“Bom nổ ở đâu vậy bà?”
“Ở kia kìa.!”

Chàng phóng viên quay phim chiến trường trẻ tuổi vội hỏi một cụ già chạy từ phố Khâm Thiên ra, ngược chiều với mình trong màn đêm tối thẫm. Bà cụ tay ôm cái chậu cũ, bên trong chỉ đựng duy nhất chiếc màn, trả lời không thành tiếng rồi lại tất tưởi chạy, nét mặt in nguyên sự bàng hoàng về những gì vừa xảy đến.

Đêm mùa đông rét mướt, hơi bom đặc quánh. “Bom nổ gần thế này, chắc thiệt hại nặng”, người quay phim đánh giá dựa trên trải nghiệm nghề nghiệp. Tiếng người lao xao, những tàn lửa bay lên dẫn lối anh về hướng vừa bị trút bom...

Người quay phim trẻ tuổi ấy là Phạm Việt Tùng, quay phim chiến trường của Ban Vô tuyến và Truyền hình Việt Nam (tiền thân của Đài Truyền hình Việt Nam, khi đó là đơn vị trực thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam), có mặt ở phố Khâm Thiên khoảng gần 23h ngày 26-12-1972.

Đêm 26-12-1972, khi nghe tin Mỹ đánh bom xuống khu phố Khâm Thiên, Phạm Việt Tùng cùng một nam đồng nghiệp lập tức rời trụ sở cơ quan ở phố Quán Sứ, phi xe xuống hiện trường. Đường tối, những mảnh ngói, gạch. bắn ra từ vụ nổ bom rơi dọc tuyến đường Nam Bộ (đường Lê Duẩn ngày nay) dẫn về Khâm Thiên khiến tay lái dù được ghìm chặt bởi sức thanh niên cũng không tránh khỏi nhiều lần bổ nhào. Bất chấp tay bị trầy xước do cố ôm chiếc máy quay phim để bảo vệ tài sản của cơ quan, cũng là vũ khí chiến đấu, chàng thanh niên cùng đồng nghiệp tới nơi với tốc độ nhanh nhất. Nhưng trời quá tối, trước mắt Phạm Việt Tùng chỉ có màn đêm dày đặc. Điều kiện ấy khiến người quay phim bất lực, vì không thể ghi hình! Nhìn theo bóng bà cụ vừa chỉ đường cho mình tan trong màn đêm, những thanh âm đau thương vẳng đến, Phạm Việt Tùng quyết định chuyển hướng tác nghiệp: Quay về Bệnh viện Việt - Đức, có vậy mới có thể cập nhật nhanh được tình hình thương vong, chiến sự.

Cảnh tượng nơi phòng cấp cứu của Bệnh viện Việt - Đức đêm ấy khiến đạo diễn, nhà quay phim Phạm Việt Tùng không thể nào quên. 50 năm sau nhớ lại, giọng ông vẫn run run: “Nhiều người chết bị ám khói xám đen. Người bị thương được chở đến viện ngày một đông. Các y, bác sĩ tiếp nhận không kịp”.

Một đêm thật khó khăn với người quay phim, với các đồng nghiệp của ông và với cả Hà Nội.

Sáng sớm hôm sau, Phạm Việt Tùng quay trở lại Khâm Thiên. Ánh sáng ban ngày soi rõ những đổ nát. “Tiếng khóc, tiếng gọi nhau tìm người, tiếng đào bới. Tôi cầm máy quay mà như chết lặng”, ông Phạm Việt Tùng kể.

