Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mối lo ngại cho an ninh khu vực

Quỳnh Dương| 15/06/2017 06:36

(HNM) - 3 tuần đã trôi qua, quân đội Philippines vẫn chưa giải phóng được thành phố trên đảo Mindanao khỏi nhóm phiến quân Maute...

Các binh sĩ Philippines lục soát từng ngôi nhà để truy quét nhóm khủng bố Maute.


Theo thống kê tính đến ngày 14-6, hơn 200 người đã chết, bao gồm 24 dân thường, 58 binh sĩ, cảnh sát và ít nhất 138 tay súng nổi dậy. Hàng chục nghìn người đã phải rời bỏ nhà cửa và nhiều khu phố ở Marawi biến thành đống đổ nát. Quân đội cho biết, họ đã giành quyền kiểm soát 90% diện tích thành phố nhưng phiến quân vẫn đang ẩn nấp ở 3 khu vực trung tâm.

Khó khăn của quân đội Philippines hiện nay là phải tác chiến tại khu vực đô thị trong khi các bài huấn luyện tác chiến thường diễn ra ở khu vực nông thôn. Nhằm truy quét triệt để phiến quân Maute, binh sĩ buộc phải lục soát từng căn nhà, từng khu chung cư. Những vị trí mà các phần tử cực đoan chiếm giữ hiện nay đều rất khó kiểm soát, nhất là khi các đối tượng này đã quen với địa hình khu vực. Quân đội của Philippines thường bị phiến quân dùng súng bắn tỉa đẩy lùi nhưng khi họ quay trở lại bằng xe bọc thép và với vũ khí hạng nặng thì các tay súng bắn tỉa đã di chuyển sang vị trí khác.

Nhận định về chiến dịch truy quét khủng bố của Philippines, nhiều chuyên gia quân sự cho rằng, các tay súng Maute có liên quan đến tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang nắm được những lợi thế nhất định. Hiện tại, Maute đang sử dụng chính số vũ khí mà nhóm này cướp được trong các cuộc giao tranh để đối phó với binh sĩ Philippines. Chiến thuật mà nhóm Maute thường sử dụng là bắt cóc dân thường làm con tin và sử dụng họ làm lá chắn sống. Đây là lý do khiến quân đội chính phủ không thể mạnh tay tấn công vào các căn cứ nghi có phiến quân chiếm đóng.

Tổng Tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Philippines (AFP) Eduardo Ano cho biết, để chuẩn bị cho một cuộc chiến “dài hơi” với quân đội chính phủ, Maute đã tích trữ lương thực, vũ khí trong nhà thờ, trường học, các vị trí dân sự khác và dưới đường hầm. Nhiều căn cứ và đường hầm kiên cố tới mức bom có sức công phá lớn cũng không thể phá hủy. Vì vậy, dù giao tranh kéo dài nhiều ngày các tay súng này vẫn không thiếu lương thực, vũ khí. Bên cạnh đó, để củng cố lực lượng, nhóm phiến quân còn kêu gọi các tay súng nước ngoài tới yểm trợ.

Các nhà phân tích cho rằng, sở dĩ Marawi bị Maute đánh chiếm một phần là vì Tổng thống R.Duterte quá tập trung vào cuộc chiến chống buôn lậu ma túy và chủ quan với hiểm họa khủng bố. Trong một báo cáo trước Tòa án Tối cao ngày 14-6, quan chức hàng đầu về pháp luật của Chính phủ Philippines, ông Jose Calida, cho biết, chính quyền nước này đã nhận được thông tin tình báo ít nhất 5 ngày trước khi phiến quân tiến hành cuộc tấn công đẫm máu tại Marawi hôm 23-5. Tuy nhiên, việc điều động lực lượng an ninh bảo vệ Marawi không được triển khai kịp thời.

Ngoài nhóm Maute, ở Philippines hiện có ít nhất 3 nhóm khác đã thề trung thành với IS, gồm nhóm thánh chiến Hồi giáo cực đoan Abu Sayyaf do Isnilon Hapilon cầm đầu ở miền Nam đảo Basilan; nhóm Ansarul Khilafah Philippines từng do Abu Sharifah dẫn đầu và các chiến binh Hồi giáo tự do Bangsamoro (BIFF), tách ra từ Mặt trận giải phóng Hồi giáo Moro (MILF).

Để giải phóng thành phố trung tâm đảo Mindanao, ngày 10-6, quân đội Philippines xác nhận, lực lượng đặc nhiệm Mỹ đã tới khu vực này, tham gia hỗ trợ phá vòng vây phiến quân. Hy vọng với việc tăng cường sức mạnh quân sự này, Manila sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng “vô chính phủ” ở một số khu vực trên đảo Mindanao, bởi nếu không đây sẽ là hiểm họa an ninh đối với khu vực Đông Nam Á, chứ không riêng Philippines.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mối lo ngại cho an ninh khu vực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.