Ngày 19-12-1972, một ngày hiếm hoi trong cả năm 1972, Báo in Hànộimới hằng ngày dùng măng séc đỏ. Bởi đó là ngày đăng tải tin tức của ngày 18-12-1972 - ngày đánh dấu đế quốc Mỹ mở chiến dịch Linebacker II tấn công miền Bắc bằng không lực. 12 ngày đêm sục sôi chiến đấu của quân, dân Thủ đô là 11 số Báo Hànộimới liên tục treo dòng khẩu hiệu “Hà Nội chiến đấu và chiến thắng” trên đầu các trang để truyền tải tinh thần cuộc chiến, cổ vũ, động viên nhân dân đi đến thắng lợi giòn giã. Hãy cùng chúng tôi ngược dòng về quá khứ qua những thông tin chân thực đong đầy cảm xúc truyền tải về cuộc chiến, cuộc sống của người dân trong những ngày bão lửa.

Bắt đầu từ 20h20 tối 18-12, giặc Mỹ ném bom nhiều đợt ban đêm xuống những khu đông dân nội, ngoại thành Hà Nội và nhiều địa phương khác trên miền Bắc.

Quân dân Hà Nội, Vĩnh Phú lập chiến công đầu giòn giã: Bắn tan xác 4 máy bay Mỹ, bắt sống một số giặc lái.

Đêm đánh giặc, ngày vui sản xuất, nhịp sống Thủ đô vẫn rộn ràng với “Chiến dịch 15.000 chiếc bếp dầu”, “Hợp tác xã Chiến thắng - thắng Mỹ trên đồng ruộng: Đạt 3 tấn thóc/héc ta trên đất bạc màu trong vụ mùa”…

Và khi tiếng súng còn vang, những lớp người con Hà Nội tiếp tục lên đường ra trận: “Họ đi nối tiếp truyền thống cha anh”. Những người ở lại bảo vệ Thủ đô bận rộn “ôn bài” nhận dạng máy bay Mỹ…

“Hai mươi giờ, đúng hai mươi giờ!
Giặc Mỹ Ních-xơn
Quăng bom! Quăng bom!
Khoét vào yên tĩnh ánh trăng hố sâu không cùng tội ác

Giấc mơ trẻ thơ vỡ nhòa trong tiếng khóc
Những người mẹ mặt đanh lại màu gấc chín
Chỉ riêng lời ru còn như lụa mịn màng”…

(Trích bài thơ “Hà Nội đêm diệt Mỹ” của tác giả Nguyễn Đỗ Lưu đăng trên Báo Hànộimới hằng ngày số ra ngày 21-12-1972)

Trong đêm 18 rạng ngày 19-12: Quân và dân miền Bắc bắn rơi 1 máy bay B-52 và 2 F-4, bắt sống giặc lái B-52. Tên giặc lái bị lực lượng tự vệ của Xí nghiệp Z (Thanh Trì) bắt sống tên là Phéc-năng-đơ A-lếch-xăng-đơ, mang số lính 454 - 36 - 3155FR, sinh tháng 3-1929, cấp bậc thiếu tá, hoa tiêu máy bay B-52.

Trưa 19-12, giặc Mỹ ném bom dã man vào khu phố Đống Đa, trong đó có Bệnh viện Bạch Mai, Trường Đại học Kinh tế kế hoạch, Xưởng thuốc thú y.

Bộ Ngoại giao ra Tuyên bố về việc đế quốc Mỹ xâm lược leo thang chiến tranh, đánh phá dã man Thủ đô Hà Nội và nhiều tỉnh ở miền Bắc nước ta. Chiều cùng ngày, Bộ tổ chức “Họp báo tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ”.

Tinh thần và ý chí chiến đấu của người dân dâng cao. Người dân, không phân biệt già - trẻ, gái - trai đều tham gia bảo vệ Tổ quốc: “Vào trận với khí thế cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”, “Kịp thời góp lửa tiêu diệt máy bay giặc Mỹ”, “Lực lượng bảo vệ an ninh lập công xuất sắc”, “Cán bộ y tế dũng cảm phục vụ chiến đấu”…

Hà Nội liên tục thắng lớn.

Đêm 19 rạng ngày 20-12, Mỹ tiếp tục đánh vào các khu đông dân cư nội, ngoại thành Hà Nội. Hồi 20h ngày 19-12, Hà Nội bắn rơi 1 máy bay B-52, tiếp đó, 23h cùng ngày, Hà Nội lại bắn rơi 1 chiếc B-52 nữa.