Trong đau thương tận cùng ấy, chàng quay phim trẻ tuổi cố gắng tìm kiếm những hình ảnh tươi sáng, những góc sống cho thấy sự kiên cường của người dân Hà Nội. Ghi vào trong những thước phim của ông hôm ấy là sự tận lực sẻ chia của lực lượng cứu hộ; là những người dân cặm cụi đẩy chiếc xe bò xếp những viên gạch thu được từ đống đổ nát, chờ dựng lại nhà mới; là một gánh hàng hoa vẫn tươi ắp sắc màu xuống phố; là tiếng khóc của em thơ chào đời trong nụ cười hạnh phúc vô bờ của người mẹ và các nữ hộ sinh ngay tại hầm trú bom của Bệnh viện C (Bệnh viện Phụ sản trung ương)...

“Trong những thời điểm khó khăn nhất, người Hà Nội vẫn cố gắng giữ tinh thần, nén đau thương để hành động. Những cảnh này đều được tôi đưa vào bộ phim tài liệu “Hà Nội - Điện Biên Phủ””, đạo diễn Phạm Việt Tùng chia sẻ.

Hình ảnh B-52 bị bắn rơi

Và cũng trong 12 ngày đêm của chiến dịch không chiến ấy, Phạm Việt Tùng đã góp một “chiến công” vô cùng ý nghĩa khi ghi lại được một cách chân thực và sinh động nhất hình ảnh một Hà Nội anh hùng, một thời khắc đã đi vào lịch sử như một hình ảnh biểu tượng của chiến thắng.

Đó là đêm 27-12-1972, ngay sau hôm Khâm Thiên bị ném bom tàn phá. Ngày ấy, người ít, phóng viên, quay phim trực chiến 24/24 tại cơ quan và được chia thành các kíp, bố trí vị trí tác nghiệp theo trận địa pháo để làm nhiệm vụ ghi lại trận chiến hào hùng của quân và dân Hà Nội. Phạm Việt Tùng và các đồng nghiệp bất chấp nguy hiểm, có mặt trên các nóc nhà cao tầng giữa lúc máy bay Mỹ ầm ầm giội bom xuống thành phố, để ghi lại hình ảnh “Rồng lửa Thăng Long vít cổ B-52”.

Đạo diễn Trần Duy Nghĩa (con trai của bác sĩ, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Duy Hưng) lúc đó là chỉ huy của ê kíp quay hình. Ông đã bố trí ê kíp gồm Phạm Việt Tùng và một người phụ quay cắm chốt ở khách sạn Hòa Bình (số 27 phố Lý Thường Kiệt).

“Đêm 27-12-1972, khi nghe tiếng loa báo máy bay địch còn cách Hà Nội 100km, tôi và phụ quay - anh Đắc Lương lao vội lên sân thượng, trèo lên bể nước. Trời tối, gió mạnh, tôi rút chiếc khăn quàng cổ, buộc người mình vào lan can của bể nước để tránh rung lắc. Chúng tôi chia làm hai hướng quan sát. Tôi chĩa hướng quay về phía phà Khuyến Lương, nơi tên lửa và cao xạ của ta đang mãnh liệt trút lửa lên bầu trời đặc quánh tiếng gầm rú, quần đảo của máy bay Mỹ. Bất chợt, Đắc Lương hét lên: “Anh Tùng ơi, đằng này!”. Mọi việc chỉ diễn ra trong tích tắc, tôi quay máy quay ngược trở lại, bấm máy mà không kịp ngắm. May thay, chỉ vài giây ấy, khoảnh khắc B-52 nổ tung như quả cầu lửa trên bầu trời Hà Nội đã nằm trọn trong khuôn hình. Sau này rửa phim, chúng tôi mới biết, tiền cảnh của thước phim ấy là cột phát sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam”, đạo diễn Phạm Việt Tùng bồi hồi nhớ lại.

Đạo diễn Phạm Việt Tùng chụp ảnh cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại lễ tuyên dương danh hiệu Anh hùng cho các đơn vị và cán bộ, chiến sĩ thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân tháng 1-1973.

