(HNM) - Một tin vui với người dân Thủ đô những ngày qua là Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã thống nhất cao và chỉ đạo hoàn thiện hồ sơ, ban hành 6 đồ án quy hoạch phân khu đô thị nội đô lịch sử bao phủ 4 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Như vậy, sau gần 10 năm chờ đợi, mong mỏi, Hà Nội đã có quy hoạch phân khu tại khu vực trung tâm để tiến hành công tác đầu tư, xây dựng, phát triển kinh tế, đô thị, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân…
Thực tế cho thấy, cũng bởi chậm có quy hoạch, khu vực nội đô lịch sử của Hà Nội đã, đang chịu rất nhiều sức ép do tốc độ đô thị hóa, tình trạng gia tăng dân số. Hệ thống hạ tầng chưa theo kịp yêu cầu phát triển dẫn đến ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, thiếu không gian xanh… Do vậy, những đồ án quy hoạch mới ban hành sẽ giúp Hà Nội giải quyết những thách thức lớn đang phải đối mặt. Bởi, các đồ án được thực hiện cẩn thận, nghiêm túc trong thời gian dài, qua nhiều khâu, nhiều bước; lấy ý kiến của nhiều chuyên gia đầu ngành, các bộ, sở, ngành liên quan… Đặc biệt, trước khi đi đến quyết định quan trọng trên, Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã xem xét hết sức kỹ lưỡng, thận trọng…
Việc ban hành các đồ án quy hoạch đã đáp ứng sự chờ đợi của người dân, tạo ra động lực phát triển mới cho Thủ đô Hà Nội. Do đó, việc cần làm ngay là cơ quan chức năng sớm hoàn thiện các phần việc còn lại để tham mưu với UBND thành phố ban hành đồ án trong tháng 3-2021. Trong đó, cần rà soát các mục tiêu, chỉ tiêu đồ án bảo đảm phù hợp, đồng bộ với quy hoạch chung; quan tâm các giải pháp về chống ùn tắc giao thông, mỹ quan đô thị, các tuyến phố đi bộ, các trục xuyên tâm, công viên - vườn hoa - cây xanh gắn với chỉnh trang và phát triển đô thị; các vấn đề về tốc độ đô thị hóa; giải pháp di dân khỏi khu vực nội đô lịch sử và kiểm soát dân số.
Để các đồ án phát huy hiệu quả, cần tính toán và lưu ý việc di dời trụ sở các cơ quan của trung ương, thành phố; các trường đại học, cao đẳng; các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm... ra khỏi khu vực nội đô lịch sử và phương án sử dụng hợp lý quỹ đất sau khi di dời; khả năng kết nối giữa các tuyến đường sắt, nhà ga đường sắt đô thị với các tuyến xe buýt, phương tiện công cộng, bảo đảm khoa học, đồng bộ và không gây ùn tắc giao thông. Bên cạnh việc quy hoạch cải tạo các khu chung cư cũ, tập thể cũ, cần có giải pháp nâng mật độ cây xanh, chống ô nhiễm môi trường, đặc biệt là môi trường nước và không khí...
Về phía các địa phương trong quy hoạch, cần phối hợp với các cơ quan chức năng công bố công khai quy hoạch theo đúng quy định, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về các đồ án quy hoạch để người dân hiểu, đồng thuận và tích cực tham gia giám sát việc triển khai thực hiện. Đồng thời xây dựng kế hoạch cụ thể với lộ trình phù hợp nhằm thực hiện tốt quy hoạch trên địa bàn; tăng cường kiểm tra, giám sát phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm những sai phạm trong quá trình thực hiện quy hoạch…
Các đồ án quy hoạch phân khu đô thị nội đô lịch sử là một bước tiến lớn, góp phần phát triển bền vững Thủ đô. Để hiện thực hóa hướng đi này, rất cần sự chung tay, đồng lòng của người dân, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và nỗ lực của từng cá nhân, tập thể liên quan trong việc tổ chức triển khai thực hiện. Sức mạnh của sự đồng thuận sẽ biến những đồ án thành thực tế, đưa Thủ đô Hà Nội lên tầm cao mới, ngày càng văn minh, hiện đại hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.