(HNM) - Thời gian qua, kinh phí đầu tư cho khoa học công nghệ (KHCN) trong nông nghiệp còn nhỏ giọt, dàn trải nên về cơ bản hoạt động này được ví như là mới chỉ
Đầu tư nhỏ giọt
Theo ông Bùi Chí Bửu - Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam (Bộ NN&PTNT), thời gian qua, tuy Việt Nam đã quan tâm đầu tư KHCN trong nông nghiệp nhưng còn kém xa nhiều nước trên thế giới dẫn tới hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp thấp. Theo điều tra của Viện này, Hoa Kỳ là nước chi nhiều tiền nhất cho KHCN ở mức 2,8% GDP (450-465 tỷ USD/năm). Trung Quốc chi 284 tỷ USD (năm 2014) cho KHCN. Thậm chí Israel là một quốc gia nhỏ trên sa mạc cũng đã chi 4,3% GDP cho ứng dụng KHCN vào nông nghiệp công nghệ cao. Ở Việt Nam, mỗi năm đầu tư khoảng 600 tỷ đồng cho KHCN, trong đó 50% chi lương và 50% chi cho hoạt động KHCN và cấp bằng sáng chế được đăng ký bảo hộ, thấp hơn Philippines 7 lần, Thái Lan 10 lần và Hàn Quốc 600 lần.
Nghiên cứu phát triển giống mới tại Công ty CP Đầu tư phát triển công nghệ cao Toàn Cầu (Đan Phượng, Hà Nội). Ảnh: Bá Hoạt |
Các đề tài, dự án KHCN của nước ta triển khai dàn trải trên nhiều đối tượng; chưa tập trung nguồn lực vào giải quyết những vấn đề cấp bách trên một số đối tượng cây trồng chủ lực. Do đó, dù là nước sản xuất nông nghiệp nhưng mỗi năm Việt Nam vẫn phải chi hàng tỷ USD nhập khẩu các loại giống cây trồng, vật nuôi. Không những thế, nhiều công trình KHCN nghiên cứu xong nhưng giá trị áp dụng thực tiễn thấp.
Theo Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) Lê Huy Hàm, trên thực tế đã có hàng nghìn công trình nghiên cứu tạo ra các bộ giống lúa khác nhau, nhưng do tính thực tiễn thấp, không phù hợp với tập quán canh tác nên một số nơi nông dân vẫn sử dụng các giống lúa mang tính hàng hóa. Chẳng hạn giống lúa IR50404 cho năng suất cao, dễ trồng nhưng chất lượng gạo không cao, giá xuất khẩu thấp nhưng nông dân vẫn trồng.
Tại Hà Nội, Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ cho biết, việc đầu tư và ứng dụng KHCN trên địa bàn chỉ mới manh nha nên sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từ khâu sản xuất tới bảo quản hầu như chưa có gì. Nguyên nhân là do nguồn lực quản lý, kỹ thuật về sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao còn thiếu, năng lực trình độ của cán bộ hạn chế. Đồng thời, việc đầu tư về KHCN cho nông nghiệp cần nguồn vốn lớn, thời gian thu hồi vốn dài, hiệu quả thấp nên chưa thu hút được doanh nghiệp tham gia.
Phải có trọng tâm, trọng điểm
Thực tế cho thấy, để từng bước nâng cao chất lượng các công trình nghiên cứu khoa học lĩnh vực nông nghiệp đòi hỏi Nhà nước phải có chính sách đầu tư dài hơi, tăng nguồn vốn và đa dạng hóa các thành phần kinh tế tham gia vào đầu tư KHCN.
Ông Bùi Chí Bửu cho rằng, Nhà nước cần đầu tư khoa học nông nghiệp trên cả hai phương diện: Nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng, trong đó chú trọng xây dựng cán bộ chuyên môn giỏi nhiều hơn so với quy hoạch viện trưởng, viện phó để giảm chi phí trả lương cho đội ngũ này, từ đó dành kinh phí cho các công trình khoa học có chất lượng. Việc đầu tư cho các đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm, khảo nghiệm giống mới không nên chạy theo số lượng mà phải chú trọng đến những đòi hỏi từ thực tiễn đang đặt ra.
Bà Bùi Hường Bích - Chủ nhiệm HTX Đan Hoài, huyện Đan Phượng cho rằng: Để các dự án chuyển giao KHCN thành công thì công nghệ chuyển giao phải trực tiếp gắn với nhu cầu thực tế trong hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị được chuyển giao. Đội ngũ kỹ thuật tiếp nhận công nghệ phải được đào tạo nhuần nhuyễn để khi dự án kết thúc họ thực sự làm chủ và tiếp tục nghiên cứu cải tiến công nghệ. Ngoài ra, Nhà nước cần có chính sách cụ thể khuyến khích doanh nghiệp đầu tư trực tiếp hoặc liên kết với cơ sở nghiên cứu khoa học của Nhà nước để nghiên cứu chuyển giao KHCN trong nông nghiệp nhằm tạo ra sản phẩm đạt năng suất, chất lượng cao...
Tuy nhiên, điều cốt tử trong nghiên cứu khoa học nông nghiệp là làm sao thu hút được nguồn vốn xã hội hóa chứ không phải chỉ trông chờ ngân sách nhà nước. Câu hỏi này thực sự là một thách thức không nhỏ nếu cơ chế, chính sách vẫn "đóng đinh" như hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.