(HNMO)-Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo tổng kết “Tuần Lễ vàng ươm mầm hạnh phúc” và kỷ niệm 4 năm thành lập khoa Hỗ trợ sinh sản (2012 – 2016) của Bệnh viện (BV) Nam học và Hiếm muộn Hà Nội diễn ra ngày 20-8.
Bác sĩ Lê Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc kiêm Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản của BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết, trường hợp một phụ nữ sinh con ở tuổi 58 nhờ thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) tại BV là một trong những phụ nữ cao tuổi nhất tại Việt Nam được can thiệp chữa vô sinh thành công. Dù các bác sĩ đã khuyên không nên có con khi tuổi cao nhưng bệnh nhân vẫn quyết tâm có con. “Trường hợp này đã mãn kinh được 2 năm và phải xin noãn để tiến hành thụ tinh. May mắn, dù lớn tuổi nhưng chị vẫn sinh được một bé trai kháu khỉnh nặng 3 kg. Hiện nay, bé trai này đã được gần 1 tuổi”, bác sĩ Lê Thị Thu Hiền nói.
Các bác sĩ thực hiện thụ tinh nhân tạo tại BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội |
Ngoài ra, BV còn chữa trị thành công cho trường hợp anh Đỗ Đại D. khuyết tật liệt 2 chi. Năm 19 tuổi anh bị tai nạn, liệt hoàn toàn 2 chi dưới, không đi được, phải ngồi xe lăn. Năm 36 tuổi anh lập gia đình. Sau khi đến các BV kiểm tra, các bác sĩ cho biết, trường hợp của anh rất khó có con, gần như là vô vọng. Nhưng năm 2012, anh đến BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội thì may mắn, anh được chọc hút tinh trùng, thực hiện TTTON lần đầu tiên thành công, được 3 phôi. Vợ chồng anh đã sinh được bé gái hiện 4 tuổi.
Một trường hợp khác là chị Đinh Thị Bích Thủy có con sau gần 20 năm chữa chạy vô sinh, hiếm muộn. Quá trình tìm kiếm đứa con của chị hết sức vất vả. Thậm chí, tiến hành nhiều lần thụ tinh nhưng không lần nào thành công. Cứ hy vọng rồi thất vọng khiến chị hết sức chán nản, tuyệt vọng. Đến năm 2012, vợ chồng anh chị đến BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội và gặp bác sĩ Thu Hiền. Bác sĩ khuyên 2 vợ chồng chị thực hiện TTTON nhưng lần đầu không thành công. Dù bác sĩ động viên, chị thực hiện lần hai nhưng trong lòng cũng không có hy vọng. Đến khi chị mua que thử thai, kết quả thử thai tại nhà là 2 vạch, chị vẫn không tin. Đến khi bác sĩ khẳng định chị có mang, đến tháng thứ 3 chị vẫn không tin, thậm chí mang bầu 5, 6 tháng chị vẫn ngờ ngợ. Chị sinh con đầu vào ngày 11/2/2015, sau gần 20 năm chạy chữa hiếm muộn. Sau đó vợ chồng chị quyết định có thêm bé thứ 2, hiện bé đã được 9 tháng rưỡi.
Thống kê mới nhất của Bộ Y tế cho thấy, các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn đang ngày càng gia tăng tại Việt Nam. Hiện nước ta có 7,7% cặp vợ chồng bị vô sinh, tương đương với hơn một triệu cặp vợ chồng. Ngay tại “Tuần lễ vàng ươm mầm hạnh phúc” (diễn ra từ ngày 8 đến 20-8) đã khám và tư vấn miễn phí điều trị vô sinh cho hơn 1.000 cặp vợ chồng. Bác sĩ Lê Thị Thu Hiền cho rằng, nhiều cặp vợ chồng còn thiếu thông tin, kiến thức về nguy cơ vô sinh hiếm muộn. Theo đó, một cặp vợ chồng sinh hoạt tình dục bình thường không sử dụng biện pháp tránh thai nào mà 6 tháng (với người dưới 30 tuổi) hoặc 12 tháng (với người trên 30 tuổi) chưa có thai thì được coi là hiếm muộn. Thực tế có đôi sau 2-3 năm mới đi khám, có cặp mới lấy nhau 3-4 tháng chưa thấy có thai đã sợ vô sinh.
Ngày nay những cải tiến vượt trội trong điều trị hiếm muộn và kỹ thuật hỗ trợ sinh sản đã biến ước mơ có con của nhiều cặp vợ chồng thành hiện thực. BS.CKII.Nguyễn Khắc Lợi – Giám đốc BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội chia sẻ, từ ngày thành lập đến nay, khoa Hỗ trợ sinh sản của BV đã đón nhận hàng chục nghìn lượt bệnh nhân tới khám, chữa bệnh, trong đó có hàng nghìn cặp vợ chồng thực hiện kỹ thuật TTTON với tỷ lệ thành công rất cao (tương đương với tỷ lệ của các trung tâm TTTON lớn trong nước và quốc tế). Tại BV, các trường hợp vợ chồng bị hiếm muộn rất đa dạng, do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó nguyên nhân do người vợ chiếm 40%, do chồng chiếm 40%, 10% là nguyên nhân khác và 10% chưa rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, tỷ lệ thành công của các cặp vợ chồng khi điều trị hiếm muộn tại BV cũng khá cao nhờ áp dụng phác đồ điều trị và can thiệp y khoa thích hợp. Cụ thể: Tỷ lệ có thai trong bơm tinh trùng vào buồng tử cung ( IUI ): 31%; tỷ lệ có thai trong chuyển phôi tươi: 42 % và chuyển phôi đông lạnh: 63 %. Vì thế, quan trọng là các cặp sớm nhận thức được tình trạng hiếm muộn để có biện pháp can thiệp y khoa phù hợp và điều trị thành công.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.