Theo dõi Báo Hànộimới trên

Minh bạch để tránh thất thoát

Thế Đan| 21/01/2017 06:32

(HNM) - Năm 2016 có thể khẳng định là một năm nhiều “sóng gió” trong công tác quản lý của Ngành Tài nguyên - Môi trường (TN-MT), đặc biệt là sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung. Việc giải quyết triệt để vấn đề cụ thể này cũng như trên phạm vi cả nước sẽ còn phải tiếp tục trong thời gian tới.


Ngoài công tác quản lý môi trường, có vấn đề chiến lược cũng đòi hỏi cách làm bài bản, khoa học hơn là: Quản lý nguồn tài nguyên khoáng sản (TNKS), trong đó đa phần là những loại không tái tạo được, để tránh thất thoát, chống "lợi ích nhóm” là điều hết sức cấp thiết.

Trên thực tế, Việt Nam là quốc gia không giàu về nguồn TNKS và việc sử dụng các nguồn tài nguyên thời gian qua chưa hiệu quả, còn tình trạng lãng phí. Thấy rõ nhất là nhiều dự án khai thác TNKS đều phải có đánh giá tác động môi trường nhưng chủ đầu tư chỉ coi đó là "đồ trang sức". Ngoài ra, việc quản lý một số nơi còn chồng chéo, gián đoạn giữa các bộ: TN-MT, Công Thương, Xây dựng, NN&PTNT, chính quyền địa phương các cấp tạo kẽ hở cho một số tổ chức, cá nhân làm giàu từ khai thác TNKS bất hợp pháp… Hệ lụy là khi phát sinh những bất cập không rõ trách nhiệm thuộc ngành nào, cá nhân nào. Rõ ràng, về lâu dài đây sẽ là những nguy cơ rất lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta.

Có cách nào để tránh những hệ lụy ngay trước mắt cũng như lâu dài để đất nước phát triển nhanh và bền vững?

Gần đây, Nhà nước đã có chủ trương không xuất khẩu khoáng sản thô. Tuy nhiên, đâu đó vẫn xuất hiện tình trạng xuất lậu qua đường tiểu ngạch, thậm chí công khai ở một số địa phương vùng biên giới. Điều đó đòi hỏi cấp thiết phải xem xét lại chính sách thuế tài nguyên, sự phối hợp giữa cơ quan thuế và cơ quan TN-MT. Cùng với đó là cần phải xây dựng lộ trình đẩy mạnh kinh tế hóa Ngành TN-MT. Theo đó, phải coi tài nguyên nói chung và TNKS nói riêng là nguồn lực ngày càng khan hiếm cần phải được thị trường hóa và coi bảo vệ môi trường là thước đo hiệu quả, tính bền vững của các hoạt động kinh tế để có thể hạch toán toàn diện và đầy đủ.

Mặt khác, cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực TN-MT bảo đảm không gây thất thoát, lãng phí trong sử dụng, qua đó kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm để nâng hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật; xử lý nghiêm, triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường; xử lý các cán bộ, công chức gây phiền hà, nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp... là đòi hỏi cấp thiết hiện nay. Cùng với đó, cần tích cực nắm bắt tình hình, địa phương cơ sở; thực hiện tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp nhận và xử lý kịp thời các kiến nghị của người dân, doanh nghiệp không để xảy ra các điểm “nóng” liên quan đến tài nguyên nói chung, TNKS nói riêng.

Sự đóng góp tích cực của tài nguyên tới tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào các chính sách quản lý kinh tế vĩ mô và nhiều biện pháp khác. Vì thế, việc sớm nghiên cứu để tham gia Sáng kiến minh bạch trong công nghiệp khai thác khoáng sản (EITI) sau 10 năm nghiên cứu và xem xét cũng là điều rất đáng lưu tâm. Cũng phải nói thêm rằng, việc tham gia EITI hay bất cứ một sáng kiến, cơ chế quốc tế nào khác mới chỉ là bước khởi đầu, là điều kiện cần mà chưa đủ. Điều cốt yếu vẫn là sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý để đảm bảo thực thi nghiêm túc pháp luật trong nước và các cam kết quốc tế mới là yếu tố quyết định - liều thuốc hiệu nghiệm cho căn bệnh “chảy máu” khoáng sản và thất thu thuế hiện nay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Minh bạch để tránh thất thoát

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.