(HNM) - Năm 2014, kinh tế Hà Nội gặp nhiều bất lợi, như: Doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, thị trường bất động sản chưa phục hồi, nguồn lực cho đầu tư phát triển còn hạn chế…
Tuy nhiên, với sự quyết tâm và nỗ lực phấn đấu của các cấp chính quyền, cộng đồng DN, kinh tế Hà Nội năm 2014 duy trì mức tăng trưởng khá. Trong đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GDP) tăng 8,8% (cao hơn hẳn mức 5,9% của cả nước); kim ngạch xuất khẩu tăng 11,7%...
Năm 2014, tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GDP) tăng 8,8% cao hơn hẳn mức 5,98% của cả nước. Ảnh: Viết Thành |
Kết thúc năm 2014 giá trị tăng thêm ngành công nghiệp, xây dựng tăng 8,5% (đóng góp 3,6% vào mức tăng GDP chung). Ngay từ đầu năm, DN sản xuất đã cố gắng, nỗ lực tiết giảm chi phí để giữ và hạ giá thành sản phẩm, chủ động tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm... Giá trị tăng thêm ngành dịch vụ đạt 9,6% (đóng góp 5,1% vào mức tăng chung). Sức mua trong dân chưa cao, Thành phố đã chỉ đạo thực hiện các biện pháp kích cầu tiêu dùng như: Tổ chức tháng khuyến mại, áp dụng các chương trình bình ổn giá đối với mặt hàng thiết yếu, đưa hàng về nông thôn và các khu - cụm công nghiệp, liên kết với các tỉnh, thành phố bạn để tiêu thụ hàng hóa; tổ chức và hỗ trợ DN tham gia các hội chợ trong và ngoài nước... Kim ngạch xuất khẩu tăng 11,7%, cao hơn hẳn so với các năm trước. Thủ đô cũng thu hút thêm 1,13 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng hơn 18% so với năm 2013 và đứng trong top 10 cả nước. Thị trường ổn định, với chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp trong khi hoạt động công, thương nghiệp vẫn giữ mức tăng trưởng khá là điều kiện thuận lợi để thành phố thực hiện thu vượt hơn 2% so với chỉ tiêu thu ngân sách.
Nhìn chung, Hà Nội vẫn duy trì phong độ phát triển và xứng đáng là đầu tàu kinh tế khu vực phía Bắc. Nhờ vậy, Hà Nội đã tạo ra sự hậu thuẫn, bảo đảm tính kết nối và dẫn hướng cho các tỉnh bạn, nhất là những địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ như Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh phát triển mạnh.
Năm 2014, thành phố xác định, công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho DN là thường xuyên. Hà Nội cũng là nơi đi đầu cả nước trong việc thiết lập và triển khai hoạt động của mô hình "bàn Nhật Bản", với đầu mối là Sở Kế hoạch và Đầu tư. Đây là nơi đón tiếp, cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư Nhật Bản. Qua các cuộc tiếp xúc và tìm hiểu thực tế tại Hà Nội, hiệp hội DN một số tỉnh, thành phố Nhật Bản như Kobe, Osaka… đã ký thỏa thuận, giao kết để chuẩn bị cho việc đưa hàng chục dự án vào khu công nghiệp trên địa bàn. Phần lớn các DN tiềm năng này đều thuộc quy mô vừa và nhỏ, thuộc lĩnh vực công nghiệp phụ trợ nên rất phù hợp với nhu cầu hợp tác, tiếp nhận đầu tư tại Thủ đô.
Đáng lưu ý là, Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 3745/QĐ-UBND về hỗ trợ DN, cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm trên địa bàn áp dụng hệ thống quản lý an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn ISO 22000, nhằm giúp DN tăng khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kết hợp bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng.
Các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản được triển khai một cách thiết thực, như: Chuyển đổi mục đích từ nhà thương mại sang nhà xã hội, điều chỉnh cơ cấu căn hộ nhà ở thương mại theo hướng diện tích nhỏ hơn để phù hợp với nhu cầu thực của người dân... Những ngày cuối năm, thị trường xây dựng đã có dấu hiệu "ấm hơn", góp phần vực dậy lòng tin của nhà đầu tư.
Từ vài năm gần đây, lãnh đạo UBND thành phố chủ động gặp gỡ, đối thoại với cộng đồng DN và hoạt động này từng bước trở thành tập quán mới trong việc điều hành kinh tế của Thủ đô. Các sở, ngành theo dõi sát sao diễn biến thị trường và kiên trì chủ trương hỗ trợ DN, tổ chức các cuộc gặp định kỳ hoặc theo từng lĩnh vực với DN trên địa bàn. Thành phố chủ động phối hợp với một số đơn vị, ngành để đáp ứng nhu cầu của DN như tiếp cận vay vốn, đề nghị ngân hàng áp dụng lãi suất hợp lý, thuê đất triển khai mặt bằng sản xuất, hỗ trợ DN trong tìm kiếm thị trường tiêu thụ hàng hóa. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh, các cơ quan chức năng, mỗi cán bộ công chức, viên chức cần có ý thức trách nhiệm trên tinh thần cầu thị lấy DN làm đối tượng phục vụ.
Tuy nhiên, việc hỗ trợ DN là mục tiêu liên tục, không thể "có điểm dừng" và luôn còn "dư địa" cũng như cơ hội đối với các cấp chính quyền, cơ quan chức năng. Theo các chuyên gia, năm 2015, DN trên địa bàn sẽ vẫn phải đối mặt với một số thách thức, nhất là tình trạng tồn đọng sản phẩm và thiếu vốn cho đầu tư chiều sâu. Thực tế đặt ra yêu cầu là sự vào cuộc trách nhiệm của thành phố kết hợp với sự nỗ lực, khắc phục khó khăn, huy động và phát huy các nguồn lực để tăng trưởng bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.