Xã hội

5 năm thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội: Đổi thay vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Thủ đôBài cuối: Để tiến cùng Thủ đô

Đình Hiệp thực hiện 04/05/2025 10:30

Trong 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô giai đoạn 1 (2021-2025), thành phố Hà Nội đạt được nhiều kết quả nổi bật.

ong-quan.jpg
Phó Giám đốc phụ trách Sở Dân tộc và Tôn giáo thành phố Nguyễn Nguyên Quân chia sẻ về các chính sách của thành phố với đồng bào DTTS. Ảnh: Đình Hiệp

Trả lời phỏng vấn Báo Hànộimới, Phó Giám đốc phụ trách Sở Dân tộc và Tôn giáo thành phố Nguyễn Nguyên Quân cho rằng, để vùng đồng bào dân tốc thiểu số (DTTS) và miền núi tiến kịp, tiến cùng Thủ đô, đòi hỏi sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị cũng như mỗi người dân.

Vùng dân tộc thiểu số không còn hộ nghèo

-Thưa ông, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã triển khai những cơ chế, chính sách đặc thù nào để phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi trong Chương trình?

- Thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội, UBND thành phố ban hành Kế hoạch 253/KH-UBND ngày 11-11-2021 về thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2030; Kế hoạch số 68/KH-UBND ngày 22-2-2024 của UBND thành phố về thực hiện hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021-2030.

Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc, xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và của cả hệ thống chính trị.

dan-toc-1.jpg
Các địa phương tổ chức hội thi để giới thiệu ẩm thực của dân tộc Mường, qua đó thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa các dân tộc. Ảnh: CTV

Nhờ đó, Chương trình giai đoạn I (2021-2025) của thành phố được triển khai sớm, với sự chỉ đạo tập trung quyết liệt, cách làm bài bản, khoa học của cả hệ thống chính trị thành phố.

HĐND thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021- 2025; Nghị quyết kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Hằng năm, thành phố đều ban hành các Nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế - xã hội, trong đó xác định rõ các nhiệm vụ về công tác dân tộc; ban hành các Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh, cập nhật, bổ sung các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021-2025.

- Vậy sau 5 năm thực hiện Chương trình, chúng ta đã đạt được những kết quả nổi bật nào, thưa ông?

- Trong giai đoạn 2021-2025, thành phố đã điều chỉnh, cập nhật kế hoạch đầu tư công cho Chương trình với tổng số 174 dự án, kinh phí 2.558.220 tỷ đồng. Thành phố cũng đã bố trí 2.341.620 tỷ đồng; giải ngân lũy kế 1.721,271 tỷ đồng, đạt gần 74% theo Kế hoạch. Riêng năm 2025, thành phố bố trí 613,990 tỷ đồng cho 43 dự án và giải ngân được 56,727 tỷ đồng, đạt gần 10% theo Kế hoạch.

Với sự quan tâm đầu tư trên, thành phố đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển giữa vùng DTTS và vùng nông thôn trên địa bàn thành phố. Trong đó, thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS đến nay đạt gần 72 triệu đồng/người/năm, có xã đạt trên 78 triệu đồng/người/năm.

Vùng DTTS không còn hộ nghèo; trên 80% trường học đạt chuẩn quốc gia; 100% xã dân tộc, miền núi đạt chuẩn quốc gia về y tế; 100% số hộ được dùng nước sạch, nước hợp vệ sinh; 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Đến nay, thành phố đã hoàn thành 32/35 chỉ tiêu công tác dân tộc đến năm 2030 theo Nghị quyết 88/QH14 của Quốc hội. Hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội được đầu tư xây dựng mới, cải tạo nâng cấp đồng bộ, hiện đại, nhất là hệ thống đường giao thông nông thôn, công trình thủy lợi, trường học, trạm y tế, điện sinh hoạt, thiết chế văn hóa..., đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các DTTS được thực hiện có hiệu quả. Đội ngũ cán bộ, công chức là người DTTS được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu.

van-hoa-2.jpg
Các địa phương chú trọng bảo tồn và phát triển văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: CTV

- Thưa ông, thực tiễn quá trình triển khai Chương trình cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức?

- Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 cũng còn khó khăn, hạn chế cần tiếp tục quan tâm. Đó là trình độ phát triển của vùng đồng bào DTTS và miền núi tuy đã được nâng lên nhưng vẫn còn khoảng cách chênh lệch so với vùng đồng bằng và đô thị của thành phố. Thu nhập bình quân đầu người vùng dân tộc thiểu số tăng nhanh, nhưng còn khoảng cách khá xa so với thu nhập bình quân chung của thành phố.

