Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mở rộng mô hình rau an toàn theo chuỗi

Bạch Thanh| 31/03/2021 07:01

(HNM) - Sản xuất, tiêu thụ rau an toàn theo chuỗi trên địa bàn Hà Nội đang cho hiệu quả cao. Khi thời điểm thị trường rau, củ, quả tiêu thụ chậm thì các chuỗi liên kết rau an toàn vẫn hoạt động ổn định. Vì vậy, việc mở rộng, phát triển mô hình này là yêu cầu cấp thiết đối với thị trường Thủ đô.

Chăm sóc cà chua tại Hợp tác xã Rau công nghệ cao Đức Phát, xã Yên Mỹ (huyện Thanh Trì).

Ông Nguyễn Mạnh Hồng, Giám đốc Hợp tác xã Rau công nghệ cao Đức Phát, xã Yên Mỹ (huyện Thanh Trì) chia sẻ: Hợp tác xã đã mạnh dạn đầu tư khu sản xuất rau thủy canh với hệ thống cung cấp dinh dưỡng cho rau được thiết kế tự động hoàn toàn. Hiện, hợp tác xã trồng các loại rau ăn lá, cà chua, dưa chuột, dưa lưới... năng suất bình quân đạt hơn 6 tấn/vụ. Đặc biệt, 100% sản phẩm của hợp tác xã tiêu thụ thông qua ký hợp đồng với các doanh nghiệp, mức giá ổn định và cao hơn thị trường 10-15%...

Tương tự, nhờ tham gia chuỗi sản xuất - tiêu thụ, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Việt Doanh (huyện Mê Linh) tiêu thụ được lượng lớn rau an toàn theo hợp đồng. Theo ông Bùi Văn Hiệp - Giám đốc Hợp tác xã, chỉ tính riêng năm 2020, hợp tác xã tiêu thụ được hơn 22 tấn rau, doanh thu đạt hơn 500 triệu đồng/ha/năm...

Mặc dù đạt hiệu quả, nhưng theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nguyễn Mạnh Phương, hiện nay, lượng rau an toàn tiêu thụ theo chuỗi chỉ chiếm 2-3% tổng sản lượng rau an toàn trên địa bàn thành phố. Trong 45 chuỗi sản xuất - tiêu thụ rau an toàn đang hoạt động trên địa bàn Thủ đô mới có 30% diện tích ứng dụng công nghệ cao toàn phần; còn lại, mới dừng ở mức ứng dụng kỹ thuật và một phần ứng dụng công nghệ cao do nguồn vốn đầu tư hạn chế. Đáng nói, hiện thành phố có đến hơn 12.000ha rau nhưng phần lớn sản xuất tự phát, manh mún nên khó khăn trong việc tổ chức xây dựng liên kết chuỗi.

Trong khi đó, thực tế có nhiều khó khăn trong phát triển chuỗi sản xuất, tiêu thụ rau an toàn. Nhiều hợp tác xã, địa phương muốn tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ rau an toàn nhưng việc đàm phán, ký kết hợp đồng, mở rộng tiêu thụ sản phẩm rau còn nhiều trở ngại. Ông Nguyễn Mạnh Chiến, chủ chuỗi liên kết - tiêu thụ rau thương hiệu Bác Tôm chia sẻ, hiện sự liên kết đầu tư sản xuất - kinh doanh rau còn thiếu chặt chẽ do chưa hài hòa lợi ích giữa các bên dẫn tới tình trạng hợp đồng bị phá vỡ. Đặc biệt, sản lượng rau an toàn, rau hữu cơ tiêu thụ thông qua chuỗi chưa nhiều vì không phải người tiêu dùng nào cũng có thói quen sử dụng sản phẩm rau có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng... Ở khâu lưu thông, hệ thống cửa hàng, đơn vị cung ứng, tiêu thụ rau an toàn còn gặp sự cạnh tranh khốc liệt với rau sản xuất truyền thống về giá bán tại các chợ đầu mối, dân sinh…

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ khẳng định: Hà Nội phấn đấu mỗi năm xây dựng ít nhất 3-5 chuỗi tiêu thụ rau an toàn. Từng bước khắc phục những mặt tồn tại, hạn chế, mở rộng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ rau an toàn, Hà Nội có chính sách hỗ trợ vốn; tổ chức tham quan mô hình, hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật cho doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân...; quản trị tốt chuỗi giá trị cung ứng rau hiện có làm yếu tố hạt nhân nhân rộng.

Đặc biệt, để các mắt xích trong chuỗi liên kết không bị đứt gãy do bất hòa về lợi ích, ngành Nông nghiệp Thủ đô phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn, nâng cao nhận thức về chuỗi giá trị cho người sản xuất, hợp tác xã; tăng cường tuyên truyền để người dân tin tưởng, sử dụng rau an toàn theo chuỗi đã được cơ quan chức năng kiểm soát chất lượng. Thành phố cũng có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho khâu lưu thông rau an toàn theo chuỗi về mặt bằng bán hàng, xây dựng thương hiệu...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mở rộng mô hình rau an toàn theo chuỗi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.