Tính đến ngày 20-12-1972: 4.091 máy bay Mỹ đã bị bắn rơi trên miền Bắc, trong đó, Hà Nội bắn rơi 333 chiếc (có 3 chiếc B-52)

Phóng viên Báo Hànộimới đã “Đến nơi chiếc máy bay B.52 tan xác” trên cánh đồng xã P, huyện Kim Anh (Vĩnh Phú), trực tiếp ghi lại câu chuyện của người dân bắt sống tên giặc lái chiếc máy bay của Không lực Hoa Kỳ có ký hiệu sản xuất số 058-201.

Nhưng bom Mỹ đã tàn phá Viện Tai - mũi - họng - Bệnh viện Bạch Mai. Hàng chục phòng bệnh bị sụt trần, Phòng khám đa khoa - nơi hằng ngày khám cho gần 200 người bệnh bị hư hại nặng vì một quả bom lớn nổ ngay trước cửa. Máy bay Mỹ cũng đã tàn phá nặng nề xã Mễ Trì của huyện Từ Liêm; hai xóm của Mễ Trì Thượng không còn một nóc nhà nguyên vẹn, có gia đình không còn sót một người…

Đêm 20 và rạng sáng 21-12: Hà Nội chiến đấu rất quyết liệt, chiến thắng rất xuất sắc: Bắn rơi 5 máy bay B-52, trong đó có chiếc thứ 4.100; bắt sống nhiều giặc lái. Bộ Tổng Tư lệnh gửi điện khen quân và dân Hà Nội và một số tỉnh.

Chính phủ ra tuyên bố về bước leo thang chiến tranh mới của chính quyền Nixon trên miền Bắc Việt Nam. Thế giới phản đối mạnh mẽ chính quyền Mỹ ném bom bắn phá trở lại khắp lãnh thổ nước ta.

Thông tin về những chiếc máy bay B-52 bị bắn rơi tiếp thêm mạch nguồn tin tưởng vào cuộc chiến cho quân dân Thủ đô, với Phân đội 57 bộ đội tên lửa bảo vệ Thủ đô quật nát “pháo đài bay” B-52; “Pháo đài bay” bị “rồng lửa Thăng Long” bắn tan xác pháo, rơi giữa ruộng rau thôn Yên Thường, xã Yên Thường, huyện Gia Lâm…

Hà Nội liên tục chiến đấu và thắng lớn.

Đêm 21 rạng ngày 22-12, Mỹ tiếp tục dùng B-52 đánh phá nội, ngoại thành và tàn phá nặng nề Bệnh viện Bạch Mai, những hố bom mới chồng lên hố bom cũ.

Rạng sáng 22-12, 3 máy bay B-52, 1 F-111 bị bắn rơi tại chỗ, nhiều giặc lái bị bắt sống. Bộ Tổng tư lệnh đã gửi Điện khen quân và dân Thủ đô Hà Nội.

Chiến công ấy có sự góp phần của những người Hà Nội bình dị mà kiên cường trong chiến đấu, trách nhiệm trong công tác dưới bom đạn Mỹ: Đó là những cán bộ tổ dân phố trong “Lại một lần thử thách”, là những thanh niên ở tổ bán hàng của cửa hàng thực phẩm chợ Hôm “Keo đầu đã thắng”, là “Mười tấn hàng an toàn” được cán bộ, nhân viên quầy hàng ăn Bạch Mai bảo vệ khi bom Mỹ nổ ngay cạnh nhà; là hơn 1.500 già trẻ, gái trai làng Xuân Dục (xã Yên Thường, Gia Lâm) vẫn bám ruộng, bám làng trong đạn bom rung chuyển nhà cửa…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tuyên dương công trạng quân và dân miền Bắc. Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm bộ đội tên lửa và nhân dân Hà Nội.

Tự vệ Hà Nội lập chiến công mới tối 22-12, bắn rơi tại chỗ 1 máy bay F-111.

