Văn hóa

Miếu Bản làng Giang Cao được công nhận di tích cấp thành phố

Ánh Dương 10/10/2023 - 13:05

Miếu Bản làng Giang Cao mang dáng dấp của kiến trúc cổ truyền Việt, gồm: Lầu chiêng, gác trống, nghi môn ngoại, nghi môn nội, tiền tế, hậu cung.

Sáng 10-10, xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm) long trọng tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử miếu Bản làng Giang Cao.

Miếu được xây dựng thời nhà Trần (1226-1400), thờ hai vị Thành hoàng là Lê Huệ và Lê Kiêm. Tương truyền, vào khoảng gần cuối đời Trần, trong vùng có dịch bệnh hoành hành, hai vị đã dựng lều trên khu đất cao có tên là Hoàng Xà, sát bờ sông Hồng, bốc thuốc trị bệnh, cứu giúp nhân dân qua khỏi tai ương. Sau này, hai vị được phong là Đệ tam vị Lê Huệ đại vương, Đệ tứ vị Lê Kiêm đại vương, dân làng xây dựng miếu Bản thờ, tôn làm Thành hoàng.

img_20231010_112027.jpg
Lãnh đạo huyện Gia Lâm trao Bằng xếp hạng Di tích lịch sử miếu Bản làng Giang Cao cho xã Bát Tràng.
img_20231010_080241.jpg
Lãnh đạo xã Bát Tràng bàn giao Bằng xếp hạng Di tích lịch sử miếu Bản cho thôn Giang Cao.

Miếu Bản làng Giang Cao tọa lạc trên diện tích 800m2. Trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, miếu Bản đã có nhiều thay đổi nhưng vẫn giữ được không gian cảnh quan chung, mang dáng dấp kiến trúc cổ truyền Việt, gồm: Lầu chiêng, gác trống, nghi môn ngoại, nghi môn nội, tiền tế, hậu cung.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, miếu Bản còn là nơi hội họp bí mật của cán bộ, du kích.

img_20231010_102155.jpg
Các đại biểu thực hiện nghi lễ gắn biển Di tích lịch sử miếu Bản.

Từ những giá trị nêu trên, Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội phối hợp với huyện Gia Lâm và xã Bát Tràng lập hồ sơ khoa học, hồ sơ pháp lý đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội trình, được UBND thành phố Hà Nội ra Quyết định xếp hạng Di tích Miếu Bản làng Giang Cao là Di tích lịch sử cấp thành phố.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng nhấn mạnh: Miếu Bản là một trong những di tích ven sông Hồng kết hợp di tích khác ở xã Bát Tràng như đình Giang Cao, chùa Tiêu Dao, đình Bát Tràng… tạo nên tuyến di tích tôn giáo, tín ngưỡng ven sông đặc biệt.

Lãnh đạo huyện Gia Lâm cũng chỉ đạo các phòng, ban chức năng huyện, chính quyền địa phương tiếp tục bảo tồn sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng gắn với di tích; tuyên truyền sâu rộng cho các thế hệ hiểu thêm giá trị của di tích...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Miếu Bản làng Giang Cao được công nhận di tích cấp thành phố

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.