Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một món quà đáng mong đợi cho thiếu nhi

Hoàng Thu Vân| 27/05/2014 05:55

(HNM) - Ngày Quốc tế thiếu nhi năm nay, các bậc phụ huynh và khoảng 10 triệu trẻ em dưới 6 tuổi sẽ chính thức đón nhận một món quà đặc biệt của cơ quan chức năng. Cụ thể, từ ngày 1-6-2014 Bộ Tài chính chính thức áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa, quy định mức giá tối đa (giá trần) trong khâu bán buôn đối với 25 sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.



Theo quy định này, nhiều sản phẩm sữa sẽ có mức giá giảm khoảng 15%-20% so với mức giá các doanh nghiệp đang kê khai, cá biệt có những sản phẩm mức giá giảm tới trên 30% giá bán như hiện nay trên thị trường. Cùng với đó, giá bán lẻ sản phẩm sữa đến tay người tiêu dùng cũng được khống chế, chỉ được phép cao hơn 15% so với các mức giá bán buôn.

Như tính toán của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, từ năm 2009 đến năm 2012, sữa bột trẻ em đã trải qua 17 lần tăng giá, với mức trung bình 30%/năm. Giá sữa năm 2012 tăng cao gấp đôi so với giá sữa năm 2009. Còn theo kết quả thanh tra của Bộ Tài chính, từ năm 2013 đến hết quý I-2014, giá sữa của 5 doanh nghiệp lớn tiếp tục tăng từ 2,4%- 30,6% tùy mặt hàng. Lý do đưa ra là do giá nguyên liệu, chi phí đầu vào tăng; nhưng thực tế phải tăng giá sản phẩm lên mức đó người ta mới có thể vung tiền vô tội vạ cho các hoạt động quảng cáo, tiếp thị, khuyến mãi... vượt xa mức quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Như phát hiện của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), có đơn vị chi vượt mức quy định gần 70 tỷ đồng, lại có đơn vị số tiền chi vượt mức tới gần 250 tỷ đồng. Nếu không phải tiền "móc" từ túi của người tiêu dùng, thử hỏi có "ông lớn" nào dám xông xênh như vậy trong thời buổi chưa qua "cơn bĩ cực" của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu?

Theo lý giải Bộ Tài chính, việc chúng ta áp dụng mức giá trần đối với sản phẩm sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi (sản phẩm nằm trong danh mục bình ổn giá) hoàn toàn không vi phạm cam kết quốc tế mà Việt Nam đã thỏa thuận. Bởi vì, đây là mặt hàng đặc biệt, phải chịu sự quản lý của Nhà nước khi có biến động về giá một cách bất thường nhằm hướng tới mục tiêu bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người sản xuất, Nhà nước và người tiêu dùng. Cũng trên lý thuyết, cách tính giá trần đối với sản phẩm sữa của cơ quan chức năng cũng khá hợp lý bởi đó là phép cộng của giá thành sản phẩm, chi phí và lợi nhuận hợp lý.

Như vậy, việc áp giá trần là biện pháp quản lý phù hợp với diễn biến tình hình thị trường thời gian qua. Điều đó giúp cho giá các sản phẩm sữa chủ lực khó có thể "tung tăng nhảy múa" khi nhà sản xuất muốn điều chỉnh phải có căn cứ hợp lý. Tuy nhiên khi áp dụng biện pháp này không phải là không có những kẽ hở. Ví dụ thời gian tới, nếu nhà sản xuất đưa ra những sản phẩm mới nhưng thực tế chỉ là thay đổi mẫu mã, bao bì, tên gọi... nằm ngoài danh sách 25 sản phẩm thì liệu có "lách luật" được không? Hoặc giả vẫn tuân thủ mức giá nhưng giảm trọng lượng đóng gói hoặc thay đổi thành phần... liệu có bị xử lý? Hay như việc áp dụng mức giá trần để siết chặt quản lý đối với các doanh nghiệp sản xuất nhưng còn hàng chục nghìn cửa hàng bán lẻ thì việc kiểm soát giá trần sẽ thực hiện như thế nào để bảo đảm không quá 15% so với giá bán buôn?...

Nhìn chung, để giám sát và kiểm soát hiệu quả hoạt động của thị trường sữa, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong sản xuất, kinh doanh mặt hàng đặc biệt này, tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh... thì việc áp giá trần chỉ là một trong những giải pháp cần phải có. Vậy, tiếp sau giải pháp này sẽ là những giải pháp gì được các cơ quan quản lý nhà nước áp dụng? Câu trả lời hồi sau sẽ rõ. Tuy nhiên, dù thế nào đi nữa thì đây cũng là động thái tích cực của cơ quan quản lý nhà nước, tránh tình trạng các hãng sản xuất kinh doanh sữa dành cho trẻ em thích tăng giá thì tăng, thích điều chỉnh thì điều chỉnh, mỗi lần như vậy ít nhất cũng là 5% mức giá, chưa kể nhiều sản phẩm tùy hứng tăng tới 20%-30% mức giá mà các "thượng đế" chả biết kêu ai!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Một món quà đáng mong đợi cho thiếu nhi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.