Chính trị

Kiến tạo cơ chế phát triển nông nghiệp bền vững

Bạch Thanh- Nguyễn Mai 29/11/2024 - 16:00

Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội và nông dân Thủ đô năm 2024 không chỉ là diễn đàn để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nông dân, mà còn mở ra cơ hội, tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Bà Nguyễn Thị Hồng, hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai:

Nông dân Hà Nội tự tin đưa nông sản vươn xa

chi-hong.jpg

Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND ngày 4/7/2023 của HĐND thành phố Hà Nội đã có nhiều chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, trong đó có chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác và liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, thực tế việc liên kết hợp tác vẫn còn hạn chế, khiến nhiều sản phẩm chất lượng cao của nông dân khó tiếp cận được với các siêu thị hay nhà cung cấp lớn. Qua lắng nghe ý kiến của đồng chí Chủ tịch UBND thành phố và đại diện các sở, ngành, tôi rất tâm đắc với chủ trương thúc đẩy liên kết “6 nhà”, gồm: Nhà nước, nông dân, nhà khoa học, doanh nghiệp, ngân hàng và nhà phân phối. Mô hình này tạo động lực mạnh mẽ để nông dân sản xuất những sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm, tạo thêm việc làm và cải thiện thu nhập.

Là một người trực tiếp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tôi cảm thấy tự tin hơn khi đầu tư, mở rộng quy mô với sự hỗ trợ từ các chính sách này. Đặc biệt, tôi hy vọng những sản phẩm đông trùng hạ thảo của cơ sở mình không chỉ được tiêu thụ mạnh trong nước, mà còn xuất khẩu ra nhiều thị trường quốc tế. Điều này không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nông dân, mà còn góp phần quảng bá thương hiệu nông sản Hà Nội ra toàn cầu. Tôi tin rằng, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo thành phố, nông dân Hà Nội sẽ ngày càng mạnh dạn nghĩ lớn, làm lớn, tạo sự liên kết vững chắc giữa các bên để phát triển bền vững ngành Nông nghiệp Thủ đô.

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh Phạm Thị Lý:

Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất hữu cơ

ba-ly.jpg

Hiện hợp tác xã chúng tôi đang triển khai chuỗi liên kết 5 nhà, áp dụng mô hình “Giải pháp hữu cơ vi sinh bảo vệ môi trường” dựa trên nguyên lý tuần hoàn, hoàn nguyên cho đất. Đặc biệt, chúng tôi ứng dụng công nghệ CheckVN vào việc minh bạch hóa thông tin, nhật ký đồng ruộng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đây là mô hình tiên phong tại Hà Nội, được nghiệm thu và khuyến khích nhân rộng từ năm 2019. Qua nhiều năm nghiên cứu, triển khai, chúng tôi nhận thấy, lợi ích mô hình hữu cơ vi sinh không chỉ nâng cao chất lượng nông sản, mà còn góp phần bảo vệ nguồn nước, cải thiện sức khỏe đất, tăng trưởng xanh và chống biến đổi khí hậu. Chúng tôi mong muốn UBND thành phố đánh giá và giao nhiệm vụ phối hợp với Hội Nông dân để nhân rộng mô hình vào thực tiễn. Do Tiên Dương nằm trong vùng đô thị lõi, hợp tác xã đã hợp tác với các hộ trồng rừng tại xã Nam Sơn, Sóc Sơn, xây dựng hệ sinh thái dược liệu hữu cơ dưới tán rừng. Hiện tại, hơn 10ha trà hoa vàng và dược liệu đã bước đầu thành công. Chúng tôi kiến nghị thành phố phân công các hội, đoàn thể phối hợp triển khai chuỗi liên kết ngắn, từ sản xuất đến tiêu thụ và đề xuất thành phố nâng cấp thêm chức năng livestream nhật ký sản xuất, đồng thời giao Hội Nông dân chủ trì truyền thông và tập huấn sử dụng hệ thống này. Khu đất làm trụ sở hợp tác xã đã được sử dụng hơn 20 năm, với đầy đủ cơ sở vật chất, như nhà xưởng sơ chế, vườn giống cây dược liệu và khu nuôi cấy mô. Chúng tôi mong thành phố và huyện tạo điều kiện để tiếp tục sử dụng khu đất này, phát triển thành mô hình nông nghiệp công nghệ cao tiêu biểu.

