(HNM) - Trong bài
Mô hình này được hình thành dựa trên căn cứ nào, khả thi ra sao và giải quyết được vấn đề gì là những thông tin được đề cập trong cuộc phỏng vấn giữa phóng viên Báo Hànộimới với NGƯT, TS Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội), Trưởng ban soạn thảo đề án "Xây dựng mô hình Hội đồng giám sát của cộng đồng ở trường học".
Triển khai mô hình giám sát của cộng đồng ở trường học có hạn chế tình trạng lạm thu? Ảnh: Như Ý |
- Thưa ông, ý tưởng xây dựng Hội đồng giám sát của cộng đồng (HĐGSCCĐ) ở trường học bắt nguồn từ đâu?
- Thực tế những năm qua cho thấy, ngành GD-ĐT và toàn xã hội đã đề ra nhiều giải pháp nhằm đối phó với các tiêu cực, song hiệu quả chưa được như mong muốn. Sự bức xúc của người dân về chuyện chạy trường, dạy thêm, học thêm và trong thời điểm này là lạm thu đầu năm học vẫn là đề tài "nóng". Một trong những căn nguyên cơ bản của sự bức xúc ấy là hầu hết người dân đều không biết rõ những khoản mình đóng góp cho nhà trường được chi tiêu cụ thể ra sao, hiệu quả đến đâu. Vì thế mà khiến cho tiêu cực dễ nảy sinh, đã có trường hợp cố tình núp bóng xã hội hóa để thu nhiều, thu sai. Việc hình thành HĐGSCCĐ ở trường học nhằm huy động sự tham gia của phụ huynh trong việc huy động nguồn lực dành cho giáo dục và chính họ cũng được quyền quyết định, giám sát việc chi tiêu kinh phí mà mình đã đóng góp có đạt mục tiêu đề ra hay không.
- Vậy, HĐGSCCĐ sẽ gồm những thành phần nào để bảo đảm việc thực thi có hiệu quả và khách quan trong nhà trường?
- Thành phần của HĐGSCCĐ tuyệt đối không có sự tham gia của ban giám hiệu nhà trường, mà gồm phụ huynh (mỗi khối lớp 1 người), đại diện giáo viên nhà trường và đại diện các ban, ngành địa phương như Hội Khuyến học, cựu giáo chức, Mặt trận Tổ quốc… Hội đồng này sẽ có tiếng nói trực tiếp, quyết định trong việc thực hiện các khoản thu, chi của nhà trường. Khi nhà trường xây dựng kế hoạch thu, chi từ nguồn tiền đóng góp của phụ huynh thì phải được sự đồng thuận của Hội đồng giám sát mới được thực thi. Vì vậy, Hội đồng này cũng phải chịu trách nhiệm trước các cơ quan quản lý nhà nước nếu để xảy ra lạm thu.
- Việc hình thành HĐGSCCĐ liệu có là chiếc barie, ảnh hưởng tới hoạt động của nhà trường hay không, thưa ông?
- Như tôi đã nói ở trên, vấn đề cơ bản là tạo ra cơ chế để cộng đồng - phụ huynh cùng giám sát và có tiếng nói trực tiếp, quyết định trong việc sử dụng các nguồn lực kinh phí mà họ đóng góp; tạo cơ hội để phụ huynh được tiếp cận, tìm hiểu xem nguồn lực của nhân dân góp sức có phục vụ cho việc học tập của con em họ hay không và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đến mức nào, từ đó hiểu rõ thêm về mục tiêu, sự cần thiết của xã hội hóa.
Tôi cho rằng nếu các thành viên của Hội đồng hoạt động nghiêm túc, trách nhiệm vì mục tiêu chung là nâng cao chất lượng giáo dục học sinh thì chắc chắn sẽ không làm ảnh hưởng tới hoạt động của nhà trường mà ngược lại, sẽ góp phần tạo mối gắn kết, đồng thuận và đẩy mạnh sự phát triển của mỗi nhà trường một cách bền vững.
- Theo ông, mô hình này ở trường học có giải quyết triệt để được những vấn đề đang gây bức xúc hiện nay?
- Việc làm nào cũng phải có quá trình. Với chủ trương công khai, minh bạch và có sự tham gia, giám sát như ở trên, theo tôi, tình trạng lạm thu ở các nhà trường chắc chắn sẽ giảm. Sự tham gia của Hội đồng này cũng sẽ góp phần làm giảm những bức xúc từ dư luận về dạy thêm, học thêm.
- Xin ông cho biết quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng sẽ được xây dựng trên căn cứ nào để bảo đảm đúng pháp luật và tính khả thi?
- HĐGSCCĐ ở trường học được xây dựng trên căn cứ nghiên cứu mô hình giám sát cộng đồng của giáo sư Elinor Ostrom, người được trao giải thưởng Nobel kinh tế năm 2009; là sự cụ thể hóa của Pháp lệnh 34/2007/PL-UBTV QH11 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và Quyết định số 80/2005/QĐ-TTg ban hành Quy chế giám sát đầu tư của cộng đồng. Tinh thần chung là tạo cơ chế để chính những người sử dụng, hưởng lợi tài nguyên được quyền tham gia điều hành, giám sát việc sử dụng sao cho có hiệu quả nhất. Điều 10 của Pháp lệnh 34/2007/PL-UBTVQH11 cũng đã quy định rõ: "Nhân dân bàn và quyết định trực tiếp về chủ trương và mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng trong phạm vi cấp xã, thôn, tổ dân phố do nhân dân đóng góp toàn bộ hoặc một phần kinh phí…". Sự ra đời của Pháp lệnh này đã góp phần tích cực làm hạn chế các hành vi tham nhũng, lãng phí trong việc xây dựng các công trình phúc lợi. Quá trình khảo sát thực tế cũng cho thấy sự cần thiết của mô hình này trong trường học. Kết quả thí điểm tại các nhà trường cũng sẽ là căn cứ để chúng tôi hoàn thiện quy chế để đạt hiệu quả cao nhất.
- Xin cảm ơn ông!
Đề án "Xây dựng mô hình HĐGSCCĐ ở trường học" đã được trao giải thưởng tại Chương trình sáng kiến phòng chống tham nhũng Việt Nam năm 2013, do Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới tổ chức tháng 6-2013. Được sự chấp thuận của Sở GD-ĐT Hà Nội, Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội đang nghiên cứu, hoàn thiện quy chế tổ chức và hoạt động của HĐGSCCĐ ở trường học; triển khai thí điểm mô hình này tại 5 trường công lập, đại diện cho các cấp học trên địa bàn quận Hoàng Mai, gồm: Mầm non Giáp Bát, Tiểu học Giáp Bát, THCS Giáp Bát, THPT Trương Định và Trung tâm Giáo dục thường xuyên Hoàng Mai. Thời gian triển khai từ tháng 10-2013 đến tháng 7-2014. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.