Xã hội

Dự kiến mô hình khi vận hành của 13 đặc khu sau sắp xếp

Theo Lao động 04/05/2025 - 10:21

Bộ Nội vụ thông tin về mô hình khi vận hành của 13 đặc khu, bao gồm các huyện đảo sau sắp xếp.

Dự kiến mô hình khi vận hành của 13 đặc khu sau sắp xếp
Phú Quốc dự kiến sẽ được tách thành 2 đặc khu sau sắp xếp. Ảnh: Lục Tùng

Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 759/QĐ-TTg.

Đề án nêu rõ 7 nguyên tắc tổ chức sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã trong mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Đơn vị hành chính cấp xã được sắp xếp lại theo hướng bỏ cấp trung gian (cấp huyện), hình thành các đơn vị hành chính cấp xã mới, gồm xã, phường và đặc khu; không còn loại hình đơn vị hành chính thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, thị xã, quận, huyện, thị trấn.

Khi đó, trường hợp sắp xếp phường với các đơn vị hành chính cùng cấp thì đơn vị hành chính sau sắp xếp là phường; trường hợp sắp xếp xã, thị trấn thì đơn vị hành chính mới sau sắp xếp là xã.

Đề án cũng nêu rõ nguyên tắc sẽ chuyển các huyện đảo, thành phố đảo hiện nay thành đơn vị hành chính cấp xã có tên gọi là đặc khu.

Theo đó, có 11 đặc khu thuộc tỉnh hình thành từ 11 huyện đảo, bao gồm: Vân Đồn, Cô Tô, Cát Hải, Trường Sa, Hoàng Sa, Phú Quý, Kiên Hải, Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ, Lý Sơn, Côn Đảo.

Riêng đối với TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, cấp có thẩm quyền đã đồng ý chủ trương tách riêng xã Thổ Châu thuộc TP Phú Quốc để thành lập một huyện riêng, theo đó nghiên cứu thành lập 2 đặc khu: Phú Quốc và Thổ Châu.

Bộ Nội vụ cũng đã thông tin về mô hình khi đi vào vận hành với các đặc khu, bao gồm các huyện đảo trên.

Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (sửa đổi) sẽ quy định cụ thể mô hình tổ chức, phương thức hoạt động của chính quyền địa phương cấp tỉnh và cấp xã (trong đó có đặc khu tại hải đảo).

Dự thảo Luật đang trình Quốc hội đề xuất mô hình tổ chức chính quyền địa phương đặc khu như sau: Đặc khu là chính quyền địa phương cấp xã có cơ cấu tổ chức gồm HĐND và UBND.

Trong đó, HĐND cấp xã thành lập 2 Ban là Ban Pháp chế và Ban Kinh tế - Xã hội.

Đối với UBND cấp xã (trong đó có đặc khu tại hải đảo), Chính phủ sẽ ban hành Nghị định quy định cụ thể tổ chức các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp xã.

Theo đó, dự kiến tổ chức tối đa 4 phòng chuyên môn và tương đương thuộc UBND cấp xã (gồm cả đặc khu) phù hợp với đặc điểm đô thị, nông thôn, hải đảo gồm: Văn phòng HĐND và UBND; Phòng Kinh tế (đối với xã, đặc khu) hoặc Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị (đối với phường và đặc khu Phú Quốc); Phòng Văn hóa - Xã hội; Trung tâm phục vụ hành chính công.

Riêng đối với đơn vị hành chính cấp xã giữ nguyên trạng (không sắp xếp): Có thể không tổ chức phòng chuyên môn; Chính phủ dự kiến bố trí tăng thêm 1 Phó Chủ tịch UBND và một số công chức cho UBND cấp xã nơi không tổ chức phòng chuyên môn và giao chính quyền địa phương cấp tỉnh quyết định cụ thể đối với từng đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dự kiến mô hình khi vận hành của 13 đặc khu sau sắp xếp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.