Văn hóa

Gia Lâm: Văn hóa là động lực cho sự phát triển

Nguyễn Mai 23/09/2023 - 09:07

Nằm ở cửa ngõ phía Đông của Thủ đô Hà Nội, Gia Lâm là vùng đất giao thoa giữa văn hóa Thăng Long và Kinh Bắc. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, vùng đất chất chứa rất nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, đến nay vẫn hiện diện trong đời sống.

Cùng với triển khai thực hiện các tiêu chí trở thành quận, huyện Gia Lâm cũng tập trung bảo tồn, tôn tạo, phát huy những giá trị văn hóa... trở thành nguồn động lực cho phát triển.

Vùng đất của những di sản...

gia-lam-1.jpg
Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đền Phù Đổng (xã Phù Đổng).

Toạ lạc ngay gần đê sông Đuống, Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đền Phù Đổng là nơi phụng thờ Thánh Gióng - Một trong “tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Theo Bí thư Đảng ủy xã Phù Đổng Phùng Xuân Việt, khu di tích bao gồm nhiều địa điểm liên quan, như: Đền Thượng, chùa Kiến Sơ, đình Hạ Mã, miếu Ban, giá Ngự, khu Soi Bia, chùa Hương Hải… Trong đó, nổi bật là đền Thượng - nơi thờ Đức Thánh Gióng với quy mô bề thế, được bố cục hài hòa trong không gian khép kín.

gia-lam-5.jpg
Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đền Phù Đổng (xã Phù Đổng).

Đền Thượng hiện còn bảo lưu được những mảng chạm khắc mang đậm phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII-XVIII của đình làng Bắc Bộ. Di tích quốc gia đặc biệt đền Phù Đổng còn là nơi tổ chức hội Gióng diễn ra từ ngày 7 đến ngày 9 tháng Tư âm lịch vô cùng đặc sắc. Năm 2010, Hội Gióng đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (Unesco) vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.

Xã Dương Xá cũng là mảnh đất sinh ra nhiều danh nhân lịch sử, những người học rộng, tài cao, có công giúp nước. Một trong những người con tiêu biểu là bà Tấm - Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan. Hiện, cụm di tích đền thờ bà Tấm ở xã Dương Xá có tượng đôi sư tử đá và khán thờ sơn son thếp vàng được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia… Hay như chùa Keo (xã Kim Sơn) cũng được biết đến là ngôi chùa cổ của Hà Nội. Chùa hiện lưu giữ nhiều pho tượng quý hiếm, có giá trị, đặc biệt là tượng Pháp Vân (bà Keo). Chùa được xếp hạng là Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật năm 1993.

Còn làng gốm Bát Tràng không chỉ nổi bật với sắc màu văn hóa truyền thống, mà còn là địa điểm độc đáo thu hút khách du lịch. Bên cạnh làng nghề truyền thống, xã Bát Tràng hiện có 9 di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, 2 di tích cách mạng kháng chiến, 23 ngôi nhà cổ và 16 nhà thờ họ - là nơi lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống của Bát Tràng xưa.

Năm 2019, UBND thành phố Hà Nội đã có quyết định công nhận Bát Tràng là Điểm du lịch của Thủ đô; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận “Nghề truyền thống gốm làng Bát Tràng, xã Bát Tràng là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”. Chủ tịch UBND xã Bát Tràng Phạm Huy Khôi cho biết, với nhiều công trình tín ngưỡng cùng sản phẩm gốm chất lượng cao, ngôi làng đã trở thành một địa điểm du lịch trải nghiệm thú vị.

gia-lam-4.jpeg
Làng quê Dương Xá hôm nay vẫn bảo lưu được nhiều công trình kiến trúc cổ.

Theo Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Gia Lâm Phùng Thị Hoài Hương, Gia Lâm là mảnh đất có bề dày lịch sử, văn hóa với 320 di tích (74 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 89 di tích cấp thành phố). Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có 100 lễ hội, trong đó, Lễ hội đền Gióng đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Cùng với những di sản vật thể, Gia Lâm là quê hương của hai trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam là Đức Thánh Gióng và Chử Đồng Tử; quê hương của nhiều danh nhân lịch sử, văn hóa Việt Nam, như: Hoàng Thái hậu Ỷ Lan, Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân, Cao Bá Quát, Lưỡng Quốc tướng quân Nguyễn Sơn…

Phát huy giá trị lịch sử, văn hóa

88e03cba74f9a0a7f9e8.jpg
Một công trình kiến trúc cổ ở đình làng thôn Vàng, xã Cổ Bi (huyện Gia Lâm) được bảo tồn.

