Kể từ ngày 1-7, mô hình chính quyền địa phương hai cấp chính thức hoạt động. Để phục vụ người dân và đội ngũ cán bộ, công chức hoạt động sau sắp xếp lại đơn vị hành chính, các nhà cung cấp công nghệ đã đưa ra những ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đem lại nhiều giá trị hiệu quả, kịp thời.
Trợ lý AI trả lời về đơn vị hành chính mới
Chị Nguyễn Thị Oanh hiện đang làm việc tại một công ty ở khu vực Mỹ Đình kể, sau sáp nhập, sắp xếp đơn vị địa giới hành chính cấp tỉnh, thành phố và xã, phường, thông tin rất nhiều, chị thường xuyên sử dụng công cụ tra cứu qua trợ lý AI tìm hiểu về địa giới hành chính mới.
Theo chị Oanh, có thể truy cập trang web (qua máy tính, điện thoại hoặc máy tính bảng) tại địa chỉ https://tracuuphuongxa.trolyao.org/. Sau đó, bấm vào ô hội thoại rồi đặt câu hỏi, chẳng hạn “Tổ dân phố số 13, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm nay thuộc đơn vị hành chính nào?" ngay lập tức, trợ lý AI sẽ trả lời: “Căn cứ theo Nghị quyết số 1656/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của thành phố Hà Nội năm 2025, tổ dân phố số 13, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, sau sáp nhập là phường Từ Liêm, thành phố Hà Nội”. Tương tự có thể hỏi địa giới hành chính của bất kỳ đơn vị, địa phương nào.
“Do tính chất công việc, nên tôi thường xuyên sử dụng ứng dụng này và thấy vô cùng tiện lợi, chính xác tuyệt đối. Mọi người có thể hỏi thông tin nhiều hơn nữa", chị Oanh chia sẻ.
Ứng dụng kể trên là trợ lý AI sử dụng qua web tra cứu mọi thông tin về đơn vị hành chính mới cho toàn dân được Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) nghiên cứu phát triển và cung cấp hoàn toàn miễn phí. Tại đây, các thông tin đơn vị hành chính mới gồm 34 tỉnh, thành phố và 3.321 xã, phường, đặc khu sẽ được tra cứu nhanh chóng, chính xác.
Theo đại diện Viettel, trợ lý AI được xây dựng trên nền tảng mô hình ngôn ngữ tiếng Việt do Viettel phát triển, thiết kế mô hình và lấy dữ liệu huấn luyện từ các văn bản chính thống nên mang lại độ chính xác cao khi tra cứu các thông tin mới về tổ chức đơn vị hành chính.
Một ứng dụng nữa vừa được Hiệp hội Dữ liệu quốc gia giới thiệu là nền tảng trợ lý ảo Rabbi, giúp người dân trao đổi với các bộ, ngành, địa phương. Trợ lý ảo Rabbi đang được triển khai tại Trung tâm Dữ liệu quốc gia, bước đầu trả lời người dân về các quy định liên quan đến dữ liệu, Đề án 06, công nghệ số, chuyển đổi số của Việt Nam và kinh nghiệm chuyển đổi số của một số nước trên thế giới. Rabbi cũng sẽ mở rộng dần tri thức cung cấp các thông tin về dịch vụ công, tội phạm mạng, quy trình và thủ tục mua sắm, đầu tư công, văn hóa, du lịch và nhiều lĩnh vực khác…
Cũng theo các nhà cung cấp, việc sáp nhập, sắp xếp đơn vị hành chính mặc dù đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhưng vẫn có thể có những khó khăn trong tra cứu thông tin. Do vậy, các sản phẩm trí tuệ nhân tạo được đưa vào sử dụng ngay sau khi sắp xếp lại các đơn vị hành chính thể hiện cam kết đóng góp cho công cuộc chuyển đổi của đất nước, hướng tới một nền hành chính công minh bạch, hiệu quả.
Trợ lý ảo giúp cán bộ, công chức tra cứu nhiệm vụ
Cùng với quá trình tinh gọn bộ máy đang diễn ra, có một thực tế là khối lượng công việc tại các bộ ngành, địa phương ngày càng lớn, do diện quản lý mở rộng. Thêm nữa, khi mô hình chính quyền địa phương 2 cấp chính thức hoạt động, có khoảng 1,5 triệu cán bộ, công chức cấp xã, phường, tỉnh, thành phố trên cả nước bước vào giai đoạn làm việc mới cùng nhiều quy định mới. Kéo theo đó là nhu cầu phải tra cứu thông tin, bảo đảm công việc triển khai nhanh chóng, kịp thời…
Trước các thực tế này, bên cạnh hỗ trợ người dân, các ứng dụng trợ lý ảo đóng vai trò quan trọng hỗ trợ đội ngũ cán bộ, công chức.
Trợ lý ảo cán bộ, công chức do Viettel AI thuộc Tập đoàn Viettel nghiên cứu phát triển đã hỗ trợ giải đáp thắc mắc về phân quyền, phân cấp và phân định thẩm quyền giữa Chính phủ và chính quyền địa phương 2 cấp. Dựa trên dữ liệu đã được chuẩn hóa từ 28 nghị định bao phủ 19 lĩnh vực, trợ lý ảo cán bộ, công chức có thể hỗ trợ tra cứu 2.700 nhiệm vụ. Người dùng chỉ cần gõ một câu hỏi (trên máy tính, điện thoại, máy tính bảng 24/24 giờ), hệ thống sẽ cung cấp câu trả lời ngay lập tức.
Nói về sự khác biệt với công cụ tìm kiếm, đại diện Viettel AI nêu dẫn chứng, nếu người dùng tìm thông tin về việc cấp xã có nhiệm vụ gì trong việc quản lý tiêm chủng tại địa phương, sử dụng các công cụ tìm kiếm sẽ cho ra gần 2 triệu kết quả với nhiều nội dung khác nhau, không có câu trả lời rõ ràng và chính xác theo quy định pháp luật; nhưng với trợ lý ảo cán bộ, công chức, sẽ cung cấp câu trả lời đúng trọng tâm kèm theo dẫn chứng các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Còn theo Hiệp hội Dữ liệu quốc gia, trợ lý ảo Rabbi tích hợp với các hệ thống dữ liệu, do vậy, các trợ lý ảo của các bộ, ngành có thể kết nối vào nền tảng Rabbi, khi đó Rabbi có thể sử dụng lại các trợ lý ảo này để trả lời người dân. Nói cách khác, trợ lý ảo Rabbi là nơi lưu trữ tập trung toàn bộ tri thức của các trợ lý ảo (của bộ, ngành), là trợ lý ảo “một cửa” tự động điều hướng người dân đến đúng người, đúng chỗ.
Ngoài ứng dụng tại Trung tâm Dữ liệu quốc gia, trợ lý ảo Rabbi đã ứng dụng thực tế tại nhiều ngành, lĩnh vực như Bộ Thông tin và Truyền thông nay là Bộ Khoa học và Công nghệ; trợ lý ảo cho dịch vụ công, trợ lý ảo cho cấp sở, trợ lý ảo trong giáo dục, trợ lý ảo trong lĩnh vực văn hóa, du lịch.
Như vậy, không chỉ là một công cụ tra cứu, các trợ lý ảo đóng vai trò quan trọng là nền tảng mở cho hành chính điện tử, khởi đầu cho một hệ sinh thái công cụ số hóa nghiệp vụ hành chính, hướng tới xây dựng nền công vụ thông minh, minh bạch, hiệu quả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.