(HNM) - Nhiều Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận, huyện tại Hà Nội đã nhấn mạnh tới phát triển du lịch, kích cầu du lịch. Đảng bộ quận Hoàn Kiếm coi du lịch như một nhiệm vụ trung tâm. Điều đó chứng tỏ phát triển du lịch đã thấm vào nhận thức các cấp ủy, chính quyền thành phố như một động lực, một định hướng quan trọng. Đó là một bước chuyển rất đáng ghi nhận sau nhiều năm kiên trì tuyên truyền, giáo dục. Tuy nhiên để kích cầu, phát triển cho ngành kinh tế quan trọng này, còn nhiều việc phải làm...
Sáu tháng đầu năm 2015, du lịch Thủ đô tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. Tổng số du khách đến Hà Nội ước đạt 10 triệu lượt người, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2014; trong đó, khách quốc tế đạt gần 1, 6 triệu lượt, tăng 8,8%; khách nội địa đạt 8,4 triệu lượt, tăng 3%. Tổng thu từ du khách ước đạt 25.438 tỷ đồng, tăng khoảng 3% so với cùng kỳ năm 2014. Năm 2015, ngành du lịch Hà Nội phấn đấu đón 19,3 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế là 3,3 triệu lượt, tổng thu từ du lịch đạt hơn 50.000 tỷ đồng... Gần đây nhất, trang web du lịch TripAdvisor bình chọn Hà Nội là điểm đến hấp dẫn thứ tư trong 10 điểm đến hàng đầu thế giới năm 2015; khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội xếp vị trí 61 trong top 100 khách sạn tốt nhất thế giới...
Tuy nhiên, theo nguồn thông tin khác, số khách du lịch muốn trở lại Việt Nam lần nữa chỉ chiếm chưa đầy 20% (các nước du lịch phát triển là 55%). Số du khách muốn ở dài ngày giảm đi trông thấy, từ lưu lại trong các tour 3-5 ngày rút xuống còn 1-2 ngày. Đấy cũng là thông tin rất đáng suy nghĩ về chất lượng và trình độ của ngành du lịch. Từ đó có thể nhận định rằng tiềm năng du lịch của Việt Nam nói chung, của Hà Nội nói riêng rất lớn nhưng chưa thu hút được lượng khách tương xứng vì du lịch của ta còn nhiều vấn đề. Và hai lý do chủ yếu để du khách không muốn trở lại Việt Nam là các dịch vụ du lịch nghèo nàn và tình trạng chặt chém, làm phiền du khách còn nhiều.
Hà Nội hấp dẫn vì có nhiều điểm du khách muốn biết, đáp ứng nhiều loại đối tượng từ du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái, danh lam thắng cảnh, nghỉ dưỡng... Về di tích lịch sử và văn hóa, Hà Nội có vài trăm; làng nghề có hàng nghìn... Nhưng, bao nhiêu năm nay, vẫn từng ấy điểm đến như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chùa Một Cột, Hồ Gươm, Hồ Tây… không có gì thay đổi, trong khi Hà Nội rất nhiều điểm du khách muốn đến không được đáp ứng. Buổi tối, ngoài dạo phố, du khách không biết làm gì ngoài mấy rạp hát, chương trình ca nhạc, muốn vào phải thêm tiền mua vé.
Để hấp dẫn khách, hàng đầu là du lịch giá rẻ, nhưng trong khi các quốc gia xung quanh đua nhau giảm giá thì ở Việt Nam, các công ty du lịch, công ty lữ hành và khách sạn đua nhau… giữ giá hoặc tăng giá. Một số lượng không nhiều công ty có giảm giá thì cũng chẳng kích cầu được bao nhiêu vì sự giảm giá không được phối hợp đồng bộ, du khách khó cảm nhận. Mang tiền đi du lịch là để tiêu tiền, nhưng số tiền tiêu ở Việt Nam thường thấp vì mẫu mã hàng hóa ít cải tiến và thiếu sự giới thiệu hấp dẫn...
Việc nhiều Đảng bộ cấp trên cơ sở xác định cần kích cầu để du lịch trở thành nền kinh tế mũi nhọn của thành phố là hướng đi đúng. Nhưng để kích cầu, phát triển du lịch cần có sự phối hợp đồng bộ của cả xã hội, và quan trọng hơn có cách tổ chức thông minh, không "bóc ngắn cắn dài".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.