Đời sống

Nghiện mạng xã hội có thể bị trầm cảm, mất ngủ, lo âu

Thu Trang 04/10/2024 - 15:11

Nghiện mạng xã hội có thể gây ra các tác động tiêu cực cho sức khỏe tâm thần như: Trầm cảm, mất ngủ, lo âu, xao nhãng học tập cũng như hàng loạt vấn đề sức khỏe tâm thần khác.

quang-canh-hoi-thao-ngay-4-10.jpg
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Xuân Lộc

Ngày 4-10, Viện Đào tạo y học dự phòng và y tế công cộng, Trường Đại học Y Hà Nội tổ chức hội thảo mạng xã hội và sức khỏe tâm thần thanh thiếu niên Việt Nam nhân Ngày Sức khỏe tâm thần thế giới (10-10).

Theo thống kê được đưa ra tại hội thảo, Việt Nam có 37,2 triệu người sử dụng internet vào năm 2014 thì 10 năm sau (tính đến tháng 1-2024) đã tăng lên khoảng 78,4 triệu người (chiếm hơn 80% dân số Việt Nam).

Về tiếp cận mạng xã hội, có 73,3% dân số sử dụng mạng xã hội với thời gian sử dụng trung bình 2 giờ 25 phút/ngày/người. Thời gian sử dụng mạng xã hội của Việt Nam xếp thứ 20 trên toàn thế giới, đứng đầu là Kenya với 3 giờ 43 phút.

Thống kê tháng 1-2024, độ tuổi 16-64 tuổi có 96,8% người truy cập trang web, ứng dụng trò chuyện, nhắn tin và 96,6% truy cập mạng xã hội.

Facebook là nền tảng mạng xã hội được sử dụng nhiều nhất ở Việt Nam với tỷ lệ 89,7%, tiếp đến Zalo 88,5% và TikTok 77,8%.

Điều đáng nói là sự gia tăng số lượng giới trẻ sử dụng mạng xã hội làm cho các mối lo ngại về sức khỏe tâm thần cũng gia tăng theo.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Mai Hương, Viện Đào tạo y học dự phòng và y tế công cộng, Trường Đại học Y Hà Nội lưu ý, khi thanh thiếu niên sử dụng mạng xã hội sẽ tác động đến thùy trán, gắn với việc ghi nhớ chi tiết, lên kế hoạch và sắp xếp công việc theo mức độ ưu tiên. Điều đó khiến họ chỉ ưu tiên dành thời gian sử dụng mạng xã hội, còn những công việc khác trong cuộc sống hằng ngày sẽ phải xếp sau.

Nhiều ý kiến tham luận tại hội thảo cũng cho rằng, các nền tảng xã hội được thiết kế để có thể gây nghiện cho người dùng, đặc biệt là giới trẻ. Hậu quả là gây ra các tác động tiêu cực cho sức khỏe tâm thần như: Trầm cảm, mất ngủ, lo âu, sao nhãng học tập cũng như hàng loạt các vấn đề sức khỏe tâm thần khác.

Chẳng hạn như tại Hoa Kỳ, tỷ lệ mắc các đợt trầm cảm nặng trong 12 tháng ở thanh, thiếu niên đã tăng từ 8,7% vào năm 2005 lên 11,3% vào năm 2014 . Các hoạt động trên màn hình phương tiện truyền thông đã được cho là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tình trạng trầm cảm và tự tử ở thanh, thiếu niên.

Theo ông Cao Hoàng Nam, đại diện Sáng kiến Z & ALPHA, những thiết kế của mạng xã hội đã tác động đến tâm thần người dùng. Đó là mạng xã hội thiết kế chức năng like - thích, comment - bình luận, tác động vào cơ chế sản sinh Dopamine nội sinh. Mạng xã hội được thiết kế dựa trên cơ chế trả thưởng của não “thuật củng cố biến thiên” hoặc “lịch thưởng biến thiên”.

Đặc biệt, mạng xã hội không tiết lộ các thuật toán được sử dụng cho thiết kế có thể tạo ra một chu kỳ tương tác gây nghiện. Việc thiết kế tính năng “like - thích” và so sánh xã hội khiến người dùng liên tục kiểm tra lượt thích, tăng cường độ đăng bài tiếp theo. Nếu bài viết có sự từ chối, hoặc cảm thấy bị từ chối sau khi đăng lên được ít người bấm thích trên mạng xã hội có thể dẫn tới các triệu chứng trầm cảm, gia tăng theo thời gian...

Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, hãy coi mạng xã hội là một công cụ hỗ trợ cuộc sống của chúng ta thay vì phụ thuộc quá nhiều vào việc sử dụng nó. Mọi người cần có sự cân nhắc và kiểm soát việc sử dụng mạng xã hội để tránh tác động tiêu cực đến tâm lý và sức khỏe của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghiện mạng xã hội có thể bị trầm cảm, mất ngủ, lo âu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.