Hồi còi báo động dài vang lên gấp gáp giữa đêm khi phát hiện máy bay địch trên bầu trời tiến về Thủ đô. Nhanh như chớp, anh Lê Ngọc Thành bế vội đứa con gái bé bỏng chưa tròn 30 giờ sinh, cùng vợ và mẹ già chạy ra hầm tập thể ở đầu ngõ Hồ Dài gần nhà. Căn hầm có hơn chục người cùng trú. Ủ chặt con gái mới sinh trong lồng ngực, bên tai anh Thành chỉ còn là tiếng “ì...ì.." rất nặng. Rồi đất dưới chân đùn lên, rung chuyển... Anh mở mắt, nhìn thấy miệng hầm đang bị ép dần lại, biến dạng. Theo bản năng, một tay ôm con gái, tay kia anh kéo vợ lao ra khỏi hầm, vừa kịp thoát...

Khoảng 22h30 ngày 26-12-1972, máy bay B-52 của Mỹ đã ném bom rải thảm xuống khu phố lao động Khâm Thiên. Đêm định mệnh ấy khiến Khâm Thiên nhuốm màu tang. Nhà cửa đổ nát, bị san phẳng. Nhiều người vĩnh viễn chia lìa người thân chỉ trong khoảnh khắc... Kể từ đó, ngày 26-12 hằng năm trở thành ngày giỗ chung của hàng trăm gia đình có người thân chết trong trận bom tàn ác đó.


Trong trí nhớ của ông Lê Ngọc Thành, trước đêm ấy, gia đình ông đang rất hạnh phúc, phấn khởi khi đón chào thành viên mới. Chiều Giáng sinh 25-12-1972, bà Quy - vợ ông - chuyển dạ. Gia đình vội vã đưa bà vào trạm y tế gần nhà. Rất nhanh, bà Quy sinh một bé gái khỏe mạnh, nặng 3,2kg trong niềm vui mừng khôn xiết. Ông Lê Ngọc Thành lúc đó đang đi học pháo binh, nghe tin vợ sinh vội thu xếp trở về. Tối đó, cả đại gia đình đoàn tụ, quây quần trong căn nhà nhỏ, nghĩ đến cái Tết hoan hỉ sắp đến. Hạnh phúc vừa mới nhen thì đêm hôm sau, Mỹ trút bom B-52, gia đình ông mất cùng lúc 5 người, cũng là 5 lao động chính trong nhà, 4 đứa trẻ bỗng chốc mồ côi cả cha lẫn mẹ...

Ông Thành kể, ngay khi nghe tiếng còi báo động, như mọi lần, gia đình 3 thế hệ vội vàng chạy xuống hầm trú ẩn. Ông Thành bế cô con gái còn đỏ hỏn trong lòng cùng người vợ mới ở cữ được 1 ngày trú ẩn ở hầm công cộng. Mẹ ông trú cùng hầm, ngồi ở đầu dãy đối diện. Còn bà Lê Ngọc Đức (em gái ông), khi ấy mới 17 tuổi, là công nhân Xí nghiệp may Thăng Long, cùng vợ chồng người chị gái, anh trai và cậu em út trú trong hầm chữ A trước thềm nhà.

Ngay khi đưa vợ con ra khỏi hầm, ông Thành quay lại để cứu mẹ. Bằng tốc lực nhanh nhất có thể, hai tay ông cào vội lớp đất đá đổ đầy mặt hầm, nhưng khi chạm đến lớp bê tông, nước mắt ông cứ thế tuôn rơi, miệng chỉ còn biết gào gọi mẹ trong tuyệt vọng.

“Nắp hầm làm bằng bê tông giằng sắt bị hơi bom ép cong lên, khóa chặt lại, không sao có thể mở được. Mẹ tôi vẫn còn ở trong, mà tôi không thể làm gì...", ông Lê Ngọc Thành nghẹn ngào nhớ lại, đôi mắt của người đàn ông đã ở tuổi thất thập trải qua bao đau thương lại đỏ ngầu...

Bà Đức ngồi ở cuối hầm, được các anh chị em phía trước che chắn nên có lẽ vì thế mà bà may mắn sống sót. “Tôi chỉ kịp cảm nhận đất dưới chân rung chuyển, đùn lên, bó cứng hai chân. rồi ngất đi, không còn biết gì nữa, cho đến sáng hôm sau, mở mắt thấy mình đã nằm trong bệnh viện. Toàn bộ nửa người dưới của tôi không thể cử động”, bà Đức kể.

Theo như người thân trong gia đình bà Đức, bà được cứu trong tư thế bị chôn nửa người, đầu kẹp vào hai chân. Đó là lý do mà một thời gian dài, bà gần như không thể đi lại. Sau 3 tháng ròng rã nằm viện điều trị không có kết quả, bố bà đã quyết định đưa bà về nhà, liên tục cả năm trời chở bà đi chữa ở một thầy lang bên Vĩnh Phúc. Từ đó, bà dần đi lại được. Nhưng đến giờ, hễ cứ trái gió trở trời, các cơn đau từ trong xương, khớp lại trỗi dậy...

