(HNM) - Thúc đẩy một thỏa thuận hòa bình Trung Đông chẳng khác nào đang leo một con dốc thẳng đứng. Những
Thách thức không chỉ đến từ những bất đồng triền miên của cuộc xung đột đã kéo dài đến hơn 6 chục năm mà còn bởi sự thiếu nhiệt thành của "kẻ trong cuộc". Những phát ngôn như dội gáo nước lạnh vào "tấm chân tình" của ông Kerry từ Bộ trưởng Quốc phòng Israel Moshe Yaalon là một bằng chứng khẳng định sự tồn tại của rào cản nặng nề đối với con tàu hòa bình đã bắt đầu lăn bánh.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Moshe Yaalon đã có những phát biểu gây "sóng gió" cho quan hệ Mỹ - Israel. |
"Ngoại trưởng Kerry, người đã tới đây với lòng quyết tâm và cũng là người đang hành động dựa trên một nỗi ám ảnh khó hiểu và tinh thần của một vị cứu tinh không thể dạy tôi bất kỳ điều gì về cuộc xung đột với người Palestine. Điều duy nhất có thể cứu chúng ta là John Kerry giành được giải Nobel Hòa bình và để chúng ta được yên", phát biểu "vỗ mặt" của vị bộ trưởng thân cận với Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã khiến nước Mỹ đang "đông cứng" trong cái lạnh âm hàng chục độ phải nóng bừng giận dữ. Dù đã lên tiếng công khai xin lỗi dưới áp lực của Thủ tướng B.Netanyahu, nhưng những bình luận theo kiểu "sáng kiến của Ngoại trưởng Mỹ chẳng đáng giá như những gì báo chí tung hô" và rằng nó "không mang lại an ninh hay hòa bình" đã bồi thêm một cú đá cho mối quan hệ được cho là đang trong giai đoạn khúc cua giữa Mỹ và Israel.
Chuyện hai quốc gia ở hai vùng đất hoàn toàn cách biệt tạo thành một "cặp bài trùng" để cùng nâng đỡ những lợi ích của nhau trong hàng chục năm qua đã trở thành một đặc trưng quan trọng chi phối nền chính trị tại Trung Đông. Sự che chở của "người anh cả" hùng mạnh nhất thế giới đã khiến quốc gia Do Thái non trẻ "lớn như thổi" thành một thế lực quân sự chưa có đối thủ tại khu vực. Những ai vẫn đang tò mò tìm lời giải đáp cho câu hỏi tại sao chỉ có Israel là quốc gia duy nhất ở Trung Đông được sở hữu vũ khí hạt nhân trong khi bất kỳ quốc gia nào "mon men" đến gần "sân chơi của các đại gia" đều sẽ tự chuốc lấy thảm họa sẽ dẫn đến câu trả lời rằng, bởi lẽ Israel được xem như một tiền đồn của nước Mỹ tại vùng đất trọng yếu này. Trong suốt hơn 60 năm, những hình ảnh "mặn nồng" giữa Washington và Tel Aviv, những lời lẽ tán dương hào nhoáng, những hành động tuân thủ gần như tuyệt đối mọi ý nguyện của nhau đã tràn ngập trên khắp các mặt báo. Thế nhưng, các tín hiệu gần đây đã vẽ nên một cục diện khác mà trong đó Mỹ đã chủ động xây dựng một hướng đi mới.
Từ chỗ "mắt nhắm mắt mở" để Tel Aviv xây dựng các khu định cư trên các vùng đất chiếm đóng của người Palestine, chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã nhiều lần công khai lên án hành động sẽ dẫn đến cái chết của một thỏa thuận hòa bình cuối cùng từ "người em" thân thiết. Thay vì nhấn ga cho cỗ máy chiến tranh lao thẳng vào Syria theo đúng ý đồng minh ruột, Mỹ đã "đắp chiếu" cho kế hoạch trừng phạt này trước sự ngỡ ngàng của Israel. Bỏ ngoài tai mọi lời cảnh báo về sự nguy hiểm của một Iran có thể sở hữu vũ khí hạt nhân, Washington đã quyết tâm đến gần quốc gia Hồi giáo bằng giải pháp chính trị mặc cho Tel Aviv thất vọng ra mặt. Thêm nữa, những nỗ lực không mệt mỏi của Ngoại trưởng Kerry để tiến tới một giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột Israel - Palestine đã phát đi thông điệp rõ ràng rằng, thời hoàng kim của đất nước Do Thái trong chính sách đối ngoại của Mỹ đang lùi về phía sau.
Trải qua suốt thời kỳ song hành, liên minh mạnh mẽ được xem như mối quan hệ địa chính trị quan trọng nhất tại Trung Đông đã mang lại cho Washington vị thế "bá chủ" tại khu vực. Tuy nhiên, cùng với sự biến thiên của thời thế, sự ủng hộ vô điều kiện mà Mỹ dành cho "đứa em sinh sau đẻ muộn" cũng đã gây không ít rắc rối cho "chú Sam". Sự cô độc của Israel giữa các quốc gia Arab láng giềng cũng đến cùng với nỗi thù ghét người Mỹ trong thế giới Hồi giáo. Nguy cơ bị cuốn vào các cuộc chiến tranh với hàng loạt kẻ thù của đồng minh Israel ở Trung Đông, đơn cử như Syria hay Iran cũng quá đắt đỏ trong điều kiện 3 tỷ USD trong số tiền đóng thuế của người Mỹ mỗi năm đã được dành để viện trợ quân sự cho nhà nước Do Thái. Thế nhưng, điều này sẽ là vô nghĩa nếu lợi ích quốc gia lâu dài của Mỹ bị tổn thương.
Vì vậy, trong bối cảnh chính quyền Tổng thống B.Obama đang xác định lại các trọng tâm đối ngoại mà sự thay đổi chính sách tại Trung Đông đã làm nên đặc trưng nổi bật của nền chính trị thế giới vào năm qua, mối quan hệ Mỹ - Israel đang đứng trước thử thách lớn. Tuy nhiên, việc phải duy trì vai trò tại khu vực sẽ không khiến Mỹ từ bỏ người bạn "cố tri" này dù rằng các cú va chạm lợi ích chắc chắn còn diễn ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.