Giám đốc Hợp tác xã Green Farm Mê Linh, huyện Mê Linh Trần Thuỳ Liên:

Để chính sách nông nghiệp đi vào cuộc sống

ba-lien.jpg

Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội và nông dân Thủ đô đã đưa ra nhiều chủ trương quan trọng, từ việc hỗ trợ sản xuất đến bảo đảm an sinh xã hội, tạo điều kiện để các chính sách đi vào cuộc sống một cách hiệu quả.

Thực hiện Luật Đất đai 2024 và Luật Thủ đô 2024, nông dân kỳ vọng triển khai các mô hình tích tụ, tập trung ruộng đất, nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Tại hội nghị, các chính sách hỗ trợ tích tụ đất đai, cung cấp vốn, chuyển giao kỹ thuật và cải thiện điều kiện sản xuất đã được thảo luận. Đây là những giải pháp thiết thực, giúp hợp tác xã và doanh nghiệp nông nghiệp phát triển bền vững, đồng thời nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp của Hà Nội.

Bên cạnh đó, các chính sách về an sinh xã hội, như hỗ trợ mua bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng nhận được sự quan tâm lớn. Chính sách này không chỉ mang lại sự ổn định về lâu dài, mà còn giúp nông dân hưởng chế độ hưu trí như lao động ở các ngành nghề khác. Tôi mong thành phố tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm xã hội tự nguyện trong giai đoạn 2026-2030, mở rộng đối tượng thụ hưởng và duy trì hiệu quả đã đạt được từ giai đoạn 2022-2025.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ba Vì Nguyễn Văn Trường:

Biến cam kết thành hành động, mang hiệu quả đến từng nông dân

ong-truong.jpg

Buổi đối thoại giữa Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội và nông dân Thủ đô năm 2024, với chủ đề “Phát huy tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, hỗ trợ nông dân liên kết hợp tác, ứng dụng chuyển đổi số, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn bền vững”. Đây là diễn đàn quan trọng, nơi những khó khăn, vướng mắc của nông dân được thẳng thắn chia sẻ và nhận được sự quan tâm, giải đáp từ lãnh đạo thành phố, các sở, ngành. Ba nhóm vấn đề lớn được đặt ra trong buổi đối thoại, gồm: Chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn; ứng dụng chuyển đổi số và liên kết hợp tác trong sản xuất nông nghiệp; bảo vệ môi trường nông thôn, xây dựng vùng sản xuất an toàn, xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ nông sản.

Buổi đối thoại đã tạo ra niềm tin mạnh mẽ cho nông dân, giúp họ yên tâm hơn trong sản xuất, kinh doanh. Các ý kiến, kiến nghị của nông dân được lãnh đạo thành phố lắng nghe, tiếp thu và đưa ra hướng giải quyết cụ thể, rõ ràng. Nhiều vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách hỗ trợ đã được làm rõ, nhất là các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, liên kết chuỗi giá trị và xúc tiến thương mại nông sản. Điều này giúp nông dân tiếp cận dễ dàng hơn với các nguồn lực, từ vốn, đất đai đến công nghệ, mở ra cơ hội phát triển kinh tế nông thôn bền vững. Các giải pháp ứng dụng chuyển đổi số, như triển khai sàn thương mại điện tử, sử dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc, hay áp dụng công nghệ trong quản lý sản xuất, được cam kết hỗ trợ mạnh mẽ. Đây là bước tiến lớn giúp nông dân tiếp cận thị trường hiện đại và nâng cao năng lực cạnh tranh. Buổi đối thoại không chỉ giúp tháo gỡ khó khăn trước mắt, mà còn tạo tiền đề để phát huy tiềm năng, lợi thế của nông dân Thủ đô. Với sự đồng hành của chính quyền thành phố, các cấp Hội Nông dân Hà Nội tiếp tục đóng vai trò cầu nối, hỗ trợ hội viên nắm bắt cơ hội, liên kết hợp tác, ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số để xây dựng nền nông nghiệp xanh, hiện đại và bền vững. Nông dân Hà Nội rất phấn khởi và yên tâm, tin tưởng vào sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo thành phố. Lãnh đạo thành phố, các sở, ngành tiếp tục đồng hành, biến những cam kết và giải pháp tại buổi đối thoại thành hành động thiết thực, mang lại hiệu quả cụ thể cho bà con nông dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiến tạo cơ chế phát triển nông nghiệp bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.