Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mở hướng mới phát triển nông nghiệp, nông thôn

Ngọc Quỳnh| 21/09/2022 06:22

(HNM) - Nghị quyết số 19-NQ/TƯ ngày 16-6-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ: Phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Triển khai thực hiện nghị quyết quan trọng này, thành phố Hà Nội tập trung phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với công nghệ cao; du lịch sinh thái, trải nghiệm…, góp phần mở hướng mới phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Nông dân huyện Đan Phượng kết hợp trồng nho hạ đen gắn với phát triển du lịch. Ảnh: Ánh Ngọc

Động lực thúc đẩy kinh tế nông nghiệp

Hiện, nhiều địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội đang tập trung triển khai xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuỗi sản xuất tiêu thụ sản phẩm... gắn với phát triển du lịch sinh thái. Ông Nguyễn Xuân Dưỡng ở xã Thanh Cao (huyện Thanh Oai) cho biết, với 3.000m2 nhà lưới trồng hơn 100 giống hoa lan các loại, doanh thu mỗi năm của gia đình ông đạt 1,5-1,6 tỷ đồng. Riêng mỗi dịp Tết đến, xuân về, trang trại của gia đình ông trở thành “điểm đến” thu hút khách du lịch tham quan và mua hoa.

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng Nguyễn Viết Đạt, thời gian qua, Đan Phượng đã từng bước phát triển mô hình nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao kết hợp với du lịch sinh thái. Tiêu biểu là mô hình sản xuất nho hạ đen được triển khai năm 2019 tại xã Phương Đình, đến nay đã mở rộng ra các xã Đan Phượng, Trung Châu, Hạ Mỗ với diện tích lên tới 3,53ha, trong đó có 2ha đạt tiêu chuẩn VietGAP... “Việc phát triển nông nghiệp sinh thái gắn với dịch vụ du lịch không chỉ góp phần tái cơ cấu kinh tế nông thôn, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững mà còn nâng cao giá trị kinh tế cũng như thu nhập cho nông dân”, ông Nguyễn Viết Đạt cho biết.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, thành phố đã xây dựng được 160 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 104 vùng trồng rau an toàn, 56 vùng trồng cây ăn quả... Đây là nền tảng, tạo điều kiện để Hà Nội phát triển nông nghiệp theo hướng đô thị, sinh thái, công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu; đồng thời nâng cao giá trị nông sản.

Hướng đến phát triển bền vững

Những thành tựu đạt được từ triển khai thực hiện các nghị quyết của Trung ương và chương trình, kế hoạch của thành phố Hà Nội về phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, nông nghiệp sinh thái của Hà Nội còn manh mún, bất cập; các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế...

Hiện thực hóa những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và thành phố Hà Nội về phát triển một nền nông nghiệp sinh thái, thông minh gắn với dịch vụ, du lịch nông thôn, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho biết, huyện Thanh Oai đã xây dựng một số cơ chế, chính sách thu hút đầu tư xây dựng các nông trại giáo dục có quy mô từ 2ha đến 5ha, vận hành theo hình thức du lịch trải nghiệm. Qua đó, từng bước đa dạng loại hình du lịch trên địa bàn, nâng cao thu nhập cho nông dân...

Là một trong những đơn vị được huyện Thạch Thất lựa chọn để xây dựng mô hình thí điểm du lịch nông nghiệp trên diện tích 60ha, chủ trang trại Hoa Viên ở xã Yên Bình (huyện Thạch Thất) Trương Kim Hoa thông tin: Trang trại tiếp tục đầu tư nâng cấp và mở rộng dịch vụ để thu hút khách du lịch tới tham quan, trải nghiệm. Đến với trang trại, du khách không chỉ được tìm hiểu về nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm hữu cơ, những lợi ích mà phương thức canh tác này mang lại, mà còn tham gia các hoạt động trải nghiệm thực tế...

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ thông tin, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025, mỗi huyện, thị xã có tiềm năng và thế mạnh về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn sẽ triển khai ít nhất từ 1 đến 3 sản phẩm “Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch”; tập trung phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 70%... Thực hiện những mục tiêu đề ra, thành phố sẽ xây dựng, ban hành một số chính sách thu hút các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, xúc tiến quảng bá, bảo tồn giá trị văn hóa...

Theo Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Khoa học phát triển nông thôn Việt Nam Đào Thế Anh, phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp sinh thái là mục tiêu mà nhiều quốc gia hướng đến... Hà Nội cần triển khai có hiệu quả các chính sách của Trung ương, qua đó hình thành các hợp tác xã kiểu mới trong lĩnh vực nông nghiệp; đồng thời xây dựng chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất, sơ chế, chế biến, đóng gói đến tiêu thụ sản phẩm...

Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TƯ, bám sát mục tiêu xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh chính là định hướng để thúc đẩy phát triển khu vực nông thôn Hà Nội một cách bền vững.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mở hướng mới phát triển nông nghiệp, nông thôn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.