(HNM) - Trong những ngày Xuân Nhâm Thìn 2012, người ta thấy ở một số tuyến đường, phần dưới tấm biển tên phố (anh hùng dân tộc, danh nhân Việt Nam) có ghi vắn tắt về họ. Ví dụ, biển phố phố Lê Thái Tổ ghi: "Lê Thái Tổ (1385-1433), miếu hiệu của Lê Lợi. Anh hùng dân tộc, lãnh đạo khởi nghĩa Lam Sơn chống quân Minh, giành thắng lợi, lên ngôi vua năm 1428"; phố Lê Lai thì ghi: "Lê Lai, năm mất 1419, danh tướng trong khởi nghĩa Lam Sơn, đã hy sinh để cứu chủ tướng Lê Lợi"...
Đặt tên và treo biển phố ở Hà Nội được chính thức bắt đầu từ năm 1902, tuy nhiên, ngoài việc đặt tên, treo biển nhằm mục đích để quản lý đô thị, thì thực dân Pháp cũng lợi dụng vinh danh những người có công với nước Pháp khi đặt tên những người này cho các con phố Hà Nội và chỉ ghi tên phố bằng chữ Pháp mà không ghi chữ quốc ngữ. Ban đầu không có phố nào mang tên anh hùng dân tộc hay danh nhân Việt Nam, khi học giả Nguyễn Văn Vĩnh trở thành ủy viên Hội đồng thành phố vào đầu thế kỷ XX, ông đã đấu tranh quyết liệt tại nhiều cuộc họp và cuối cùng Hội đồng thành phố buộc phải chấp nhận, nhưng các anh hùng dân tộc như: Đinh Tiên Hoàng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo hay danh nhân Nguyễn Du chỉ đặt cho các con phố cụt, nhỏ bé. Vì sao cách đây hơn 100 năm học giả Nguyễn Văn Vĩnh đã làm việc đó? Là người Việt Nam, ai cũng có thể trả lời được câu hỏi này.
Trong bài viết “Nên học sử ta” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên báo "Việt Nam độc lập" số ra ngày 1-2-1942, phát hành tại chiến khu Việt Bắc, mở đầu Bác viết: “Dân ta phải biết sử ta. Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Bác viết tiếp: “Sử dạy cho ta những truyền thống vẻ vang của tổ tiên ta, dân tộc ta là con Rồng cháu Tiên, có nhiều người tài giỏi đánh Bắc dẹp Nam, yên dân trị nước, tiếng để muôn đời...”.
Cũng như nhiều quốc gia khác, phố ở các đô thị thường lấy tên những anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, những người có nhiều công lao đóng góp cho dân tộc, cho đất nước, việc lấy tên họ đặt tên phố không chỉ vinh danh mà còn là bài học để cho các thế hệ sau ghi nhớ, biết ơn và noi theo. Do nhiều nguyên nhân, trong nhiều năm trở lại đây, điểm thi môn lịch sử của các thí sinh khối C ngày càng thấp và không những thấp mà còn những sai sót nghiêm trọng, Ngô Quyền đánh quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng thì có thí sinh viết Ngô Quyền đánh quân Nguyên Mông. Nhiều người sống tại các phố mang tên anh hùng dân tộc nhưng cũng không biết công lao của họ ra sao. Đã có những cuộc khảo sát học sinh về môn lịch sử, một số cho rằng: Đó là môn học khô khan, khó nhớ. Có thể như vậy nhưng lịch sử là lịch sử, không thể biến lịch sử thành văn chương và cách tốt nhất để thuộc và hiểu sử là phải chăm chỉ, học đi, học lại. Trước thực trạng đó, tháng 10-2008, TP Hồ Chí Minh đã cho treo nhiều băng rôn trên một số tuyến đường chính, trong băng rôn người ta tóm tắt sự nghiệp, công lao của những anh hùng, danh nhân mà thành phố đã lấy tên họ đặt cho tên đường. Việc làm này được người dân ủng hộ, chỉ tiếc là nó không duy trì được lâu. Cách làm của Hà Nội, dù chỉ là vài dòng tóm tắt nhưng có sức sống lâu dài hơn, bền hơn.
Từng có nhiều ý kiến về việc phổ biến sử khá hay như in thành các cuốn sách nhỏ có thể bỏ túi được, làm các phim ngắn phát liên tục trên truyền hình hay mở mục "Danh nhân Việt Nam" trên báo giấy... Thậm chí có người còn đưa ra sáng kiến: ai vi phạm giao thông ở phố nào thì cảnh sát giao thông hỏi về phố đó, nếu trả lời được sẽ miễn phạt, nếu không sẽ phải nộp phạt. Trong lúc chờ đợi thêm những cách làm nữa để "Dân ta phải biết sử ta" thì việc ghi tóm tắt sự nghiệp, công lao trên biển tên phố là một cách làm đáng trân trọng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.