Không chỉ gia đình ông Thành, ký ức 50 năm về trước vẫn là mảng buồn với nhiều người dân khu phố Khâm Thiên.

Cách ngõ Hồ Dài một đoạn, ở phía đối diện, ông Vũ Xuân Huy năm nay tròn 70 tuổi, mái tóc đã bạc trắng, sống cùng gia đình trong ngõ Trung Tả. Bao thế hệ đã sinh ra và trưởng thành ở con phố này, gia đình ông Huy gần như không rời phố Khâm Thiên, kể cả sau trận bom ác liệt năm 1972.

Vài giờ trước khi Mỹ trút bom xuống Khâm Thiên, ông vẫn cùng bạn ung dung uống cà phê ở cửa hàng mậu dịch giữa phố. “Vừa về đến cửa nhà, nghe tiếng báo động, tôi chạy đến cửa hầm thì... uỳnh! Bom rơi trúng bốt Việt Hương (số nhà 201 phố Khâm Thiên). Tôi chui vội xuống hầm, nghe tiếng đất cát văng ràn rạt", ông Huy nhớ lại.

Khi bom ngớt, người bạn ở số nhà 205 hốt hoảng chạy qua, nhờ ông và mọi người sang giúp cứu người thân bị chôn vùi vì nhà sập hết. Đêm đó, trời rất tối, điện không có, công tác cứu hộ vô cùng khó khăn, ông chỉ có thể cùng các thành viên trong đội Thanh niên cờ đỏ bới được xác cụ ông cao tuổi nhất nhà, đưa đến trạm y tế của khối phố. Đêm đó, gia đình ấy cũng có 5 người chết, bao gồm 2 thai phụ, và phải đến hôm sau, trời sáng rõ hơn, lực lượng cứu hộ mới có thể tìm được hết các nạn nhân.

Còn trong tâm thức của cựu pháo thủ Nguyễn Trọng Vinh, trong 12 ngày đêm chống phá máy bay B-52 của Mỹ đánh vào Hà Nội, ông đang tham gia chiến đấu cùng đơn vị D78, E257, F361 tên lửa Phòng không Hà Nội tại trận địa ở thị trấn Văn Điển (Thường Tín, Hà Nội). Vào đúng đêm 26-12-1972, ông không ở nhà, người vợ lúc đó mới sinh con được ít hôm. “Biết tin Mỹ đánh bom vào Khâm Thiên, lòng cồn cào như lửa đốt, tôi xin cấp trên cho về để xem việc gia đình. Như rất nhiều nhà ở ngõ Chiến Thắng, nhà tôi bị tốc hết mái, gạch ngói vương vãi. Về nhà, không còn thấy ai... Tôi chỉ mong vợ con đã sơ tán an toàn. Thời gian lúc đó gấp gáp, là quân nhân, tôi lại nhanh chóng trở về trận địa, tiếp tục chiến đấu cùng đồng đội”, ông Vinh kể.

Năm đó, Khâm Thiên đón một cái Tết thật buồn. Nhiều gia đình như nhà ông Thành, bà Đức, gia đình bà Ba Lợi, vợ chồng bà Lễ, ông Lộc... phải mất nhiều năm sau mới có thể dần nguôi ngoai nỗi đau mất người thân.

Vết thương sau lần chết hụt trong đêm 26-12-1972, khiến sức khỏe của bà Lê Ngọc Đức rất yếu. Bà không lập gia đình mà ở vậy, trở thành mẹ của những đứa cháu mồ côi. Vợ chồng chị gái mất trong đêm định mệnh đó, để lại 4 đứa con: 1 đứa 7 tuổi, 1 đứa 5 tuổi, 2 đứa sinh đôi mới lên 3... Những đứa trẻ côi cút chỉ biết bấu víu vào ông ngoại, các bác, dì. Chúng trở nên ít nói, sống khép kín.

Ngay khi có thể đi lại được, bà Đức trở lại Xí nghiệp may Thăng Long xin được đi làm trở lại. “Lực lượng lao động chính trong nhà mất cả rồi, những người ở lại chỉ biết gắng gượng để sống tiếp. Không hiểu sức mạnh nào giúp chúng tôi vượt qua được nỗi mất mát lớn cả về tinh thần và vật chất lúc đó. Cả xã hội lúc đó khó khăn, nhưng mọi người đều sẻ chia, nương vào nhau cùng cố gắng sống tiếp”, bà Lê Ngọc Đức kể.