Chiếc máy bay B-52 bị bắn hạ trên bầu trời Hà Nội lọt vào ống kính Phạm Việt Tùng đêm ấy sau đó rơi xuống hồ Hữu Tiệp (làng Ngọc Hà, quận Ba Đình). Sáng hôm sau, Phạm Việt Tùng đến làng hoa Ngọc Hà, xác chiếc máy bay nằm trọn dưới hồ, làn khói đen vẫn còn bay ra từ chiếc lốp chổng lên trời. Không chỉ quay lại cảnh máy bay tan xác cùng niềm tự hào của quân và dân Thủ đô, Phạm Việt Tùng còn ghi lại những thước phim về nhịp sống bình thường của người làng Ngọc Hà trong giai đoạn đầy khó khăn ấy. Thời điểm ấy, nhiều người dân đã sơ tán, những người ở lại vẫn tiếp tục gánh mưu sinh, làm đẹp cho đời: Trồng và bán hoa. Những cánh hoa thược dược đỏ thắm, vàng tươi theo chân người làng khoe sắc trên đường, bên hồ là xác chiếc B-52 còn hơi bom...

“Hà Nội linh thiêng những ngày đó chìm trong cảnh “đất rung, ngói tan, gạch nát”, song luôn toát lên tâm thế hào hùng. Quân và dân Thủ đô vừa chiến đấu, vừa lao động với một tâm thế luôn sẵn sàng như thế”, đạo diễn Phạm Việt Tùng chia sẻ.

Trong 12 ngày đêm năm 1972, cùng với các chiến sĩ, quân và dân Hà Nội, ở một mặt trận khác - mặt trận thông tin, những phóng viên, quay phim, biên tập viên... ở các tòa soạn báo cũng có một "cuộc chiến" không kém cam go, quyết liệt. Khi những hồi còi báo động vang lên, người dân tỏa đi tìm chỗ tránh bom, thì họ lại sẵn sàng lao đi giữa làn bom đạn, giữa sự sống và cái chết để đưa tin về chiến sự.

Người dân đón đọc Báo Hànộimới hằng ngày để cập nhật tình hình Thủ đô và đất nước.

Lật giở những trang tư liệu trên báo chí ngày đó, Thông tấn xã Việt Nam, Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Hànộimới là những tờ nhật báo ở phía Bắc luôn bám sát dòng thời sự, cập nhật chi tiết tình hình chiến đấu cũng như không khí lao động, sản xuất hằng ngày. Để có được những thông tin ấy, động viên, cổ vũ nhân dân ta chiến đấu và chiến thắng, các phóng viên phải dấn thân, cắm chốt tại trận địa, nhanh chóng có mặt tại nơi bị ném bom và hơn cả là tác nghiệp ngay dưới làn bom đạn.

Sang tuổi 97, cựu phóng viên Báo Hànộimới gắn bó với công việc làm báo gần 60 năm Thọ Cao trí nhớ đã suy giảm rất nhiều. Nhưng khi nhắc đến cơ quan, nhắc đến khoảng thời gian tháng 12-1972, đôi mắt ông mở to, ngấn nước. “Khi Mỹ ném bom ở ngoại thành Hà Nội, tôi được phân công xuống địa bàn làm tin. Đó là buổi chiều buồn, hôm đó, làng ấy có 2 đám tang...”, ông Thọ Cao nhớ lại.

Theo lời anh Văn, con trai ông Thọ Cao, trong 12 ngày đêm Mỹ ném bom Hà Nội, cả gia đình anh sơ tán ở Xuân Đỉnh. Riêng ông Thọ Cao ở lại để tham gia đưa tin cùng tòa soạn. Lúc đó, ông theo dõi mảng công nghiệp, thường xuyên xuống các cơ sở sản xuất để tác nghiệp, chỉ cuối tuần mới có chút thời gian về khu sơ tán thăm vợ con.

