Chính trị

Mở rộng không gian pháp lý để Thủ đô vươn tầm cao mới

PGS.TS Trần Viết Lưu 20/01/2024 14:35

Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ là không gian pháp lý hội đủ các nhân tố thiên thời - địa lợi - nhân hòa, tạo sức bật mới đưa Thủ đô vươn tầm cao mới, giữ được hồn cốt văn hiến ngàn năm, mang lại diện mạo hiện đại, văn minh, là biểu tượng dân tộc tự lực, tự cường.

394676753_10211299831887961.jpg
Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ tạo điều kiện căn bản, lâu dài cho Thủ đô phát triển. Ảnh: Lê Việt Khánh

Ngày 29-5-2008, Quốc hội khóa XII ban hành Nghị quyết số 15-NQ/QH12 về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan (có hiệu lực từ ngày 1-8-2008), mở ra thời kỳ xây dựng, kiến tạo to lớn cả về lượng và chất của Thủ đô. Ngày 21-11-2012, Quốc hội khóa XIII thông qua Luật Thủ đô, trao cho hệ thống chính trị của Thủ đô môi trường pháp lý tương thích với quy mô và yêu cầu mới. Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã chỉ rõ sứ mệnh lịch sử của Thủ đô Hà Nội thời hiện đại là phải phát triển thành hình mẫu “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, thể hiện tầm tư duy đi trước thời đại của Đảng, Nhà nước về xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Tiếp nối mạch nguồn và quyết tâm đưa Hà Nội phát triển lên tầm cao mới, cùng với 2 quy hoạch lớn mà Hà Nội đang xây dựng, Quốc hội khóa XV đang tiến hành một nhiệm vụ chính trị rất hệ trọng, cho sửa đổi Luật Thủ đô nhằm mở rộng không gian pháp lý, tạo điều kiện căn bản, lâu dài cho việc xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội. Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) tăng 3 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012, quy định mới 38 điều, trong đó đề xuất nhiều cơ chế đặc thù cho Hà Nội về mô hình tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn; đầu tư, quản lý sử dụng đất đai, quy hoạch.

Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, đã có khoảng 100 ý kiến phát biểu, thảo luận tại tổ và tại hội trường, nhận được đa số sự đồng tình với những điểm sửa đổi, bổ sung, chứng tỏ mối quan tâm sâu sắc, rộng rãi của cử tri cả nước. Cử tri Thủ đô là những người dành nhiều mối quan tâm nhất, bởi đây là cơ hội pháp lý, mở ra không gian mới, tạo môi trường lịch sử - chính trị - pháp lý - xã hội tương thích với mục tiêu chiến lược mà Đảng, Nhà nước giao phó cho Thủ đô từ nay tới giữa thế kỷ XXI. Luật Thủ đô (sửa đổi) hội tụ được sự cập nhật thành tựu pháp lý quốc tế, học hỏi kinh nghiệm quốc tế và có tính toán phù hợp vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, đồng thời kế thừa cơ chế và kinh nghiệm đã và đang thực hiện ở thành phố Hồ Chí Minh và Khánh Hòa. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều về xây dựng chính quyền, bộ máy hành chính đô thị, nông thôn tương thích với đặc thù đô thị đặc biệt, riêng có đối với Thủ đô Hà Nội là bước đột phá, giúp cho hệ thống chính quyền của Thủ đô có đủ thẩm quyền vận hành bộ máy theo phương châm chính quyền kiến tạo phát triển, phụng sự người dân, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người dân. Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ là không gian pháp lý hội đủ các nhân tố thiên thời - địa lợi - nhân hòa, tạo sức bật mới đưa Thủ đô vươn tầm cao mới, giữ được hồn cốt văn hiến ngàn năm, mang lại diện mạo hiện đại, văn minh, là biểu tượng dân tộc tự lực, tự cường.

