Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mẹo và cách xử trí khi bị ngộ độc rượu ngày Tết

Theo Báo Điện tử ĐCSVN| 28/01/2012 08:37

Ngày Tết trong lúc vui vẻ cụng ly cùng bạn bè, người thân, nhiều người rất dễ bị


Theo nhận định của các chuyên gia chống độc, năm nào cũng vậy, thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán, tỉ lệ bệnh nhân nhập viện do ngộ độc rượu thường gia tăng. Đặc biệt, nhiều bệnh nhân ngộ độc rượu đến nhập viện đã ở trong tình trạng hôn mê, với các biến chứng như khó thở, suy hô hấp, hạ đường huyết.

Các chuyên gia cảnh báo, trong những ngày đầu Xuân tới, số người bị ngộ độc rượu có thể sẽ tiếp tục tăng cao, do bắt đầu mùa lễ hội, các buổi liên hoan đầu năm. Theo tục lệ của người Việt Nam, khi đến nhà chúc Tết thường mỗi nhà chúc nhau 1 chén rượu. Bên cạnh đó là tâm lí muốn xả hơi những ngày cuối năm cũng khiến người ta thích được tụ tập, ăn uống. Đó chính là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngộ độc rượu gia tăng trong dịp trước vào sau Tết Nguyên đán.

Theo các bác sỹ, ngộ độc rượu xảy ra ở cả hai dạng: cấp tính và mãn tính. Trường hợp ngộ độc mãn tính sẽ gây bệnh hoảng loạn tinh thần do rượu. Người mắc bệnh này sẽ có những thay đổi lệch lạc trong nhân cách, hành vi, lời nói, cử chỉ, thậm chí bị hoang tưởng ảo giác, có hành động nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh. Ngộ độc rượu cấp tính khiến người uống bị mất thăng bằng, nôn, rơi vào trạng thái hôn mê, thậm chí tử vong. Với người bị bệnh xơ gan chỉ cần đưa vào cơ thể một lượng rượu nhỏ (300-500ml) cũng có thể dẫn tới ngộ độc cấp tính, tính mạng bị đe dọa. Cũng có trường hợp ngộ độc rượu nặng bị ngã trong lúc loạng choạng dẫn đến chấn thương sọ não.

Các bác sỹ cảnh báo, khi có người bị ngộ độc rượu, người nhà cần chú ý chăm sóc cho bệnh nhân, tuyệt đối không nên để bệnh nhân ngủ li bì suốt ngày hoặc suốt đêm bởi có thể hạ đường huyết, hạ nhiệt độ. Nhiều người khi say rượu nằm ngủ, dịch dạ dày nôn ra và bị hít vào phổi, gây sặc nguy hiểm, dễ dẫn tới tử vong. Vì vậy, cứ sau vài tiếng, người nhà nên gọi bệnh nhân dậy, cho ăn sữa hoặc cháo. Trường hợp bệnh nhân không thể dậy và ăn được thì nên đưa tới bệnh viện ngay để tránh xảy ra những tình huống đáng tiếc.

Theo kinh nghiệm của các chuyên gia chống độc, khi xuất hiện những dấu hiệu của việc say rượu, người nhà cần: Tìm cách để người uống nôn hết, sau đó xát mạnh hai bên má; Cho uống một cốc sữa nóng, trà đặc; Cởi khuy áo cổ, tháo thắt lưng và đặt nằm nơi thoáng mát (tránh gió lùa), tư thế nằm úp xuống giường, hai tay xuôi ra sau, mặt nghiêng về bên trái. Nếu có biểu hiện co giật, thở không đều, ngã chảy máu tai, mắt, loạn nhịp tim phải đưa đến bệnh viện cấp cứu ngay. Triệu chứng ngộ độc thường là ngủ say li bì, không biết gì.

