hiện được chức năng, nhiệm vụ là cơ quan bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, vì lợi ích của Nhà nước... Theo đó, thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập. Thế nhưng, trong dự thảo, không có bất kỳ một cơ chế nào bảo đảm quyền độc lập ấy; cũng không thấy quy định gì về nguyên tắc xét xử trong tranh tụng được bảo đảm trong quy trình hoạt động từ TAND Tối cao đến tòa án tỉnh, tòa sơ thẩm. Do đó, việc thực hiện thế nào, chắc chắn sẽ có nhiều cách hiểu, cách triển khai khác nhau.
Đáng lưu ý hơn, theo Điều 5 của dự thảo, TAND được tổ chức, hoạt động theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc đơn vị hành chính. Nhưng Điều 8 lại "trói" bằng quy định "TAND Tối cao quản lý các TAND về tổ chức. Chánh án TAND Tối cao có quyền luân chuyển, điều chuyển, điều động cán bộ từ chỗ này sang làm chỗ khác". Việc này khiến dư luận băn khoăn, nếu triển khai sẽ khiến hệ thống tòa án thành một cơ cấu hành chính. Nghĩa là tòa án cấp trên "lo" cho tòa án cấp dưới từ nhân sự, kỷ luật cán bộ đến ngân sách hoạt động mọi mặt. Trong khi đó, Hiến pháp sửa đổi năm 2013 chỉ quy định TAND Tối cao có 3 nhiệm vụ chính: Là cơ quan xét xử cao nhất; giám đốc thẩm và tổng kết hoạt động xét xử. Việc TAND Tối cao tự giao thêm cho mình một nhiệm vụ rất nặng nề là quản lý hệ thống tòa án chắc chắn vừa mất nhiều thời gian, không có điều kiện để tập trung vào hoạt động chính là xét xử; vừa khiến tòa cấp dưới khó có thể xét xử độc lập.
Như vậy, nguyên nhân của sự bất cập đã rõ. Nếu cụm từ "độc lập trong xét xử" không được thể chế bằng các quy định khả thi sẽ tạo điều kiện cho tiêu cực phát sinh. Tất nhiên không thể nói, tòa án cấp dưới tách hẳn ra khỏi tòa án cấp trên, nhưng cần cân nhắc phạm vi quản lý thế nào cho hợp lý để quy định vào dự thảo luật, bảo đảm tính khách quan vừa không mâu thuẫn với Hiến pháp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.