(HNM) - Hai từ ấy đúng là nói thì dễ mà làm sao khó thế!........ Tân Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cũng vừa khẳng định: Việc điều hành giá cả, nhất là với những mặt hàng như điện, xăng dầu cần phải dựa trên yếu tố minh bạch chi phí và giá thành.
Nhưng minh bạch, công khai không phải là chuyện muốn là làm được ngay. Vấn đề cũng chẳng phải đến bây giờ mới được đề cập. Trong thực tế, đã có nhiều việc "nóng", nhiều việc sinh kế bức xúc, dư luận bàn tới lui, nhà quản lý nhiều lần hứa, rồi quyết tâm thực hiện, nhưng rút cuộc chuyện vẫn chưa suy chuyển là mấy.
Suốt một thời gian dài vừa qua, những câu hỏi như: Giá xăng dầu bao nhiêu là hợp lý, vì sao giá xăng dầu chỉ tăng mà không giảm, vì sao doanh nghiệp liên tục kêu lỗ?; hoạt động của ngành điện như thế nào, lỗ lãi ra sao mà doanh nghiệp kêu thiếu vốn lại có tiền đầu tư ra ngoài ngành?; quản lý khai khoáng có minh bạch được không?... đã được đặt ra nhiều lần, dư luận ai cũng muốn biết, nhưng chưa ai tìm được (hoặc nhận được) câu trả lời thỏa đáng.
Ví như với mặt hàng xăng dầu. Có thể nói, hiếm có nơi nào trên thế giới giá xăng dầu lại chứa nhiều ẩn số như ở Việt Nam. Dư luận lâu nay vẫn tin rằng các đầu mối kinh doanh xăng dầu bị lỗ vì giá trong nước phải phục vụ mục tiêu kinh tế vĩ mô. Năm 2008, Petrolimex kêu lỗ cả nghìn tỷ đồng, thế nhưng vừa rồi chuẩn bị cho kế hoạch bán cổ phần lần đầu ra công chúng, Petrolimex lại công bố cả ba năm liên tiếp gần đây, đơn vị chiếm 60% thị phần kinh doanh xăng dầu của cả nước, đã lãi hàng nghìn tỷ đồng, trong đó năm 2008 mà họ từng báo lỗ thực chất là lãi gần ngàn tỷ đồng. Quả thật là khó lý giải.
Ở nhiều lĩnh vực khác cũng vậy. Dư luận cũng đòi hỏi minh bạch hóa cơ cấu giá điện, công khai cơ chế giá thuốc để việc tăng giá có cơ sở thuyết phục. Dư luận cũng yêu cầu minh bạch, công khai hoạt động khai thác khoáng sản để hạn chế thất thoát tài nguyên đất nước và ngăn chặn khả năng tham nhũng. Rồi mới đây thêm một lần người dân lại phải đặt dấu hỏi xung quanh đề xuất thu phí bảo trì đường bộ qua giá xăng dầu. Nguồn quỹ ấy phải sử dụng sao cho minh bạch và công bằng? Câu hỏi vẫn chưa được giải đáp thỏa đáng.
Rõ ràng, những vấn đề này có vẻ như không khó trả lời. Nó dường như chỉ phụ thuộc vào thái độ của chính nhà quản lý, của doanh nghiệp có thực sự muốn làm hay không mà thôi.
Minh bạch hóa các hoạt động kinh tế để nhân dân biết, giám sát và đóng góp ý kiến cũng là một cách góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội, tạo niềm tin trong nhân dân. Mà niềm tin chỉ được xây dựng trên cơ sở người dân thực sự được biết, được bàn, được kiểm tra… Công khai, minh bạch cũng là biện pháp hóa giải các lợi ích nhóm không đại diện cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội hoặc đi ngược lại lợi ích của số đông.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí vừa mới đây, cả hai vị Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ đều cho rằng, cần minh bạch giá xăng dầu và giá điện. Tân Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định: Đã rút được bài học kinh nghiệm về trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc cung cấp số liệu, thông tin. Một khi cơ quan chức năng tăng kiểm tra, giám sát, doanh nghiệp sẽ minh bạch hơn, chính quyền trách nhiệm hơn. Còn Bộ trưởng Công thương nhấn mạnh: Việc minh bạch thông tin trong sản xuất, kinh doanh nói chung, cũng như việc cung thấp thông tin của các doanh nghiệp nhà nước nói riêng, là điều rất cần thiết. Đây cũng là chủ trương của Chính phủ. Nếu một doanh nghiệp nào đó không minh bạch trong việc cung cấp thông tin sẽ dẫn đến những quan ngại của dư luận, không phản ánh đúng tình hình sản xuất, kinh doanh cũng như bức tranh tài chính của đơn vị đó.
Quả thật. Minh bạch, không chỉ lợi cho dân, cho nước mà còn lợi cho chính doanh nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.