Còn trong trí nhớ của cựu phóng viên Báo Hànộimới Cẩm Vân, giờ cũng đã là bà lão ngoài 90 tuổi, trong những ngày bom đạn, người Hà Nội luôn giữ trái tim đầy nhiệt huyết với Tổ quốc, hăng hái lao động, sản xuất. Thời đó, cả hai vợ chồng bà đều làm việc tại Báo, bà đi cơ sở, ông cắm chốt ở tòa soạn, cùng anh em lo tổ chức thông tin cho từng số báo ra khuôn đều đặn, không thiếu một ngày, hôm nào về nhà cũng rất khuya. Ngày ấy, 3 người con của ông bà còn nhỏ, nhưng đã rất ý thức, biết tự lo cơm nước, học hành. Công việc vất vả, nếp sinh hoạt của gia đình đảo lộn, nhưng gia đình bà, cũng như bao gia đình Hà Nội khác, bất kể lứa tuổi, bất kể ở vị trí, công việc nào, đều là những "chiến sĩ" quả cảm và đầy ý chí như thế.

“Phóng viên ngày đó vẫn hăng hái xuống các cơ sở sản xuất để viết tin, bài. Mỗi ngày, chúng tôi đạp xe 30km là chuyện thường. Đạp xe trên đường, nghe tiếng còi báo động lại tìm chỗ trú bom, rồi khi ngớt tiếng máy bay, ngớt tiếng bom, lại tiếp tục làm nhiệm vụ đã trở thành nhịp sống thường nhật”, bà Cẩm Vân kể.

Theo một số tài liệu của Báo Hànộimới còn lưu trữ, căn hầm giữa tòa soạn và nhà in là nơi Ban Thư ký tòa soạn trình bày maket, sửa bài trong ánh sáng yếu ớt của đèn dầu. Cơ quan thành lập tổ phóng viên chiến trường. Các ban cử phóng viên đi làm tin, ghi nhanh trận chiến đấu, có mặt bên mâm pháo, nơi nhà cửa đổ nát... Khi B-52 đánh Uy Nỗ (Đông Anh), một tốp phóng viên đã có mặt ngay nơi tiếng bom vừa dứt, phản ánh trung thực và chân thực tình hình trong các bản tin.

Đều đặn hằng ngày, 4 trang Báo Hànộimới luôn dày đặc thông tin, hình ảnh. Tình hình chiến sự; nhịp điệu lao động, sản xuất; hơi thở cuộc sống thường nhật... được thể hiện một cách trung thực và sinh động qua tin, bài của các phóng viên dưới những bút danh như: Quang Anh, Đỗ Thỉnh, Nguyễn Minh, Lưu Phương, Thanh Hà, Hoàng Tuấn, Xuân Trường, Nguyễn Hân Giang, Ngọc Thảo, Nguyễn Quang, Hà Mỹ Phương, Trần Đông, Quang Khải, Phan Bách, Lê Hoàng, Nguyễn Bắc, Đức Vượng, Nguyễn Thọ Sơn, Bùi Ngọc, Đào Nhật, Minh Thao, Xuân Hồng, Vũ Nguyên, Thọ Cao.

Đặc biệt, về phần hình ảnh, phóng viên Trần Châu cùng các đồng nghiệp đã thực hiện khá nhiều chùm “nhật ký” qua ảnh, ghi lại một Hà Nội dù trong bom đạn vẫn giữ nhịp sống thanh bình, vững vàng và cốt cách hào hoa, như lời ông: “Nhịp sống Hà-nội - như nhịp sống mọi miền đất nước ta - dưới tầm bom đạn giặc vẫn đều nhịp, vẫn phát triển, bất diệt như Hà-nội ta, dân tộc ta”.

Cùng với hệ thống báo chí Trung ương, Báo Hànộimới đã góp phần quan trọng cổ vũ tinh thần chiến đấu, lao động của quân, dân Hà Nội và cả nước, vạch trần tội ác của đế quốc Mỹ, lên án chiến tranh trong những ngày tháng hào hùng theo một cách cũng rất anh dũng như thế...

Back To Top