(HNM) - Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng Viện KSND Tối cao đã được đông đảo cử tri theo dõi qua các chương trình phát thanh, truyền hình trực tiếp.
Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Túc:
Chủ tịch nước là hình ảnh tiêu biểu cho khối đại đoàn kết
5 năm qua, đất nước đã thu được nhiều thành tựu quan trọng, trong đó có sự đóng góp to lớn của Chủ tịch nước với tư cách là nguyên thủ quốc gia. Chủ tịch nước là hình ảnh tiêu biểu cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc, người có khả năng quy tụ, đoàn kết mọi giai cấp, tầng lớp dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài vì mục đích chung: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Với cương vị Trưởng ban Cải cách tư pháp, Chủ tịch nước đã dành nhiều công sức và thời gian cho việc xây dựng Hiến pháp và thể chế, đặc biệt quan tâm đến chỉ đạo xét xử, nhằm "không để lọt tội phạm, không để oan cho người vô tội", tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp có đức, có tài, có tâm, có tầm.
Tuy nhiên, tôi cũng như nhiều cử tri còn một số băn khoăn vì chưa thấy rõ nét vai trò của Chủ tịch nước trong các vấn đề quốc kế dân sinh như: Vấn đề ngân sách, vay nợ nước ngoài, giám sát đội ngũ cán bộ hành pháp; chưa thể hiện rõ vai trò thống lĩnh lực lượng vũ trang như Hiến pháp đã quy định. Phải chăng ở đây có vấn đề cơ chế hay thể chế? Đề nghị Chủ tịch nước và các cơ quan hữu quan xem xét.
Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm Đàm Văn Sách:
Đánh giá cao nhiệm kỳ của Thủ tướng
Tôi là người có điều kiện theo dõi đầy đủ các phiên họp của Quốc hội, nhất là các phiên truyền hình trực tiếp các buổi chất vấn của Quốc hội với Chính phủ, tôi thấy Chính phủ rất có trách nhiệm, nỗ lực cao trong thực thi và giải trình. Thủ tướng Chính phủ miệng nói tay làm, chúng tôi đánh giá rất cao. Tuy nhiên, thực tế cũng vẫn còn những hạn chế như một số quyền lợi của người dân vẫn chưa bảo đảm. Các công trình hạ tầng đầu tư dàn trải, nhiều dự án bị kéo dài. Địa phương tôi sống có một số dự án kéo dài đến 2-3 năm trong khi chỉ cần một năm là có thể hoàn thành. Điều này cần rút kinh nghiệm để làm sao cho tốt hơn trong nhiệm kỳ tới. Nhiệm kỳ tới, chúng ta nên chọn những người có đủ đức, tài, tâm, tầm… để họ gánh trọng trách, lãnh đạo đất nước.
Ông Nguyễn Tiến Minh, cán bộ hưu trí, trú tại phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng):
Cần đổi mới, nâng cao chất lượng điều tra, xét xử
Qua theo dõi báo cáo của Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao trình bày trước Quốc hội về công tác nhiệm kỳ vừa qua, tôi nhận thấy hai ngành đã có nhiều cố gắng đạt hiệu quả trong công tác chấp hành pháp luật, điều tra, xét xử. Riêng trên địa bàn Hà Nội, kết quả điều tra, xét xử được đánh giá cao, không để xảy ra oan sai, không bỏ lọt tội phạm.
Trong nhiệm kỳ cũng nổi lên một số vụ việc xét xử oan sai như vụ án Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén. Đây là những vụ án được điều tra, xét xử từ trước, nay được phát hiện có oan sai. Từ những vụ việc này, ngành Kiểm sát và Tòa án đã thẳng thắn nhận khuyết điểm, có giải pháp khắc phục, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Cử tri mong muốn, từ những kết quả nhiệm kỳ vừa qua, tiếp tục tiến trình cải cách tư pháp mạnh mẽ, hai ngành tiếp tục có những đổi mới, nâng cao chất lượng điều tra, xét xử, cải cách hành chính, hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng đội ngũ cán bộ chất lượng cao để nâng cao chất lượng công tác, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm hiệu quả.
Ông Lê Thiết Cương, đảng viên Đảng bộ Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT Hà Nội):
Đặc biệt ấn tượng về Chủ tịch nước Trương Tấn Sang
Tôi nhớ rất rõ và đặc biệt ấn tượng về Chủ tịch nước Trương Tấn Sang từ khi ông còn ở cương vị Thường trực Ban Bí thư. Khi đó, ông đã thẳng thắn nhận trách nhiệm về mình trong thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về tập trung cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo tinh thần của Hội nghị Trung ương 7, khóa X. Sau này, chương trình xây dựng NTM đã cụ thể hóa nghị quyết đó. Ông Trương Tấn Sang đã nhấn mạnh rất rõ về phương pháp, bước đi, cách làm để người dân thực sự làm chủ trong xây dựng NTM: Quan điểm của Đảng và Nhà nước về xây dựng NTM là phát huy nội lực là chính, có sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước. Phương châm xây dựng NTM, người dân là chủ thể, dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra và dân hưởng lợi. Cả hệ thống chính trị phải tuyên truyền hướng dẫn để người dân hiểu và phải giao quyền cho người dân. Sau này, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành đã đưa vào nội dung xã hội hóa đầu tư xây dựng các công trình nông thôn mới chứ không phải đầu tư hoàn toàn như các chương trình trước đây. Nhờ đó, giảm tải nguồn lực nhà nước, nhưng quan trọng hơn là từ đây, người dân đã bỏ tiền của, công sức vào xây dựng NTM nên càng chân quý những công trình mà họ góp sức. Ở cương vị Chủ tịch nước, hầu như trong các lời phát biểu khi đi thăm các địa phương, bao giờ ông cũng nhắc đến NTM.
Ông Nguyễn Viết Cường, Chủ tịch UBND xã Tam Thuấn (huyện Phúc Thọ):
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nhìn thẳng vào sự thật
Trong nhiệm kỳ 2011-2016, tôi đánh giá cao các thành viên Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ở các vấn đề sau: Thứ nhất, tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động nhưng nền kinh tế nước ta vẫn giữ được ổn định và tăng trưởng khá, đạt trung bình 5,9%. Đặc biệt, Chính phủ đã có những chính sách hợp lý nên đã kiềm chế được lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô... Thứ hai, báo cáo của Chính phủ và Thủ tướng đã thẳng thắn chỉ ra được những tồn tại, hạn chế trong nhiệm kỳ công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Trong nhiệm kỳ tới (2016-2020), tôi kỳ vọng Chính phủ có nhiều chính sách an sinh xã hội cho người dân; quan tâm đầu tư cho xây dựng NTM, nhất là có chính sách ưu tiên đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao để nâng cao đời sống cho người dân khu vực nông thôn, miền núi...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.