Thanh niên Thủ đô tổ chức mít tinh chiều 22-12, nêu cao quyết tâm chiến đấu đến thắng lợi và biểu dương những tấm gương thanh niên kiên cường thắng Mỹ xuất sắc trong mấy ngày qua, như Trịnh Văn Lảu - Phó Bí thư chi đoàn lớp 4A1 Trường Đại học Dược, Nguyễn Đăng Đạt - đoàn viên chi đoàn cảnh sát cầu phà, Chu Văn Lợi - Bí thư chi đoàn Lô Khê…

Khí thế chiến đấu sục sôi - chiến thắng vang giòn qua câu chuyện về “Những tay súng công nhân quật ngã “cánh cụp cánh xòe””, đội xe 13 “Vượt qua bom đạn”, “Đôi cánh người Hà Nội” với chiến sĩ phi công Nguyễn Nguyễn Phi, cựu học sinh Trường Chu Văn An…

Hà Nội bắn rơi 1 máy bay phản lực Mỹ trong ngày 24-12. Tính đến 24-12, miền Bắc đã bắn rơi 4.131 máy bay Mỹ, trong đó Hà Nội bắn rơi 344 chiếc.

Hà Nội những ngày này, vẫn đúng giờ như thường lệ, mỗi sáng sớm có xe tưới nước rì rì lăn bánh; quán bán hoa xinh bên Hồ Gươm vẫn ngan ngát hoa thơm; triển lãm “Một số hình ảnh Việt Nam chiến thắng” được trưng bày ở đường phố thu hút người người qua đường xem…

Hà Nội ghi dấu một mùa Nô-en với nhiều nhà thờ xứ họ bị bom Mỹ tàn phá. Nhưng vào lễ Nô-en, Nhà thờ Lớn, Nhà thờ Hàm Long và các nhà thờ nội, ngoại thành đều được trang hoàng lộng lẫy, che chắn ánh sáng và sửa sang hầm hố để đón đồng bào. Và đêm Thiên chúa Giáng sinh, Nhà thờ Lớn vẫn sáng đèn, âm thầm tiếng cầu kinh…

Giặc Mỹ ném bom B-52 vào nhiều đường phố đông dân ở nội thành: Phố Khâm Thiên, đường Trần Nhân Tông, bến xe Kim Liên, phố Trương Định và nhiều khu vực ở Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì.

22h đêm 26-12, Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Thái thắng oanh liệt: Bắn rơi 8 máy bay B-52; nhiều chiếc rơi tại chỗ, nhiều giặc lái bị bắt.

“Qua mỗi lần thử thách, người Hà-nội thêm dạn dày tôi luyện. Trong chiến đấu, những sự hy sinh, mất mát là điều không thể tránh khỏi. Song người Hà-nội vô cùng tự hào về những chiến công oanh liệt vừa qua, càng thêm tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng, sẵn sàng chấp nhận những thử thách lớn hơn nữa…” - Trích xã luận “Khí phách thủ đô” đăng trên số cùng ngày.

Và khí phách Thủ đô ấy còn được thể hiện qua tinh thần lao động hăng say của những người công nhân Xí nghiệp cơ khí Trần Phú - “Những “tay búa, tay súng” kiên cường”; những người dân “Dục Tú vẫn chắc tay cày”; những cán bộ, công nhân khu ga dũng cảm cứu hàng…

Hà Nội và bộ đội không quân bắn rơi 7 máy bay Mỹ ngày 27-12. Chiếc B-52 đã bị thiêu cháy trên bầu trời Thủ đô dưới tay các chiến sĩ Phân đội 6 bộ đội tên lửa.

Tiếng hát “Đường ta ta cứ đi” vẫn vút cao giữa xưởng thợ Hợp tác xã kim khí Hà Thành trong tiếng bom rền thành phố; các đảng viên Mễ Trì trong những trận đánh phá B-52 của Mỹ luôn có mặt ngay trên vị trí chiến đấu; ngành giao thông vận tải vẫn đảm bảo giao thông thông suốt, tăng nhanh năng lực vận tải, phục vụ tốt nhân dân sơ tán…

Cuộc “Gặp sáu người Hà-nội” (3 bà hàng xén, hàng rau có con đi đánh Mỹ, 2 bé trai tầm 7 và 11 tuổi có bố trực bệnh viện, mẹ đi xa chưa về và 1 thày thuốc ngoại khoa) của phóng viên Báo Hànộimới cho thấy “người Hà Nội đánh Mỹ, rất bình thường, vô số, mà lại rất nhớ, rất phục, rất kính, rất mộc mạc mà cao đẹp, lộng lẫy”…

Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng thưởng huân chương cho 24 đơn vị bộ đội và tự vệ có thành tích xuất sắc trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu bắn máy bay Mỹ trong đợt từ ngày 18 đến 26-12-1972, trong đó, Bộ đội phòng không Hà Nội được Huân chương quân công hạng Nhất.

