(HNM) - Những ngày qua, lời thú tội kinh hoàng của các nghi phạm thuộc băng đảng ma túy khét tiếng Guerreros Unidos về việc đã giết chết 43 sinh viên, sau đó đốt xác và rải xuống sông đã gây chấn động khắp Mexico cũng như cộng đồng quốc tế.
Cùng với đó, các cuộc biểu tình liên tiếp nhằm phản đối cách xử lý của Chính phủ đối với vụ thảm sát khiến tình hình trở nên căng thẳng tại quốc gia Trung Mỹ. Đến nay, dù đã điều tra việc các sinh viên bị những tay anh chị có liên hệ với cảnh sát giết hại và thiêu xác, nhưng Chính phủ Mexico vẫn chưa khẳng định cái chết của họ vì cho rằng thiếu chứng cứ xác đáng.
Hàng nghìn người biểu tình ở thủ đô Mexico City phản đối vụ 43 sinh viên mất tích. |
Ngày 12-11, khoảng 500 thành viên của Liên đoàn Giáo viên và sinh viên Guerrero đã xông vào tòa nhà nghị viện bang này, đốt phòng họp của các nghị sĩ và thư viện, và phá hủy 5 xe ô tô đỗ gần tòa nhà.
Trước đó, một số người biểu tình cũng đã phóng hỏa trụ sở của đảng Cách mạng Thể chế (PRI) cầm quyền và văn phòng kiểm toán của Bộ Giáo dục ở thủ phủ Chilpancingo, đồng thời bắt giữ ông Juan Jose Gatica, một quan chức phụ trách an ninh công cộng của bang. Sân bay Acapulco thì bị người biểu tình phong tỏa trong nhiều giờ. Bạo lực đã liên tiếp bùng phát ở bang Guerrero, thủ đô Mexico City, bang Morelos và bang Michoacan sau khi Tổng Công tố liên bang Jesus Murillo Karam thông báo toàn bộ 43 giáo sinh mất tích đã bị sát hại và đốt xác vứt xuống sông.
Theo ông Karam, sau nhiều nỗ lực tìm kiếm, cảnh sát và các nhà điều tra liên bang đã phát hiện nhiều túi ni lông có chứa tro cốt bị vứt trên một con sông gần địa điểm xảy ra vụ bắt cóc. Kết quả xét nghiệm ADN tại Áo cho biết số tro cốt này là của các nạn nhân, song gia đình và bạn bè của các giáo sinh không chấp nhận kết quả và yêu cầu chính quyền liên bang phải làm rõ hơn về vụ việc. Cha mẹ các sinh viên tuyên bố họ chỉ tin con mình đã chết khi nhận được kết quả giám định ADN từ các chuyên gia pháp y Argentina.
Vụ việc đau lòng bắt đầu từ ngày 26-9. Các sinh viên bị mất tích đến từ một trường sư phạm ở Ayotzinapa, bang Guerrero. Họ tới thành phố Iguala cùng bang để biểu tình phản đối luật giáo dục mới và bị mất tích ở đây.
Theo các phương tiện truyền thông, những người này đã bị cảnh sát Iguala và các thành viên một băng đảng ma túy địa phương bắt cóc và sát hại. Ngoài ra còn 6 sinh viên khác thiệt mạng trong vụ tấn công. Vụ việc đã châm ngòi cho làn sóng phản đối lan rộng tại nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt tại bang Guerrero và đã khiến Thống đốc Angel Aguirre phải từ chức hồi tháng trước. Chính quyền bang Guerrero và bang Michoacan ở Tây nam Mexico đã nhiều lần yêu cầu cảnh sát liên bang can thiệp do tình hình bạo lực bùng phát vượt ra ngoài tầm kiểm soát của lực lượng địa phương.
Hơn 1.200 nhân viên an ninh và cảnh sát liên bang đã được cử đến thành phố Iguala để tiến hành điều tra độc lập. Nhà chức trách Mexico đã bắt giữ 74 nghi phạm, trong đó có 36 nhân viên cảnh sát và cả vợ chồng cựu Thị trưởng Iguala, ông Jose Luis Abarca - người bị tình nghi đã ra lệnh cho cảnh sát bắt giữ nhóm sinh viên nói trên sau đó giao cho các băng đảng ma túy. Trong quá trình điều tra, nhà chức trách đã phát hiện sự câu kết giữa băng đảng tội phạm Guerreros Unidos với các quan chức địa phương ở Iguala. Ngày 7-11, các nghi phạm thuộc bang đảng Guerreros Unidos bị bắt thú nhận chúng đã giết hại 43 sinh viên, sau đó đốt thi thể họ và đem tro cốt rải xuống sông. Lời thú nhận này đã gây chấn động trên khắp đất nước Mexico mặc dù trước đó nhiều người đã nghĩ đến khả năng các sinh viên đã bị giết hại.
Trước các cuộc biểu tình nhuốm màu sắc bạo lực ở trung tâm thủ đô Mexico để phản đối vụ thảm sát 43 sinh viên, Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto đã kêu gọi những người biểu tình bình tĩnh. Ông E.Nieto cam kết sẽ điều tra đến cùng vụ thảm sát và trừng phạt nghiêm khắc những kẻ liên quan. Đây được cho là cuộc điều tra tội phạm lớn nhất và phức tạp nhất trong lịch sử của Mexico, đồng thời cũng là cuộc khủng hoảng lớn nhất đối với chính quyền Tổng thống E.Nieto kể từ khi ông lên nắm quyền cách đây 2 năm với cam kết lập lại trật tự tại quốc gia Trung Mỹ, nơi có khoảng 80.000 người thiệt mạng trong các vụ bạo lực liên quan đến tội phạm có tổ chức từ năm 2006.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.