(HNM) - Chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã đổi mới phương thức tổ chức, hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn. Trong đó, doanh nghiệp đã khẳng định vai trò nòng cốt, định hướng sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ, xây dựng và quản lý thương hiệu sản phẩm… Đây là xu hướng tất yếu hướng tới một nền nông nghiệp hiện đại.
Hình thành tư duy sản xuất mới
Thay vì tập trung sản xuất theo số lượng, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã chủ động thay đổi phương thức sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng, tạo ra nhiều sản phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng qua việc hỗ trợ các địa phương hình thành vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn; thúc đẩy liên kết theo chuỗi, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp. Các loại hình kinh tế hộ, kinh tế trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp đều có những chuyển động đáng ghi nhận.
Từ việc chủ động trong sản xuất, nên các doanh nghiệp đã xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, bảo đảm các đơn hàng. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Kinh doanh chế biến nông sản Bảo Minh (quận Hoàng Mai) Bùi Thị Hạnh Hiếu cho biết, để bảo đảm nguồn cung cho các siêu thị, đối tác kinh doanh, công ty đã xây dựng vùng nguyên liệu liên kết ở 21 tỉnh, thành phố trong đó có Hà Nội; đồng thời cam kết bảo đảm “đầu ra” cho sản phẩm của nông dân, hợp tác xã. Hiện tại, gạo Bảo Minh đã phân phối đến hơn 4.000 điểm bán.
Còn Giám đốc Công ty cổ phần Tiên Viên (huyện Chương Mỹ) Đặng Đình Tiên thông tin, từ việc liên kết với 30 trang trại chăn nuôi vệ tinh ở Chương Mỹ (quy mô hơn 120.000 con gà đẻ và gà thương phẩm), công ty đã chủ động được nguồn hàng, mỗi tháng cung cấp cho thị trường hơn 2 triệu quả trứng, hơn 2 tấn thịt gà thông qua gần 100 đối tác tiêu thụ sản phẩm là các doanh nghiệp, siêu thị, nhà hàng… Còn Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao (huyện Mê Linh) Đàm Văn Đua cho hay, với phương thức sản xuất mới, các thành viên của hợp tác xã yên tâm theo nghề nông, không còn lo cảnh bấp bênh về tiêu thụ.
Trong khi đó, ở huyện Thạch Thất, đến nay, với 6 chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp với hợp tác xã, nông dân từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản mang lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định thu nhập cho nông dân. Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng đánh giá, việc đổi mới phương thức liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với nông dân đã giúp nông sản tiêu thụ thuận lợi. Đây là hướng đi hiệu quả cho nền nông nghiệp hiện đại.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Ngọc Sơn cho hay, từ việc đổi mới tổ chức sản xuất, Hà Nội đã hình thành được nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung, ứng dụng công nghệ cao (35 vùng lúa, 104 vùng rau, 56 vùng cây ăn quả, 46 vùng chăn nuôi lợn, 60 vùng chăn nuôi gia cầm...). Nhờ đó, Hà Nội đã từng bước hình thành lực lượng lao động mới có tư duy phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với nhu cầu thị trường..., góp phần giúp nông nghiệp Hà Nội duy trì được các mục tiêu tăng trưởng, đáp ứng nhu cầu nông sản cho người tiêu dùng Thủ đô trong mọi tình huống.
Gắn kết nông dân với doanh nghiệp
Hiệu quả của việc đổi mới phương thức tổ chức sản xuất nông nghiệp đã rõ, tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, một số địa phương chưa khẳng định được vai trò đầu mối hỗ trợ phát triển cũng như tổ chức liên kết, hợp tác sản xuất… Số lượng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao không nhiều cũng gây khó khăn nhất định cho các doanh nghiệp, hợp tác xã khi thực hiện liên kết với nông dân để bao tiêu sản phẩm...
Tiếp tục đổi mới phương thức tổ chức sản xuất, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao Đàm Văn Đua cho biết, thời gian tới, hợp tác xã sẽ chú trọng kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất rau theo hướng an toàn, bảo đảm chất lượng; đồng thời mở rộng liên kết với doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất và đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
Cũng về vấn đề này, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đỗ Hoàng Anh Châu, để thúc đẩy các hình thức liên kết sản xuất nông nghiệp, thời gian tới, Chương Mỹ sẽ chú trọng phát triển các vùng sản xuất tập trung như: Trồng bưởi Diễn, lúa hữu cơ, chăn nuôi tập trung…; có chính sách thu hút đầu tư, phát triển các mô hình liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi...
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ thông tin, để bảo đảm tốc độ tăng trưởng năm 2022 từ 2,5% đến 3%, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ đẩy mạnh việc đổi mới phương thức tổ chức sản xuất theo vùng chuyên canh tập trung và đặc sản vùng miền; thay thế từng bước các mô hình kinh tế hộ nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả thấp...; đồng thời thúc đẩy vai trò của doanh nghiệp trong việc định hướng quy mô sản xuất; nâng cao chất lượng sản phẩm. Mặt khác, cùng với việc xây dựng các chuỗi giá trị nông sản chủ lực; thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ đề xuất các chính sách, giải pháp tích tụ ruộng đất, tạo tiền đề thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, thành phố thực hiện chương trình liên kết với các tỉnh, thành phố trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản; đặc biệt là phải gắn kết chặt chẽ nông dân với thị trường và doanh nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.