Không khí chiến thắng vang giòn qua những câu chuyện: “Hoa chiến công”, “Chớp thời cơ diệt F.111”, “Những tay súng tự vệ hạ “cánh cụp cánh xòe””…

Thi đua với các chiến sĩ trên chiến trường, Xí nghiệp đúc Mai Lâm hoàn thành kế hoạch 1972 trước 11 ngày; công nhân Phân xưởng 2, Nhà máy hóa chất Đ. tích cực tăng năng suất; cửa hàng gạo An Dương chỉ 6 tiếng sau khi bị đánh bom khiến 2 mậu dịch viên thương vong đã khai trương trở lại phục vụ nhân dân…

“Thành phố bị đánh phá ác liệt ngày đêm, nhưng giao thông vận tải vẫn thông suốt. Các chuyến xe điện hàng ngày vẫn leng keng đi các ngả. Hà-nội chúng ta bất cứ lúc nào cũng vững vàng trước bom đạn của quân thù. Hà-nội chúng ta càng biểu lộ sức sống mãnh liệt của mình trong lửa đạn…” - Trích nội dung chùm ảnh “Hà-nội, trước bom đạn quân thù…”.

Ngày 29-12, Bộ Ngoại giao ra tuyên bố về bước leo thang chiến tranh của Mỹ nhằm hủy diệt các trung tâm dân cư ở miền Bắc nước ta.

Trong 11 ngày đêm, quân dân miền Bắc đã bắn rơi 77 máy bay hiện đại Mỹ, trong đó, có 33 B-52, 5 F-111; tiêu diệt và bắt sống hàng trăm giặc lái Mỹ. Trong đó, quân và dân Hà Nội đã đánh thắng giòn giã, lập chiến công rất xuất sắc, dẫn đầu về thành tích bắn rơi tại chỗ nhiều máy bay Mỹ và nhiều máy bay B-52 nhất.

Số báo này dành rất nhiều bài viết để đặc biệt vinh danh và biết ơn những “chiến sĩ áo trắng” trong cuộc chiến: Đó là “Người y tá tận tụy” tên Soài; Bệnh viện Xanh Pôn “Sẵn sàng vào trận”; “Cán bộ y tế, hội viên chữ thập đỏ tận tâm cứu chữa người bị nạn”, “Những cán bộ y tế dũng cảm”…

Ngày 30-12, Hà Nội tưng bừng tổ chức mừng công đợt đầu chiến thắng vang dội non sông. 7 đơn vị được tặng lẵng hoa và 108 đơn vị được tặng bằng khen của Ủy ban hành chính thành phố.

Niềm vui chiến thắng tưng bừng khắp mặt báo: “Chiến thắng oanh liệt của quân và dân thủ đô Hà-nội đối với không quân Mỹ ghi thêm trang chói lọi vào lịch sử dân tộc Việt-nam anh hùng”, “Đêm chiến thắng”, “Tinh thần Hà-nội”, “Nêu cao khí phách…”…

Trong niềm vui chiến thắng, Hà Nội không quên những chiến sĩ, những người dân vô tội đã ngã xuống. Đó là “Nhớ chị” - nữ dược sĩ Trần Kim Tuyến và các đồng nghiệp bị bom Mỹ giết hại tại Bệnh viện Bạch Mai; là “Thư gửi Huế: Thủ đô đêm nay không ngủ” gợi nhắc về hàng trăm người dân phố Khâm Thiên, khu An Dương chết và bị thương trong những đợt B-52 ném bom rải thảm…

“Hà-nội - Thăng-long có sức lửa của Rồng
Sức mạnh bốn nghìn năm vào trận hiệp đồng
Rạng rỡ bình minh, giặc tìm đường cút vội

Một sức sống không thể nào ngăn nổi
Lại hiền lành và thân thuộc như xưa
Sóng êm đi, cho xanh biếc mặt hồ
Và tiếng khóc chào đời cũng là tiếng hát
Trong khúc hát: Đêm qua thắng giặc!

Xe điện leng keng dọc khắp nội thành
Lá cây reo cười vẫn duyên dáng màu xanh”…

Trích bài thơ “Đêm chiến thắng” - tác giả Lê Anh Tuấn, đăng trên Báo Hànộimới số ra ngày 31-12-1972.

Back To Top