Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mở đường cho công nghiệp văn hóa

Minh Ngọc| 29/07/2012 06:55

(HNM) - Xây dựng và phát triển công nghiệp văn hóa (CNVH) ở Việt Nam đã được đưa vào Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020. Thế nhưng đến thời điểm này, ngành CNVH ở Việt Nam vẫn chưa hình thành. Chuyên gia người Anh Tom Fleming khẳng định: "Nếu không nhanh chóng bắt nhịp với thị trường văn hóa thế giới đang diễn ra sôi động, rất có thể Việt Nam sẽ bị tụt hậu".

Nghệ thuật biểu diễn được coi là một ngành công nghiệp văn hóa đặc biệt kỳ vọng đóng góp không nhỏ vào kinh tế quốc dân. Ảnh: Viết Thành


Việt Nam chưa hình thành ngành CNVH

Theo định nghĩa của UNESCO, "công nghiệp văn hóa" là CN kết hợp 3 yếu tố: sáng tạo, cơ sở hạ tầng và công nghệ sản xuất hiện đại, có thể sản sinh ra các sản phẩm văn hóa, đem lại lợi ích kinh tế. Ở Việt Nam, CNVH gồm 11 ngành: quảng cáo, kiến trúc, giải trí kỹ thuật số, mỹ thuật đồ cổ và thủ công mỹ nghệ, thiết kế mỹ thuật, phim ảnh và video, in ấn xuất bản, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn, phát thanh truyền hình và phần mềm vi tính. Như vậy, CNVH là một ngành CN đặc biệt, có tác động lớn đối với kinh tế, văn hóa -  xã hội của một đất nước.

CNVH đã phát triển ở nhiều nước trên thế giới, đóng góp không nhỏ vào tổng thu nhập quốc dân. Ở Châu Âu, ngành công nghiệp này tạo ra khoảng 3% GDP, tương đương 500 tỷ euro một năm và giải quyết việc làm cho khoảng 6 triệu người. Ở Hồng Kông, 85% thu nhập quốc dân có được từ các ngành CNVH, như: dịch vụ giải trí, truyền hình, quảng cáo… Đối với Việt Nam, CNVH tuy chưa định hình rõ nét nhưng đã manh nha khi các nhà quản lý coi văn hóa, nghệ thuật là một loại hàng hóa đặc biệt. Một số lĩnh vực như điện ảnh, sân khấu, xuất bản phải tự hạch toán để sử dụng hiệu quả vốn đầu tư. Tiếc rằng, kinh doanh văn hóa ở nước ta không mấy hiệu quả. Đơn cử như ngành điện ảnh, mỗi năm sản xuất khoảng 10 phim nhựa nhưng chỉ có 1-2 phim "bơi" được ra thị trường và thu lợi nhuận từ việc bán vé, quảng cáo. Tương tự, 12 đơn vị nghệ thuật trực thuộc Bộ VH,TT&DL mỗi năm được Nhà nước đầu tư khoảng 100 tỷ đồng thì 90% số tiền đó dành cho bảo trì cơ sở làm việc, điện nước, lương bổng, chính sách…

Nguyên nhân khiến ngành CNVH ở Việt Nam chưa thực sự hình thành thì có nhiều, nhưng nguyên nhân chính được xác định là do cơ chế tài chính và khuôn khổ pháp lý cho ngành CN đặc biệt này còn quá nhiều bất cập. Đó cũng là lý do khiến Tập đoàn Galileo Investment (Mỹ) phải hủy bỏ kế hoạch xây dựng thành phố sáng tạo bên sông Ba ở Phú Yên với kinh phí lên tới hơn 10 tỷ USD cách đây chưa lâu. Trước thực trạng này, Việt Nam đã mời nhóm chuyên gia chính sách của UNESCO sang nghiên cứu, phân tích thị trường, từ đó đề xuất các giải pháp về cơ chế tài chính, khuôn khổ pháp lý, chương trình hoạt động, chiến lược giúp Việt Nam phát triển CNVH.

