An toàn thực phẩm

Một người ở Hà Nội xuất hiện nhiều mảng tím đen sau khi ăn lòng lợn

Thu Trang 03/08/2023 - 11:33

Sau khi ăn lòng lợn một ngày, nữ bệnh nhân (59 tuổi ở Hà Nội) xuất hiện sốt cao, liên tục rét run, kèm đi ngoài phân lỏng 5 lần/ngày, nôn ra thức ăn, đau đầu. Sang ngày thứ hai, bệnh nhân xuất hiện mảng tím đen trên da, rơi vào tình trạng lơ mơ, huyết áp tụt...

Sáng 3-8, theo tin từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, tại đây vừa tiếp nhận nữ bệnh nhân (59 tuổi ở Hà Nội) nhiễm liên cầu khuẩn lợn sau khi ăn lòng lợn.

Trước đó, ngày 2-8, nữ bệnh nhân này được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương) trong tình trạng thở ô xy mask 15l/ph. Bệnh nhân thở gắng sức, sau đó phải chuyển sang thở ô xy lưu lượng cao (HFNC).

1b743007-3dea-462d-96ab-f5a3e15d7164.jpeg
Trên da nữ bệnh nhân xuất hiện nhiều mảng tím đen.

Qua khai thác các bác sĩ cho biết, trước đó 4 ngày, bệnh nhân và gia đình có ăn lòng lợn (không ăn tiết canh). Những người xung quanh không ai mắc triệu chứng tương tự. Sau khi ăn lòng lợn một ngày, bệnh nhân xuất hiện sốt cao, liên tục rét run, kèm đi ngoài phân lỏng 5 lần/ngày, buồn nôn, nôn ra thức ăn, đau đầu âm ỉ, đau mỏi toàn thân.

Sang ngày thứ hai, bệnh nhân xuất hiện mảng tím đen trên da toàn thân và vùng mặt. Sau đó, bệnh nhân được gia đình đưa đến cơ sở y tế trong tình trạng lơ mơ, huyết áp tụt, tổn thương da dạng ban tím toàn thân.

Bệnh nhân được xét nghiệm khí máu toan chuyển hoá nặng, được thở ô xy kính/mask, lọc máu liên tục. Kết quả xét nghiệm cấy máu và dịch não tủy cho thấy, bệnh nhân dương tính với vi khuẩn S.suis gây liên cầu lợn. Bệnh nhân được chẩn đoán, sốc nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết có viêm màng não do S.suis gây suy hô hấp, tình trạng bệnh cải thiện chậm.

Sau khi được chăm sóc và điều trị tích cực tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, hiện tình trạng sức khỏe của nữ bệnh nhân đã được cải thiện.

Được biết, thời gian gần đây, tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố Hà Nội liên tục tiếp nhận bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn. Từ đầu năm 2023 cho đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 13 ca mắc liên cầu lợn, trong đó có 1 ca tử vong. Trong khi cùng kỳ năm 2022, toàn thành phố mới có 1 ca mắc liên cầu lợn.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, vi khuẩn gây bệnh liên cầu khuẩn lợn bị tiêu diệt hoàn toàn khi thực phẩm được nấu chín kỹ.

Do đó, để phòng tránh nhiễm bệnh, người dân không nên ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín. Không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn ốm chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh; không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn. Khi có biểu hiện mắc bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Một người ở Hà Nội xuất hiện nhiều mảng tím đen sau khi ăn lòng lợn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.