Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mối nguy từ thực phẩm trôi nổi nơi cổng trường

Đào Lam| 12/06/2020 07:19

(HNM) - Thực phẩm trôi nổi, không nguồn gốc, quy trình chế biến, công đoạn thực hành hoàn toàn bằng tay trần…, đó là điều dễ nhận thấy ở những quán ăn xung quanh khu vực cổng các trường học. Dù đã được đề cập đến rất nhiều nhưng hiện nay, vấn đề đáng lo ngại này vẫn tiếp diễn, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều người, đặc biệt là trẻ em.

Những quán ăn gần khu vực cổng Học viện Báo chí và Tuyên truyền (quận Cầu Giấy) tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: Lam Đào

Tràn lan quà vặt “ba không”...

Dạo quanh một vòng khu vực trước cổng các trường: Trung học phổ thông (THPT) Trần Phú, Trung học cơ sở Trưng Vương, Đại học Kinh tế quốc dân và nhiều khu vực trường học khác trên địa bàn Hà Nội, đều dễ nhận thấy nhiều gánh hàng rong và quà vặt lề đường được bày bán mà không che đậy. Chỉ bằng quan sát cũng nhận thấy, đa phần những thực phẩm này đều không bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, không có nguồn gốc xuất xứ cũng như quy trình chế biến mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

Người bán hàng chỉ cần đầu tư một vài vật dụng đơn giản, như: Bếp gas mini, chảo để chiên, vài chai tương ớt là đã có ngay một gánh hàng xúc xích, que xiên chiên cá, thịt… Cũng trước nhiều cổng trường còn xuất hiện những quán nước mà chủ quán dùng tay trần bốc đá cho vào cốc nhựa… Cùng với đó, các loại ô mai, hoa quả dầm được chủ hàng đựng trong các khay nhựa cáu bẩn, không nắp đậy, ruồi nhặng vô tư "ghé thăm"… Giá cả của những món ăn vặt, như: Thịt xiên nướng, xúc xích, bỏng ngô, phô mai que… dao động từ 5.000 đồng đến 20.000 đồng. Thế nhưng, những món quà vặt “ba không” (không nguồn gốc, không xuất xứ, không hạn sử dụng) tại những quán hàng di động này vẫn thu hút được nhiều học sinh, sinh viên tìm đến, nhất là vào giờ tan học.

Bạn Nghiêm Phương Anh, học sinh lớp 12 Trường THPT Trần Phú (quận Hoàn Kiếm) cho biết: “Các quầy ăn vặt trước cổng trường vào giờ tan học rất đông khách. Chúng em cũng nhận thức được thức ăn bày bán ở vỉa hè, lề đường không rõ nguồn gốc, không bảo đảm vệ sinh, dễ gây ra ngộ độc thực phẩm. Thế nhưng, chúng em vẫn “khuất mắt trông coi” vì đồ ăn rất hấp dẫn, ngon miệng, đặc biệt là giá thành vừa túi tiền”…

Không chỉ các bạn học sinh, sinh viên, ngay cả các phụ huynh cũng mua về cho con mình. Chị Nguyễn Thu Hằng (34 tuổi, ở đường Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình) chia sẻ: “Hôm nào đón con ở trường về, chúng cũng đòi mua, hôm thì xúc xích, hôm thì thịt xiên nướng… Thỉnh thoảng tôi cũng mua cho con. Các con ăn một chút chắc cũng không sao”.

Cũng là phụ huynh có con nhỏ đang học tiểu học, chị Mai Hoài Anh (29 tuổi, ở phố Đại Từ, quận Hoàng Mai) lo lắng: “Dù hiện nay, tình hình dịch Covid-19 ở nước ta đã được kiểm soát nhưng theo quy định, người chế biến thức ăn, phục vụ ăn uống vẫn phải đeo khẩu trang khi chế biến, tiếp xúc trực tiếp với thức ăn. Thậm chí, nếu để tay trần bốc thực phẩm còn bị phạt. Thế nhưng, đa phần hàng quán quanh khu vực cổng trường, nhân viên bán hàng đều không tuân thủ các quy định này. Do đó, tôi không cho con mua đồ ăn trước cổng trường, vì hầu hết chúng không bảo đảm an toàn”…

Cắt nguồn “cầu” để ngưng nguồn “cung”

Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng khoa Khám tư vấn dinh dưỡng người lớn (Viện Dinh dưỡng quốc gia) khẳng định, những thực phẩm không rõ nguồn gốc, không được bảo quản, chế biến theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ dễ gây ra các nguy cơ mất vệ sinh, an toàn thực phẩm. Trước mắt, việc sử dụng thực phẩm không an toàn có thể gây ra các triệu chứng cấp tính tức thời, như: Đau bụng, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm… Thế nhưng, về lâu dài, việc tiêu thụ các thực phẩm không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ làm ảnh hưởng tới quá trình chuyển hóa trong cơ thể và dễ gây ra các bệnh về tim mạch, đái tháo đường, béo phì… Đặc biệt, các chất hóa học, thuốc trừ sâu, chất tăng trọng… còn tồn dư trong các loại thực phẩm không nguồn gốc sẽ từ từ ngấm vào cơ thể, sau đó tích tụ lại gây bệnh ung thư.

Giải pháp quan trọng để giải quyết vấn nạn thực phẩm “bẩn” bủa vây tại các trường học như hiện nay, theo Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hưng, điều cần nhất là cắt nguồn “cầu” để ngưng nguồn “cung”. Mỗi người hãy là một người tiêu dùng thông thái và có ý thức hơn nữa trong việc lựa chọn, tiêu dùng thực phẩm. Đặc biệt, các bà nội trợ hướng dẫn con em mình chỉ nên chọn những cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, không nên ham rẻ sử dụng những thực phẩm trôi nổi, bày bán tràn lan, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Còn theo Sở Y tế Hà Nội, các hàng quán bày bán tại cổng các trường học là những loại thức ăn nhanh, thuộc trách nhiệm quản lý của UBND xã, phường, thị trấn sở tại. Do đó, cùng với việc tuyên truyền, hướng dẫn người kinh doanh, chính quyền các địa phương phải thường xuyên kiểm tra, nếu phát hiện hàng rong vi phạm an toàn thực phẩm phải lập tức xử lý. Mặt khác, các phụ huynh cần thường xuyên nhắc nhở, cảnh báo về nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ các món ăn vặt không bảo đảm vệ sinh tại khu vực cổng trường học với con em mình, đồng thời kiểm soát tiền tiêu vặt của con, từ đó giúp trẻ hình thành thói quen tiêu dùng thông minh, biết nói không với thực phẩm không an toàn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mối nguy từ thực phẩm trôi nổi nơi cổng trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.