Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một phụ nữ ở Hà Nội phải nhập viện do nhiễm độc sau khi bị con cu li cắn

Thu Trang| 02/12/2021 14:55

(HNMO) - Chiều 2-12, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, tại đây vừa tiếp nhận một bệnh nhân nữ (45 tuổi, ở Hà Nội) phải nhập viện do nhiễm độc sau khi bị con cu li cắn.

 Hình ảnh vết cắn của con cu li trên tay bệnh nhân.

Đây là trường hợp đầu tiên Trung tâm Chống độc tiếp nhận. Trước đó, sau khi bắt con cu li thoát khỏi cũi, người phụ nữ 45 tuổi bị cắn vào bàn tay. Ngay sau khi bị cu li cắn vài phút, chị thấy tê bì đầu các ngón tay và ngón chân, đau buốt vùng bị cắn, giọng nói yếu đi hẳn, cảm giác trống ngực.

Sau khi được cấp cứu và làm một số xét nghiệm, kiểm tra, rà soát các tài liệu và chẩn đoán thì các bác sĩ khẳng định, bệnh nhân bị nhiễm độc sau khi bị cu li cắn.

Theo các chuyên gia, cu li là sinh vật nhìn hiền lành, dễ thương nên được nhiều người ở Việt Nam tìm về nuôi làm cảnh. Tuy nhiên, hiện loài này đã được đưa vào sách Đỏ. Cu li có tuyến nọc độc ở mặt trong hai khuỷu chân phía trước.

Nọc độc phủ trên da, trên lông giúp bảo vệ nó khỏi các con côn trùng và các sinh vật bên ngoài tấn công. Cu li dùng miệng liếm nọc độc từ tuyến nọc, sau đó chải lông. Nọc độc tiết ra kết hợp với nước bọt và gây nhiễm độc thông qua nhát cắn tự vệ.

Khi bị đe dọa, cu li sẽ dơ hai chân trước lên che đầu, vừa có tác dụng bôi nọc độc lên da đầu, vừa giúp con vật liếm thêm nọc độc từ chân. Thoạt nhìn hình ảnh con cu li có thể dễ thương, nhưng các nhà khoa học đã phân tích khuôn mặt cu li có các hình ảnh giống hoa văn ở đầu cổ rắn hổ mang (một dạng bắt chước về hình thái để giúp tự vệ).

Cu li là loài vật được nhiều người nuôi nhưng có nọc độc.

Tuy còn rất ít thông tin nghiên cứu thành phần tuyến nọc độc trên người con cu li nhưng nọc độc có bản chất protein. Một số thông báo về biểu hiện nhiễm độc sau khi bị con cu li cắn như đau buốt, đau rất nhiều so với việc cùng một con vật kích thước tương tự cắn; có biểu hiện tê bì, rối loạn cảm giác, đau đầu, buồn nôn, run rẩy, mệt mỏi, khó chịu toàn thân, rối loạn đông máu. Một số trường hợp có biểu hiện dị ứng, thậm chí có phản vệ, có thể dẫn đến tử vong.

Vết cắn có thể bị nhiễm trùng, hoại tử phần mềm cũng có thể gây nguy hiểm. Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo, người dân cần cẩn trọng với trào lưu tìm nuôi các động vật về làm thú cưng. Khi tiếp xúc với các sinh vật trong tự nhiên, người dân cần phải biết các nguy cơ có thể có với sức khỏe con người mà các động vật đem lại, bao gồm các bệnh lây truyền từ động vật, một số động vật có độc, kể cả động vật có vú cũng có độc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Một phụ nữ ở Hà Nội phải nhập viện do nhiễm độc sau khi bị con cu li cắn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.