Để tương lai Thủ đô rạng ngời, cũng cần có một số điều kiện cần và đủ trên các phương diện chính trị - pháp lý - văn hóa - nhân tâm. Việc thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị phải được tiến hành bài bản, sâu rộng trong cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp không chỉ trên địa bàn Thủ đô mà còn trên cả nước. Như lời phát biểu chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ “Hà Nội vừa là đô thị đặc biệt vừa là Thủ đô, đô thị đặc biệt thì có thể có nhiều, nhưng Thủ đô thì chỉ có một”, Thủ đô là biểu tượng và là trái tim của đất nước, cho nên không thể khoán trắng cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội. Nhất là các địa phương liên quan thuộc vùng Thủ đô cần có sự kết nối chặt chẽ, đặt mục tiêu phát triển của địa phương mình trong tổng thể mục tiêu chung của Thủ đô và Đồng bằng Bắc Bộ. Vai trò, trách nhiệm của các ban, bộ, ngành Trung ương hết sức quan trọng, vì đây là đầu mối khâu nối hệ thống chính trị từ các cơ quan đầu não của đất nước với Thủ đô. Cho nên, các ban, bộ, ngành Trung ương cần thể hiện vai trò, trách nhiệm tư vấn, tham gia trực tiếp cùng Hà Nội xây dựng chủ trương, cơ chế, chính sách có tính đặc thù, nhưng không vô tình bị cát cứ, vượt quyền, lạm quyền. Các ban, bộ, ngành Trung ương còn trực tiếp giúp Đảng, Nhà nước nắm quyền lãnh đạo, quản lý, điều hành vĩ mô đối với Thủ đô Hà Nội. Mặt khác, Đảng bộ, chính quyền Thủ đô Hà Nội cần coi mối quan hệ khăng khít với các ban, bộ, ngành Trung ương là một cơ hội lớn, nguồn lực chính trị độc nhất vô nhị so với các địa phương trên cả nước. Mỗi ý tưởng, mỗi quyết sách của Thủ đô Hà Nội phải được kết tinh bởi trí tuệ, nhiệt huyết của lực lượng nghiên cứu khoa học, của lãnh đạo và chuyên gia ở các cơ quan Trung ương. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ các cấp thuộc hệ thống chính trị của Thủ đô phải được tiến hành căn cơ, bài bản, bảo đảm xây dựng được lực lượng nòng cốt xứng tầm yêu cầu nhiệm vụ mới, đủ đức đủ tài, dám làm, dám chịu trách nhiệm, chủ động, sáng tạo trong tổ chức vận hành bộ máy hành chính, chuyên môn từ cấp cơ sở đến cấp thành phố.

Sau khi được Quốc hội phê duyệt, ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi), cần tổ chức quán triệt, học tập, triển khai thực hiện sâu rộng trong hệ thống chính trị Thủ đô, tạo chuyển biến về nhận thức, hành động, thể hiện rõ thời cơ mới, quyết tâm mới, khí thế mới, phương thức lãnh đạo, điều hành mới, quyết liệt, hiệu quả, vì sự nghiệp chung. Dựa vào Luật Thủ đô (sửa đổi), các cấp, các ngành cần cụ thể hóa thành các văn bản quy phạm pháp luật, áp dụng sát hợp vào điều kiện cụ thể của địa phương, lĩnh vực của mình, ban hành chương trình, kế hoạch hành động thực hiện đưa luật vào cuộc sống. Thiết lập mối quan hệ liên thông ngang dọc, tránh sự trùng lắp, bỏ trống phạm vi áp dụng của Luật Thủ đô (sửa đổi); với những điều mới bổ sung thì cần tính toán cẩn trọng về nhiệm vụ, giải pháp, làm rõ trách nhiệm của các ngành liên quan, giao cho một ngành chịu trách nhiệm chính. Về vấn đề phân cấp, phân quyền, cần xác định rõ phân đến đâu, gắn với trách nhiệm chính trị - xã hội, đồng thời bảo đảm điều kiện thực hiện.

Như vậy thì mới tránh được biểu hiện đùn đẩy, né tránh trong thực hiện Luật Thủ đô (sửa đổi). Có một vấn đề không mới nhưng luôn mang tính thời sự, đó chính là phát huy tối đa vai trò làm chủ của người dân Thủ đô, đặt họ vào vị trí trung tâm phát triển Thủ đô, coi họ là chủ nhân thực thi, giám sát, phát huy hiệu lực, hiệu quả của Luật Thủ đô, và họ cũng chính là người thụ hưởng chính đáng quyền lợi do Luật Thủ đô quy định. Từ việc sắp xếp bộ máy hành chính tới việc tổ chức hội đồng nhân dân các cấp đều nhằm vào phục vụ, phát huy cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người dân Thủ đô. Từ việc thực hiện quy hoạch tới việc xây mới, di dời cơ sở sản xuất, kinh doanh, bệnh viện, trường học... hoặc xây dựng công trình công ích xã hội, thiết chế văn hóa, kể cả hình thành tuyến phòng thủ quốc phòng, hệ thống an ninh, an sinh xã hội trên địa bàn đều dựa vào lòng dân là nhân tố quyết định.

Luật thì nằm trên giấy, còn việc thực thi pháp luật lại nằm trong lòng dân. Do đó, cần quan tâm tuyên truyền, giáo dục, nhất là chú ý đưa việc giáo dục Luật Thủ đô (sửa đổi) vào cơ sở giáo dục trên địa bàn Thủ đô một cách phù hợp; đồng thời chú trọng việc bảo tồn, phát huy, lan tỏa giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, xây dựng văn hóa, con người Hà Nội văn minh, thanh lịch, tạo không gian văn hóa cổ kính, văn minh, hiện đại, để Thủ đô Hà Nội thực sự là nơi giao thoa tinh hoa văn hóa của cả nước, khu vực và thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mở rộng không gian pháp lý để Thủ đô vươn tầm cao mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.