Các tỉnh miền núi và Đồng bằng Bắc Bộ cần theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo về mưa lớn, dông lốc, rét hại để thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền, người dân chủ động các biện pháp phòng tránh.
Từ ngày 9-12 Bắc Bộ xảy ra rét đậm, vùng núi có nơi rét hại. Ảnh: Minh Đức/TTXVN |
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định từ ngày 9-12 Bắc Bộ xảy ra rét đậm, vùng núi có nơi rét hại, nhiệt độ thấp nhất trong đợt rét đậm này ở đồng bằng Bắc Bộ phổ biến từ 11-14 độ C, vùng núi từ 9-11 độ C và có thể kéo dài 2-3 ngày. Từ ngày 7-12, trên khu vực Bắc Biển Đông gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 8, biển động mạnh.
Trước diễn biến của thời tiết, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Thừa Thiên - Huế theo dõi chặt chẽ diễn biến gió mạnh trên biển, thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện tàu, thuyền biết để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn cho người, tàu thuyền.
Các tỉnh miền núi và Đồng bằng Bắc Bộ theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo về mưa lớn, dông lốc, rét hại để thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền, người dân chủ động các biện pháp phòng tránh đảm bảo an toàn cho người, cây trồng, vật nuôi.
Mặt khác, triều cường trên sông Sài Gòn dự báo có thể đạt cao nhất vào ngày 8 và 9-12 ở mức báo động 3 từ 0,1-0,15 m; nguy cơ xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp thuộc khu vực TP Hồ Chí Minh (cấp độ rủi ro thiên tai ngập lụt do triều cường là cấp 3).
Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Hồ Chí Minh chỉ đạo triển khai thực hiện văn bản số 170 ngày 19-10 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai.
Trong đó, tập trung thực hiện việc theo dõi chặt chẽ diễn biến của triều cường, kịp thời thông tin đến các cấp chính quyền và người dân, nhất là vùng trũng, thấp ven sông, kênh rạch để chủ động các biện pháp phòng tránh; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng người dân, phòng chống điện giật, đuối nước…, tránh tình trạng chủ quan, nhất là khu vực đông dân cư bị ngập nước.
Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Hồ Chí Minh chỉ đạo việc chủ động gia cố các khu vực đê bao, bờ bao thấp, không đảm bảo an toàn; triển khai phương án phòng, chống ngập úng, vận hành các trạm bơm tiêu thoát nước đô thị; tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.