(HNMO)- Ngày 22-8, Bệnh viện (BV) Tâm thần Trung ương I cho biết đang điều trị bệnh nhân P.T.H. (sinh năm 1989, ở Hải Hậu, Nam Định) bị trầm cảm sau khi sinh con. Đây là ca bệnh hy hữu về trầm cảm sau sinh với những triệu chứng điển hình, đặc biệt là quá trình sút cân của bệnh nhân diễn ra rất nhanh.
Bác sĩ Tô Thanh Phương, Phó Giám đốc BV Tâm thần Trung ương I, Trưởng khoa Cấp tính nữ cho biết, khi mới nhập viện (khoảng 1 tháng trước), bệnh nhân H. có những triệu chứng rất nặng. Thậm chí, bệnh nhân có ý định tự sát, chống đối điều trị quyết liệt như: không nói, không ăn, không uống… Các bác sĩ đã phải dùng biện pháp trộn thuốc vào sữa và cho ăn qua đường xông. Sau khoảng 2 ngày, bệnh nhân đã đáp ứng với thuốc và bệnh có tiến triển tốt.
Theo lời kể của mẹ chồng bệnh nhân H., khi sinh con đầu tiên, H. thường có những biểu hiện mà trước đó không có như: sợ sệt, rón rén, rửa tay liên tục… nhưng dần tự khỏi. Đến lần sinh thứ 2, chị lại có những biểu hiện lạ như sau lần sinh đầu, nhưng nặng hơn, thể hiện rất rõ như: lẩn thẩn, không ăn, không ngủ, không uống thuốc… Cứ như vậy ròng rã 5 tháng trời, chị H. trở nên gầy gò, xanh xao, đang từ 57kg giảm xuống còn 24kg, gia đình quá lo lắng đưa đi khám thì mới biết chị H. bị trầm cảm ở thể nặng.
Được biết, bệnh trầm cảm sau sinh ảnh hưởng khoảng 13% các bà mẹ sau khi sinh con.
Sau khi sinh, cơ thể có một sự thay đổi lớn về tâm, sinh lý. Người mẹ trải qua một thời gian ở trong tâm trạng mong chờ con ra đời, vui mừng đón chào thiên thần bé nhỏ, nhưng khoảng 85% các bà mẹ có những cảm giác buồn thoáng qua, còn gọi là “baby blues” với những biểu hiện như: buồn và chán, khó ngủ, dễ bị kích thích, thay đổi cảm giác ngon miệng, có vấn đề về sự tập trung chú ý. Những biểu hiện này thường gặp trong một vài ngày đầu sau sinh và tối đa kéo dài hai tuần do người mẹ có sự thay đổi về hormon ngay sau sinh. Nhưng nếu những biểu hiện này kéo dài hơn hai tuần thì người đó đã mắc bệnh trầm cảm sau sinh. Do đó, các bác sĩ khuyến cáo, phụ nữ sau sinh đừng coi thường các biểu hiện ban đầu như lo âu, chán nản, buồn bã, không tha thiết những thứ mình từng rất thích. Nếu không được chữa trị, trầm cảm không thể tự khỏi mà có thể còn diễn biến thành trầm cảm nặng hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.