(HNM) - Thăng Long - Hà Nội, những hình ảnh thoáng qua nhưng thật sâu đậm, đẹp đẽ trong ký ức và hiện tại của người họa sĩ xa quê Văn Dương Thành được thể hiện trong triển lãm
Khách quốc tế tham quan triển lãm “Một thoáng Thăng Long nghìn năm”. |
Cái tên Văn Dương Thành đã rất nổi tiếng ở châu Á. Chị từng được tặng nhiều giải thưởng mỹ thuật trong nước và quốc tế, trong đó có giải thưởng "Nghệ thuật kiệt xuất quốc tế" của CFMI (1995, 1997), danh hiệu "Vinh danh đất Việt" (2007). Chị đang sống và làm việc ở Stockholm (Thụy Điển) nhưng nỗi nhớ quê nhà, muốn đem lại những cống hiến thôi thúc chị về nước vài năm nay cùng nhiều tác phẩm và triển lãm tại Thủ đô. Vẽ về Hà Nội đối với Văn Dương Thành như là một sự mê đắm. Ở đó, chị được trải ra nỗi nhớ, sự luyến lưu, biết ơn với mảnh đất đã nuôi lớn, bồi đắp tâm hồn mình.
Trong triển lãm này, Văn Dương Thành nhận rằng, dù mòn dấu chân khắp các ngõ ngách của Hà Nội nhưng chị mới chỉ khắc họa được một phần nét đẹp Thăng Long trong con mắt của người họa sĩ nhỏ bé. Vẫn sử dụng chất liệu sơn dầu và acrylic, 30 bức tranh là một Hà Nội trừu tượng, mơ màng mà thật quen, thật gần. Mái ngói liêu xiêu, bức tường rêu xanh, những ngôi nhà của phố cổ, Ô Quan Chưởng, Khuê Văn Các, chùa Trấn Quốc, Văn Miếu - Quốc Tử Giám… của Thăng Long văn hiến là những đề tài vô tận để sáng tạo. Bao giờ trong đó, những kiến trúc tinh tế, cầu kỳ của di tích cũng được chị đặc tả chân thật và tỉ mỉ nhất. Biết rằng, chị dành cả năm trời ngắm nhìn, nghiên cứu qua sách, ảnh nét cong mái chùa, góc Ô Quan Chưởng, cấu trúc Tháp Rùa… Rồi chị đặt mình vào một chuyến viễn du về quá khứ, lần giở lại không gian xưa, khi còn thơ bé. Hình ảnh những di tích in đậm trong chị từ những buổi đi chơi cùng cha mẹ hiện lên rõ nét. Và chị vẽ, khi tỉ mẩn, cẩn trọng, lúc dồn dập, ngẫu hứng. Dùng những gam màu nóng, sáng trên nền trầm cổ, nét bút sắc, đẩy dần các chi tiết đan xen quá khứ và hiện tại, nên trong tranh của chị, phố cổ, mái chùa… không trầm ngâm, tĩnh lặng như của "ông hoàng" tranh phố cổ Bùi Xuân Phái mà tươi mới, náo nhiệt với hoa, lá đâm chồi, thiếu nữ rạng rỡ, dòng người xe tấp nập. "Tôi muốn ghi lại những đường nét kiến trúc cổ thật chuẩn xác bởi sợ thời gian làm mai một vẫn còn có trong tranh để các bạn trẻ biết về nét văn hiến Thăng Long - Hà Nội", họa sĩ Văn Dương Thành chia sẻ.
Họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nhận xét: "Tranh của Văn Dương Thành chỉ lấy cái gốc hiện thực còn lãng mạn vô cùng. Mỗi triển lãm của Thành là một trải nghiệm về tình yêu và nỗi nhớ với quê hương. Lần này, Thành có nhiều thay đổi trong bút pháp. Thay vì sử dụng bay, chát, Thành chuyển sang vảy, chảy để tạo nhịp điệu tươi mới, hân hoan. Những bức tranh trở nên ngẫu hứng hơn là chủ ý. Dù rõ lọ hoa, con hạc, Ô Quan Chưởng đấy nhưng những hình ảnh đó cứ chập chờn, mờ ảo giống trong mơ vậy. Và như thế, khiến người xem dễ rung động".
Triển lãm lần này, chị giới thiệu nhiều nhất về Ô Quan Chưởng (gần 20 bức); một bộ tranh tĩnh: "Trống đồng Đông Sơn và hoa", "Đôi hạc và đồ đồng", "Cành đào mùa xuân và bình gốm thời Lý"… Chị còn khắc họa chân dung của những nghệ sĩ đã gắn bó và làm nên Hà Nội trong mắt chị như nhạc sĩ Văn Cao trắng và gầy nhưng rất đa tình… đầy chất ngẫu hứng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.