(HNM) - Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo về nâng cao nhận thức trong điều trị và chia sẻ kiến thức về bệnh tan máu bẩm sinh (hay còn gọi là bệnh thalassemia) diễn ra ngày 28-11, tại Viện Huyết học - Truyền máu trung ương.
Điều trị đúng, người bị tan máu bẩm sinh hoàn toàn được bảo đảm sức khỏe, làm việc bình thường. Ảnh: Thùy Trang |
Tại hội thảo, Viện Huyết học - Truyền máu trung ương đã đưa ra những con số đáng báo động, đó là Việt Nam có khoảng 10 triệu người mang gen bệnh thalassemia, hơn 20.000 người bệnh đang cần điều trị, đặc biệt là mỗi năm nước ta có thêm khoảng 2.000 trẻ em sinh ra bị bệnh này. GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu trung ương cho biết, thalassemia là căn bệnh di truyền qua gen làm hồng cầu vỡ khiến người bệnh liên tục bị thiếu máu. Bệnh có hai biểu hiện nổi bật là thiếu máu và ứ sắt trong cơ thể. Nếu hai người bị bệnh mức độ nhẹ kết hôn với nhau khi sinh con có 25% khả năng con bị bệnh thalassemia mức độ nặng; 50% khả năng con bị mức độ nhẹ hoặc là người mang gen và 25% khả năng con bình thường. Gen bệnh tan máu bẩm sinh ở nước ta thường gặp nhiều nhất ở các dân tộc miền núi. Tại Hà Nội, có khoảng 3-4% người mang gen bệnh.
Cũng theo GS.TS Nguyễn Anh Trí, bệnh tan máu bẩm sinh như một quả "bom nguyên tử" đã phát nổ, gây ra những mối nguy hại ảnh hưởng trực tiếp đến giống nòi. Tuy nhiên, hiện nay, căn bệnh này có thể phòng tránh được, thậm chí còn chữa được và không lây truyền. Do vậy, điều trị đầy đủ, đúng quy trình sẽ giúp người bệnh có cơ hội bảo đảm sức khỏe, cuộc sống như người khỏe mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.