(HNMO) - Mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Công ty cổ phần An Phú Hưng tỉnh Hà Nam đang chiếm được lòng tin người tiêu dùng nhờ quản lý ATTP hiệu quả hơn. Mô hình này có được là nhờ chính sách tích tụ đất đai và gợi ra cách làm mới cho nhiều địa phương…
Thật khó để phát triển một mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại nếu chỉ dựa vào việc sản xuất từ các hộ cá thể theo cơ chế “khoán 10”. Vì thế việc tái cơ cấu nền nông nghiệp mà thực chất là công nghiệp hóa nông nghiệp nhằm tiến tới một nền nông nghiệp phát triển bền vững với các vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi đúng. Mô hình sản xuất rau, củ, quả của Công ty cổ phần An Phú Hưng tỉnh Hà Nam đã thực sự làm tăng năng suất hàng hóa nông sản và thực phẩm, đảm bảo sạch vì sức khỏe cộng đồng. Mô hình sản xuất ấy ra đời nhờ có chính sách tích tụ đất đai của Hà Nam.
Hà Nam với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 862 km2 trong đó đất nông nghiệp chiếm hơn một nửa nhưng tốc độ phát triển sản xuất nông nghiệp tăng không đạt chỉ tiêu 2,8% mà tỉnh đã đề ra. Nguyên nhân chính là do mức đầu tư vào nông nghiệp thấp, thiếu liên kết giữa sản xuất và thị trường, đất đai manh mún khó tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Để giải quyết vấn đề này, tỉnh Hà Nam đã đề xuất chính sách tích tụ ruộng đất, dồn điền, đổi thửa để tăng quy mô sản xuất, xây dựng vùng chuyên canh hàng hóa tập trung. Đây cũng là điều kiện để đưa khoa học-công nghệ cao vào quá trình sản xuất tạo ra nông sản hàng hóa chất lượng đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và có thể xuất khẩu. Vì thế Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hà Nam đã khẳng định: “Không tích tụ ruộng đất, không có diện tích lớn, không ứng dụng CNC vào sản xuất…, tái cơ cấu ngành nông nghiệp sẽ không thành công”.
Nhưng tích tụ ruộng đất là một vấn đề mới và khó. Mới là vì nó làm ngược với trước đây. Trước ruộng đất được chia nhỏ cho các hộ dân với những mảnh nhỏ, manh mún, phân tán. Khó là do tâm lý làm ăn nhỏ lẻ đã thành nếp của người nông dân.
Biết rõ điều đó, nên Hà Nam đã tổ chức họp bàn cùng dân thống nhất chủ trương tích tụ ruộng đất nông nghiệp theo nguyên tắc không phải thu hồi, nông dân không mất quyền sử dụng đất trong liên kết sản xuất với doanh nghiệp; phải đảm bảo thu nhập của nông dân sau khi tham gia tích tụ đất cao hơn trước. Đồng thời đảm bảo việc quản lý đất đai theo đúng quy định của pháp luật và thực hiện liên kết sản xuất nông nghiệp phù hợp quy hoạch của tỉnh, không làm thay đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp mà Nhà nước đã giao cho các hộ nông dân...
Tỉnh đưa ra hai hình thức để tích tụ ruộng đất: Một là, các doanh nghiệp, HTX thuê đất của người dân từ 10 năm trở lên, giá thuê đất được tính dựa trên giá trị cây trồng sản xuất, áp dụng trả tiền thuê đất hằng năm hoặc cả thời gian thuê đất. Hai là, người có đất nông nghiệp góp vốn với doanh nghiệp, HTX bằng quyền sử dụng đất và được chia lợi nhuận theo tỷ lệ góp vốn.
Thật ra, việc tích tụ đất ở Hà Nam cũng có tính chất giống như mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” ra đời cách đây 5 năm ở ĐBSCL. Đến nay mô hình này lan tỏa ra nhiều địa phương và người ta thống nhất gọi là “Cánh đồng lớn”.
Với chính sách tích tụ đất, tỉnh đã hình thành được nhiều vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Có thể kể hơn 300 hộ dân của xã Nhân Khang – Lý Nhân đã nhất trí tích tụ đất giao cho dự án của Công ty cổ phần An Phú Hưng liên kết với doanh nghiệp Nhật Bản. Thời hạn thuê đất được ấn định là 20 năm với giá 120 kg ngô/sào/năm (giá ngô tính tại thời điểm thanh toán).
Người dân cho thuê đất được ưu tiên đào tạo và tuyển dụng làm công nhân nông nghiệp trong doanh nghiệp với mức lương ổn định. Ngoài ra, tỉnh còn đưa ra chính sách hỗ trợ hoàn thiện cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi, điện phục vụ cho việc áp dụng cơ giới hóa; quy hoạch vị trí xây dựng khu bảo quản, chế biến sản phẩm; giảm từ 50 - 70% tiền sử dụng đất cho DN, miễn tiền thuê đất đối với diện tích đất xây nhà ở cho công nhân…
Đối với Hà Nội, từ nhiều năm nay rất quan tâm tới vấn đề sản xuất và tiêu thụ rau an toàn cho người tiêu dùng Thủ đô. Sau 5 năm thực hiện “Đề án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2009 - 2016” đã có nhiều kết quả tích cực. Một số quy định, quyết định về định hướng sản xuất rau an toàn (RAT) đã được thành phố ban hành. Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành nhiều quy trình kỹ thuật sản xuất RAT, rau hữu cơ; nhiều nơi sản xuất rau đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP), tiêu chuẩn VietGAP…
Tuy vậy, nhiều người tiêu dùng vẫn lo lắng về tình trạng ATTP ở Hà Nội do nhiều nguyên nhân. Đó là người sản xuất phải tự mang ra chợ bán sản phẩm hoặc thông qua các thương lái. Thêm vào đó, tuy có quy hoạch vùng rau an toàn nhưng mỗi hộ sở hữu một thửa ruộng riêng nên rất khó để quản lý, giám sát ATTP dẫn đến việc khách hàng thiếu tin tưởng vào tem nhận diện rau an toàn dán trên sản phẩm.
Với mô hình sản xuất của Hà Nam như trên, cho thấy việc dễ dàng kiểm soát chất lượng sản phẩm hơn ở tất cả các khâu sản xuất. Chất lượng sản phẩm cao nên việc lo đầu ra cho sản phẩm cũng thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng có những phòng, ban chuyên môn để lo việc tuyên truyền cùng với chính sách xây dựng thương hiệu cho sản phẩm tạo uy tín, địa vị cho sản phẩm trên thị trường. Thiết nghĩ đây cũng là một chính sách cần tham khảo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.