(HNM) - Chưa đầy nửa tháng sau khi tung ra gói kích thích trị giá 5,3 tỷ USD nhằm đẩy lùi tình trạng giảm phát ngày một tăng trong bối cảnh nhu cầu nội địa tiếp tục đi xuống, nền kinh tế Nhật Bản lại đón nhận những tín hiệu không mấy tốt lành.
Số liệu thống kê mới nhất của Bộ Tài chính Nhật Bản vừa công bố (9-11), cho thấy nợ công của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đã lên mức cao kỷ lục 983.300 tỷ yen (12.400 tỷ USD) vào cuối tháng 9-2012. Nguyên nhân dẫn đến tình cảnh nợ nần chủ yếu là do ảnh hưởng từ việc can thiệp vào thị trường tiền tệ nhằm ghìm giá đồng yen và các khoản cứu trợ tái thiết nền kinh tế sau thảm họa động đất - sóng thần tháng 3-2011.
Lòng tin của người tiêu dùng Nhật Bản đang giảm mạnh. |
Trong khoản nợ khổng lồ trên, nợ trái phiếu là 803,74 nghìn tỷ yen, nợ từ các định chế tài chính là gần 54,2 nghìn tỷ yen và 125,3 nghìn tỷ yen hối phiếu cho các nhu cầu tài chính ngắn hạn. Đây là mức nợ công cao nhất trong số các nước phát triển khiến tỷ lệ nợ công tính trên đầu người của Nhật Bản tăng từ mức 7,65 triệu yen lên 7,71 triệu yen, tăng 0,7% so với ba tháng trước đó. Bộ Tài chính Nhật Bản dự báo, nợ công của nước này trong năm tài khóa 2012 kết thúc vào tháng 3-2013 sẽ vượt 1 triệu tỷ yen. Đây thực sự là mối nguy lớn với Nhật Bản trong bối cảnh "sức khỏe" nền kinh tế chưa thực sự ổn định sau thảm họa động đất - sóng thần cùng những tác động khó tránh từ cuộc khủng hoảng nợ công của Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (eurozone).
Với mục tiêu vực dậy nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới đang trên đà suy giảm sau thảm họa động đất - sóng thần, gói kích thích trị giá 5,3 tỷ USD vừa được Chính phủ Nhật Bản tung ra với kỳ vọng sẽ giúp tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này thêm hơn 0,1%. Thế nhưng, "liều thuốc" này cần phải có thời gian để nền kinh tế Nhật Bản hấp thụ. Cùng với "hung tin" nợ công, Văn phòng Nội các Nhật Bản cũng vừa đưa ra cảnh báo, kinh tế Nhật Bản đã chớm bước vào ngưỡng cửa tăng trưởng âm lần đầu tiên trong 16 tháng trở lại đây - kể từ sau thảm họa động đất - sóng thần - một phần do lĩnh vực chế tạo và xuất khẩu trì trệ trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại. Văn phòng Nội các Nhật Bản cho biết thêm, chỉ số lòng tin của người tiêu dùng trong nước vào tháng 10 đã giảm so với tháng 9, một phần vì sự sụt giảm thu nhập và sự xuống cấp của các điều kiện làm việc. Đây là lần đầu tiên chỉ số về lòng tin vào mức độ tăng thu nhập giảm trong hai tháng qua, chủ yếu do những dự đoán về sự sụt giảm tiền thưởng cuối năm so với năm 2011 và một số lý do khác.
Một số nhà kinh tế nhận định rằng, kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, chương trình trợ giá của chính phủ cho các loại ô tô tiết kiệm nhiên liệu và thân thiện với môi trường đã kết thúc cùng với quan hệ "nóng lạnh" bất thường giữa Nhật Bản và Trung Quốc thời gian qua là ba nguyên nhân chủ yếu đưa kinh tế Nhật Bản đến ngưỡng cửa tăng trưởng âm. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cũng lạc quan rằng, tình trạng này có thể sớm kết thúc và kinh tế đất nước Mặt trời mọc sẽ được cải thiện từ đầu năm tới khi kinh tế toàn cầu dần phục hồi. Điều quan trọng với Chính phủ của Thủ tướng Yoshihiko Noda hiện nay là thực thi các chính sách thúc đẩy tăng trưởng trong trung và dài hạn.
Giữa lúc nền kinh tế đang đứng trước nhiều thách thức, áp lực lớn lại đè nặng lên Nội các của Thủ tướng Y.Noda khi kết quả thăm dò dư luận công bố ngày 4-11 vừa qua cho thấy, tỷ lệ ủng hộ đã tụt xuống còn 17,7%, giảm mạnh so với 29,2% trong tháng 10-2012, trong khi tỷ lệ phản đối tăng lên 66,1%. Trong khi đó có tới 40% những người được hỏi ý kiến cho rằng Chủ tịch đảng Dân chủ Tự Do (LDP) Shinzo Abe phù hợp với cương vị Thủ tướng Nhật Bản hơn và chỉ có 29,3% ủng hộ đương kim Thủ tướng Y.Noda. Uy tín sụt giảm có thể khiến Thủ tướng Y.Noda buộc lòng phải giải tán Hạ viện trước thời hạn để chuẩn bị cho một cuộc tổng tuyển cử bất đắc dĩ có thể diễn ra vào mùa hè năm 2013.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.