Ngôi nhà trúng bom, bị san phẳng. Bố bà Đức được Nhà máy in Tiến Bộ hỗ trợ cho ít giấy dầu, tấm ván. Cả nhà hì hụi xếp gạch, dựng vách, lợp mái bằng giấy dầu, ở tạm từ năm 1972 cho đến đầu những năm 1990. Sau này, gia đình bán một phần đất, lấy tiền xây lại nhà khang trang hơn cho đến bây giờ. “Mỗi người phải tự vật lộn, tìm cách để sống tiếp. Còn những đứa trẻ nữa, chúng tôi không thể không cố gắng.”, bà Đức tâm sự.

Những đứa cháu mà bà Đức, ông Thành coi như con giờ chỉ còn 2 người (2 người đã mất do bị bệnh). Chúng còn quá bé khi biến cố ập đến nên giờ chỉ còn mang máng nhớ nỗi mất mát năm nào. Không ai muốn nhắc đến kỷ niệm buồn, về khoảnh khắc định mệnh đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời họ. “Khó khăn thì còn nhiều lắm. Tôi vẫn đau yếu, phải trông chờ vào người thân hỗ trợ. Các cháu giờ cũng đã có cuộc sống riêng, tự lo cho mình. Nỗi buồn đã nguôi ngoai, chỉ mong cuộc sống yên bình như hiện tại”, bà Đức chia sẻ.

Vết thương 50 năm đã se miệng. Cuộc sống Khâm Thiên giờ đã đổi khác rất nhiều, không còn dấu vết bom đạn năm nào, chỉ có những con ngõ nhỏ nổi tiếng vào diện bé nhất Hà Nội vẫn còn hiện hữu trên phố như ngày xưa cũ. Những nhân chứng lịch sử trải qua, chứng kiến khoảnh khắc đau buồn của Khâm Thiên như ông Vũ Xuân Huy, gia đình bà Lê Ngọc Đức, ông Lê Ngọc Thành. giờ không còn nhiều. Có người đã mất, nhiều gia đình chuyển nơi cư trú.

Trong căn nhà nằm sâu hun hút trong ngõ Trung Tả, ông Vũ Xuân Huy trầm ngâm tâm sự, người Hà Nội luôn là vậy, trong đau thương, khốn khó, luôn kề vai, sát cánh để cùng nhau vượt qua nỗi đau. Trong 12 ngày đêm chiến đấu với máy bay Mỹ, Khâm Thiên và nhiều địa bàn khác chịu thiệt hại nặng cả về con người lẫn vật chất, nhưng người Hà Nội vẫn cố gắng động viên, dựa vào nhau để sống tiếp. “Chỉ vài ngày sau khi Mỹ kết thúc ném bom, những người sơ tán đã vội vã quay trở về dọn dẹp, dựng lại nhà cửa từ đống đổ nát. Người còn sống động viên, an ủi những gia đình có người thương vong. Chúng tôi đã dìu nhau cùng đi qua giai đoạn khó khăn”, ông Huy chia sẻ.

Còn với người lính tên lửa phòng không Nguyễn Trọng Vinh, ngay khi kết thúc “12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không”, ông về quê đón vợ con trở về nhà. Ngôi nhà nhỏ trong ngõ Chiến Thắng qua bom đạn càng thêm vững vàng. “Khâm Thiên từng chịu nhiều đau thương, nhưng nơi đây vẫn luôn là ký ức và kỷ niệm của gia đình chúng tôi. Bằng tình yêu, chúng tôi và rất nhiều gia đình khác đã cùng nhau vượt qua để xây dựng lại tổ ấm của mình”, ông Vinh bày tỏ.

Khâm Thiên những năm tháng sau năm 1972 chưa thể nguôi ngoai ngay nỗi đau. Nhưng người Khâm Thiên đã biến đau thương thành hành động. Họ dựng lại tổ ấm với nỗ lực lớn lao, gieo tiếp những mầm sống mới. Đã có một lớp thanh niên sau năm ấy lên đường nhập ngũ, đi theo tiếng gọi của Tổ quốc thiêng liêng, giữ vững nền độc lập, tự do của đất nước. Một thế hệ trẻ em khu phố lớn lên, mang theo trong mình cả nỗi bi thương và niềm trong sáng, đã vững vàng cùng gia đình góp phần xây dựng lại Khâm Thiên khang trang và trở thành một trong những con phố sầm uất của Hà Nội hôm nay.

Và trong sự náo nhiệt của cuộc sống hiện đại, giữa phố Khâm Thiên vẫn còn đó một tượng đài, nơi luôn tỏa ngát khói hương, nơi để những người thân còn sống nhớ về một nỗi đau không gì bù đắp; nơi để thế hệ trẻ biết đến tội ác của B-52 và những gì thế hệ trước đã trải qua trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc; nơi nhắc nhở mỗi chúng ta phải luôn trân trọng và ghi nhớ công lao của những thế hệ đi trước đã hy sinh vì sự bình yên hôm nay...

Back To Top