Xây dựng thành phố sáng tạo, tại sao không?

Sau 2 đợt khảo sát tại các TP Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Hội An, các chuyên gia chỉ rõ: Việt Nam có nguồn nhân lực, có nhiều tài năng trong lĩnh vực sáng tạo văn hóa, nghệ thuật, nhưng thay vì để cho họ thỏa sức sáng tạo, thỏa sức tư duy thì nước ta lại khai thác tiềm năng, thế mạnh của họ bó hẹp trong lĩnh vực văn hóa truyền thống, đó là sự lãng phí. Mặc khác, Việt Nam chưa có cơ quan, đơn vị nào có tính chất đặc thù, không chịu sự quản lý trực tiếp của Nhà nước để phát triển CN sáng tạo, tương tự như Hội đồng nghệ thuật Anh hay hội đồng sáng tạo của một số quốc gia. Hơn thế, hoạt động văn hóa, nghệ thuật ở Việt Nam hầu như nhận sự đầu tư của Nhà nước nên phải tuân theo quy định, yêu cầu từ phía Nhà nước khiến cho các đơn vị, tổ chức quốc tế muốn kinh doanh văn hóa ở Việt Nam cũng ít có cơ hội. Một hạn chế nữa được các chuyên gia của UNSECO chỉ ra là Việt Nam chưa có sự đầu tư nào từ các ngân hàng đối với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật; chưa chú trọng đào tạo kỹ năng kinh doanh văn hóa cho sinh viên các trường nghệ thuật, chưa đãi ngộ xứng đáng với các tài năng sáng tạo…

Trên cơ sở những đánh giá đó, các chuyên gia đã đề xuất hướng phát triển CNVH ở Việt Nam trước mắt cũng như lâu dài. Một khung chiến lược và chương trình kinh tế sáng tạo năm 2012-2014 được trưng cầu với 10 mục chi tiết do chuyên gia Tom Fleming vạch ra, trong đó nổi bật là ý tưởng xây dựng một siêu vùng văn hóa hay thành phố sáng tạo. Thành phố sáng tạo này có thể hiểu như những đặc khu phát triển CNVH, là những siêu vùng dành riêng cho nghệ thuật và nghề thủ công truyền thống. Các đơn vị kinh doanh ở gần nhau sẽ thuận tiện cho nguồn cung, nhân lực, đầu ra; chính sách kinh tế, động viên về thuế, vốn vì thế cũng sẽ tập trung. Ông gợi ý nên thử nghiệm thành phố sáng tạo trước hết ở TP Hồ Chí Minh vì đây là một thành phố năng động, tiếp đó có thể xây dựng ở Hà Nội hoặc Đà Nẵng. Trên thực tế, mô hình này đã được áp dụng ở một số vùng như Thượng Hải, Hồng Kông của Trung Quốc, trong đó có Khu nghệ thuật 798 ở Bắc Kinh. Châu Âu cũng đã có một số vùng thành công như khu vực sáng tạo thời trang của Italia, chùm sáng tạo phía tây thủ đô London (Anh)...

Cùng với thành phố sáng tạo, chuyên gia Tom Fleming đề xuất Việt Nam nên xây dựng thương hiệu cho ngành văn hóa nhằm thu hút sự quan tâm đầu tư của các đối tác nước ngoài. Thương hiệu này có thể tương tự như logo - slogan "Việt Nam vẻ đẹp bất tận" của ngành du lịch…

Tuy nhiên, những ý tưởng trên   mới là sự gợi ý dưới góc nhìn của   các chuyên gia UNESCO, còn nền CNVH Việt Nam sẽ được hình thành và phát triển như thế nào cần có lộ trình và phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Theo cách ví von của chuyên gia Tom Fleming thì Việt Nam không nên vội vàng phát triển CNVH theo cách "chạy trước khi biết đi".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mở đường cho công nghiệp văn hóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.