Nguồn lực đầu tư được tăng cường, song nhu cầu đầu tư lớn, khả năng đáp ứng ngân sách các huyện vùng DTTS còn hạn chế.

Cùng với đó, quy mô nền kinh tế và cơ cấu kinh tế chuyển biến tiến bộ nhưng còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của vùng. Trong khi đó, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc còn chưa đồng đều. Việc triển khai thực hiện các dự án nguồn vốn sự nghiệp chậm, nhiều khó khăn, vướng mắc.

- Vậy đâu là những nguyên nhân dẫn đến những khó khăn, vướng mắc trên, thưa ông?

- Các huyện, các xã vùng DTTS và miền núi đều xa trung tâm, xuất phát điểm kinh tế thấp, điều kiện hạ tầng khó khăn, chưa đồng bộ, nhất là hạ tầng kết nối phục vụ phát triển kinh tế- xã hội, du lịch.

Việc triển khai, thực hiện một số dự án thuộc nguồn vốn sự nghiệp gặp vướng mắc về định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá chậm được các bộ, ngành ban hành. Mặt khác, trong 2 năm 2020-2021, đại dịch Covid-19 diễn ra trên diện rộng, cùng với biến động giá cả vật liệu tăng cao ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện một số công trình, dự án.

Nỗ lực hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu khó

- Đến nay, thành phố cơ bản thực hiện hoàn thành nhiều mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình. Song, vẫn còn những chỉ tiêu khó hoàn thành, đó là những chỉ tiêu nào, thưa ông?

- Theo thống kê, hiện còn 3/35 chỉ tiêu theo Kế hoạch 253/KH-UBND của thành phố phấn đấu hoàn thành trong năm 2025.

dan-toc-3.jpg
Người mường ở thôn 9, xã Ba Trại, huyện Ba Vì trồng và thu hái chè. Ảnh: Nguyễn Mai

Trong số 3 chỉ tiêu, có 2 chỉ tiêu trong thực hiện còn có khó khăn, đó là: Chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, theo Kế hoạch số 253/KH-UBND, đến năm 2025, thành phố có 100% xã vùng dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (tương ứng với 5 xã), đến năm 2030 có 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (tương ứng 8 xã), 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (tương ứng 3 xã); Chỉ tiêu 100% hộ dân tộc thiểu số được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn nước sạch đô thị. Cả hai chỉ tiêu này khó đạt vì nhiều nguyên nhân khác nhau.

- Để sớm hoàn thành mục tiêu Chương trình cho cả giai đoạn 2021-2030 hiệu quả, các địa phương cũng như thành phố có những giải pháp gì, thưa ông?

- Để hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu của Chương trình giai đoạn 2021-2030 thì trước hết, các đơn vị, địa phương cần tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp đã được đề ra trong Kế hoạch 68/KH-UBND ngày 22-2-2024 của UBND thành phố về phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu của Chương trình.

Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản đã được cập nhật, bổ sung trong danh mục kế hoạch đầu tư công trong giai đoạn 2021-2025. Đối với các dự án đã được bố trí vốn, UBND các huyện cần tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ hoàn thành dự án.

Đối với các dự án đã hoàn thành, UBND các huyện tập trung chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện các thủ tục thanh quyết toán dự án, đảm bảo đúng quy định.

Trên cơ sở nhiệm vụ được thành phố giao, các đơn vị tập trung chỉ đạo thực hiện các nội dung của Chương trình. Trong đó, kết hợp tuyên truyền với công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ cơ sở, cộng đồng nhân dân, đồng bào DTTS tham gia thực hiện Chương trình. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý, điều hành thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc, xây dựng cơ sở dữ liệu về công tác dân tộc.

dan-toc-2.jpg
Người Mường ở xã Phú Mãn, huyện Quốc Oai giữ gìn trang phục truyền thống của dân tộc mình. Ảnh: Nguyễn Mai

Thành phố tiếp tục tăng cường phân cấp, ủy quyền trong giải quyết thủ tục hành chính liên quan lĩnh vực dân tộc, quyết định dự án đầu tư, gắn với phân cấp quản lý kinh tế - xã hội, quản lý nguồn thu, nhiệm vụ chi. Tiếp tục quan tâm kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác dân tộc từ Thành phố, đến cơ sở… Kết quả đạt được của Chương trình giai đoạn 2021- 2025 là tiền đề, căn cứ quan trọng để thành phố thực hiện thành công Chương trình giai đoạn 2026- 2030.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
5 năm thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội: Đổi thay vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Thủ đô Bài cuối: Để tiến cùng Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.