Ðể phòng, tránh ngộ độc rượu, đặc biệt trong những ngày Tết, chỉ nên mua và sử dụng các loại rượu đóng chai có nguồn gốc, nhãn mác rõ ràng. Tuy nhiên không nên quá lạm dụng rượu bia trong những ngày lễ Tết, nhất là đối với người bệnh mắc các bệnh mạn tính như tim mạch, tiểu đường, huyết áp...

Chúng ta không thể phủ nhận những lợi ích của rượu đối với sức khoẻ. Tuy nhiên, nếu uống quá nhiều rượu sẽ đối mặt với các nguy cơ ngộ độc, mắc bệnh xơ gan, nhồi máu cơ tim, mất trí nhớ... Do vậy, để uống rượu có ích, an toàn, không nên uống quá 30ml/ngày đối với rượu mạnh và 700ml/ngày đối với bia../.

Theo các chuyên gia, người bị say cần uống nước liên tục và bổ sung các thực phẩm tự nhiên để tránh mất nước và thải độc càng nhanh càng tốt. Dưới đây là một số mẹo nhỏ hữu ích giúp người dân biết cách xử trí khi chữa trị cho người bị ngộ độc bia, rượu.

1. Nước Mía: Khi say rượu chỉ cần uống một cốc nước mía ép sẽ có tác dụng giải rượu nhanh chóng nhất.

2. Gừng tươi: Thái một củ gừng tươi khoảng 60 gram thành từng lát mỏng, sau đó đem sắc nước uống. Vị gừng nóng (có tác dụng chống say rượu, vì gừng làm cho các mạch máu lưu thông tốt hơn, từ đó hóa giải nhanh chất cồn trong cơ thể. Có thể cho thêm vào nước gừng nóng một thìa nhỏ mật ong để có thể hấp thụ nhanh và giúp giải say rượu.

3. Đậu đen: Khi ngộ độc rượu ta có thể uống nước sắc đậu đen để giải say. Ninh đậu đen cho nhừ rồi uống liên tục từng chén một sẽ có tác dụng giải ngộ độc rượu.

4. Đậu xanh: Đậu xanh hạt cũng giải được ngộ độc rượu bằng cách sau: Nghiền nát khoảng nửa lon đậu xanh hạt, sau đó hòa vào nước sôi để nguội rồi cho người ngộ độc rượu uống để nôn mọi chất trong dạ dày ra khỏi cơ thể. Sau đó có thể cho người ngộ độc ăn cháo gạo nấu với 30g cam thảo.

5. Rau muống: Uống nước ép rau muống cũng chữa được ngộ độc rượu. Rửa sạch 500g rau muống tươi (loại rau sạch) giã nát, vắt lấy nước uống nhiều lần trong ngày sẽ giải được ngộ độc và khỏi say rượu.

6. Cà chua: Cà chua cũng giải rượu. Uống rượu say bị nôn không chỉ gây mệt mỏi mà còn làm cho cơ thể mất đi một lượng lớn các nguyên tố cali , canxi, natri… Cách giải ngộ độc rượu đơn giản, dễ làm nhất là uống một cốc nước ép cà chua chín. Trong cà chua có nhiều nguyên tố nói trên sẽ kịp thời bổ sung cho cơ thể.

7. Nước bưởi: ăn bưởi hoặc uống nước bưởi ép cũng có tác dụng làm tỉnh rượu và giải ngộ độc rượu.

8. Chè xanh: Cho người say rượu uống một cốc chè xanh pha đặc cũng sẽ giải ngộ độc rượu rất tốt. Vì trong chè xanh có chất axít tanic khử được chất cồn trong rượu.

9. Cháo nóng nấu loãng (Hồ): Cho người say rượu uống một bát nước cháo nóng, nấu loãng sẽ hết say, vì chất cồn trong rượu gặp nước cháo loãng sẽ bị ngưng tụ lại làm cơ thể không hấp thụ được chất cồn nữa.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mẹo và cách xử trí khi bị ngộ độc rượu ngày Tết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.