Ông Nguyễn Doãn Thâu, hơn 80 tuổi, người thôn Vàng, xã Cổ Bi là người am hiểu về lịch sử, văn hóa của địa phương cho biết, trong lịch sử, Cổ Bi từng là nơi đóng đại bản doanh của quân đội các triều đại: Hai Bà Trưng, nhà Tiền Lý, nhà Ngô, nhà Trần, nhà Lê. Đây là vùng đất chúa Trịnh Cương cho xây hành cung đặt tên là phủ Kim Thành, định cho dời đô về đây.

Hiện tại, chính quyền và nhân dân địa phương vẫn bảo lưu ngôi đình cổ thờ Dương Võ Đại Vương - một vị thần tướng thời Hùng Vương đã hiển linh và phù trợ Hai Bà Trưng khi đại quân qua đây. Tòa đại đình 5 gian 2 dĩ, bảo lưu được nhiều cổ vật làm bằng chất liệu khác nhau. Năm 1995, đình và chùa thôn Vàng đã được Nhà nước xếp hạng là Di tích kiến trúc, nghệ thuật quốc gia.

Tại xã Phù Đổng, từ tài nguyên về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, xã đã khai thác lợi thế gắn với phát triển du lịch sinh thái. Đến Phù Đổng hôm nay, du khách không những được tham quan các di sản vật thể, phi vật thể, mà còn được biết tới làng nghề trồng hoa giấy và thưởng thức các món ăn dân dã đậm chất quê, như: Cơm cà Thánh Gióng, bánh đúc, bánh tro, giò nghé… Đặc biệt, du khách có thể mua sản phẩm sữa Phù Đổng về làm quà.

gia-lam-3.jpeg
Dù tốc độ đô thị hóa nhanh, chuẩn bị trở thành quận, song huyện Gia Lâm vẫn khuyến khích, động viên nhân dân giữ lại cảnh quan, cổng làng cổ với cây đa, giếng nước, sân đình - nét văn hóa truyền thống ở mỗi làng quê.

Theo Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền, giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống, thời gian qua, huyện Gia Lâm đã tập trung tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử trên địa bàn bị xuống cấp, với tổng mức đầu tư hơn 600 tỷ đồng; thực hiện số hóa các hiện vật, văn tự trong di tích, các tư liệu Hán - Nôm, lễ hội... đưa vào kho dữ liệu để lưu trữ. Đồng thời, khai thác các di sản trong phát triển kinh tế du lịch tại các điểm di tích văn hóa, lịch sử đã được Nhà nước công nhận. Gia Lâm cũng đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào bảo tồn các giá trị văn hóa, số hóa các di sản bằng mã QR, gắn tại điểm du lịch.

Huyện Gia Lâm cũng đã xây dựng được app “Du lịch Gia Lâm”. Tại đây, có đầy đủ các thông tin giới thiệu, tuyên truyền về các di tích trọng điểm trên địa bàn huyện, sử dụng phần giới thiệu về di tích bằng tiếng Việt, tiếng Anh và có thuyết minh tự động, trải nghiệm thực tế ảo... Nhờ đó, du khách chỉ cần quét mã QR là sẽ có những thông tin cơ bản về di tích cần tìm hiểu.

Mới đây, huyện cũng đã biên soạn và xuất bản cuốn sách “Gia Lâm - những nhân vật lịch sử tiêu biểu” - tập 1. Cuốn sách nói về các nhân vật lịch sử theo địa bàn từng xã. Trong đó điển hình là Đức thánh Gióng, Đức thánh Chử Đồng Tử, Hoàng Thái hậu Ỷ Lan, Tể tướng Nguyễn Mậu Tài, Tể tướng Nguyễn Huy Nhuận, thánh thơ Cao Bá Quát... Cuốn sách phát hành đã được bạn đọc là cán bộ, đảng viên, nhân dân trên địa bàn huyện hào hứng đón đọc, đây cũng là hình thức góp phần giáo dục truyền thống văn hóa tới cộng đồng.

Cùng với đẩy mạnh đô thị hóa, huyện tích cực tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn kiến trúc cổ như cổng nhà cổ, cổng làng cổ. Mặc dù, những kiến trúc này không nằm trong danh sách di tích cổ cần được bảo vệ, giữ gìn, nhưng vẫn được huyện đưa vào quản lý, để khi địa phương, hộ gia đình có sửa chữa nhà, nâng cấp, cải tạo, mở rộng các tuyến đường thôn xóm, sẽ có những giải pháp cụ thể nhằm hạn chế việc phá bỏ cổng cổ, nỗ lực giữ lại cảnh quan, cổng làng cổ với cây đa, giếng nước, sân đình - nét văn hóa truyền thống ở mỗi làng quê và để người dân quen với nếp sống đô thị văn minh, nếp sống phường, quận, nhưng vẫn giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gia Lâm: Văn hóa là động lực cho sự phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.