Vào buổi chiều đông lạnh se sắt, chúng tôi tìm đến nhà Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Đức Soát, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân để tìm hiểu sâu hơn về những người lính chiến đấu trên bầu trời 50 năm về trước. Sự góp sức của lực lượng không quân trong cuộc chiến đấu bảo vệ Hà Nội trước các đợt tấn công bằng B-52 của đế quốc Mỹ đã góp phần quan trọng làm nên Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” đầy tự hào của quân và dân miền Bắc. “Én bạc” - đó là cách những người lính không quân vẫn gọi dân dã mà cũng rất đỗi yêu thương những chiếc máy bay MiG-21 đã cùng mình chiến đấu với B-52.

Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Đức Soát là một trong những huyền thoại phi công của Không quân Việt Nam khi bắn hạ 6 máy bay Mỹ trên bầu trời Việt Nam. Riêng trong năm 1972, ông bắn hạ 5 máy bay Mỹ. Vào đầu năm 1973, ở tuổi 27, Trung tướng Nguyễn Đức Soát được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Thế nhưng, đối với người phi công chiến đấu, có lẽ, ký ức 12 ngày đêm năm ấy là những thời khắc không thể nào quên, bởi khoảng thời gian đó, ông đã trực tiếp chiến đấu, dẫu không bắn rơi chiếc máy bay nào, song có công lớn trong việc chuẩn bị và chỉ huy chiến đấu để các phi công trong đơn vị xuất kích hoàn thành nhiệm vụ trên bầu trời Hà Nội.

Trong căn phòng làm việc còn lưu giữ rất nhiều hình ảnh khi còn là chàng trai trẻ thời chinh chiến, Trung tướng Nguyễn Đức Soát trầm ngâm khi nhớ về những ngày tháng chiến tranh khốc liệt, đặc biệt là giai đoạn cuối năm 1972. Trong cuộc trò chuyện cùng chúng tôi, ông không kể nhiều về chiến thuật tác chiến của lực lượng không quân Việt Nam trong 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không”, vì những điều này đã được chia sẻ nhiều. Ông nhớ đồng đội. Ông nhớ về những anh hùng đã lập nên kỳ tích, như phi công liệt sĩ Vũ Xuân Thiều lao thẳng chiếc MiG-21 vào B-52, như liệt sĩ Hoàng Tam Hùng trận đầu gặp địch đã hạ 2 máy bay Mỹ, những phi công trong đại đội mà ông là chỉ huy đã anh dũng hy sinh trong những ngày cuối năm 1972.

Ký ức của vị tướng về 12 ngày đêm khói lửa là những đêm mất ngủ, cùng đồng đội suy nghĩ về chiến thuật đánh địch. Ngày ấy, những chàng lính phi công tuổi đời còn rất trẻ, ít người đã biết yêu, nhưng luôn hừng hực ý chí quyết chiến vì đất nước. Chỉ cần có lệnh xuất kích là họ lên đường với khát khao được cống hiến trọn vẹn cho Tổ quốc.

"Chưa bao giờ Hà Nội, miền Bắc phải chịu một thử thách lớn lao, quyết liệt như lúc này. Cũng chưa bao giờ Hà Nội viết nên những trang sử chói lọi chiến công, và lòng dũng cảm như những ngày qua"... - cảm xúc của vị tướng được gói lại trong cuốn “Nhật ký phi công tiêm kch” mà ông cho xuất bản vào tháng 12-2020, đến nay đã tái bản lần thứ 3. Cuốn nhật ký mà ông soi đèn, ghi chép hằng đêm khi còn là chàng phi công trẻ tuổi. Và giờ đây, mỗi khi nhớ đồng đội, ông lại soi đèn đọc những dòng lưu bút để nhớ về thời kỳ hùng tráng của cả dân tộc, thời kỳ mà những “én bạc xuất kích” đánh B-52, đánh các máy bay cường kích của không quân Mỹ, bảo vệ các trận địa tên lửa, góp phần làm nên kỳ tích “Điện Biên Phủ trên không”, buộc Mỹ phải tiếp tục ngồi vào bàn đàm phán và ký kết Hiệp định hòa bình về Việt Nam.

Nhật ký kể:

- Đêm 18-12-1972: Đợt đầu tiên, bọn Mỹ dùng các máy bay A-6, A-7, F-111 đánh phá hết các sân bay của mình, Yên Bái, Hòa Lạc, Kép, Gia Lâm, Vĩnh Phú rồi Kiến An nữa. Sân bay mình bị 3 dải bom B-52. Bọn bạn bay đêm ở Trung đoàn 921 cất cánh. Nhiễu làm mờ hết radar. Vừa định vào tiếp cận B-52, bọn F-4 đã bắn tới tấp vào máy bay MiG.

Đêm nay, bao nhiêu đồng bào mình bị hy sinh vì bom đạn giặc Mỹ? Nằm đây mà lòng nôn nao, bứt rứt... Tổ quốc thân yêu ơi! Chúng con nguyện chiến đấu suốt đời vì Tự do, Độc lập!.

- Ngày 19-12-1972: … Tiếng súng, tiếng bom không ngớt. Ta bắn rơi 5 máy bay Mỹ, trong đó có 3 chiếc B-52. Một chiếc rơi ở ngay Phủ Lỗ, cạnh sân bay, 3 thằng giặc lái bị tóm gọn.

Mình tổ chức cho bộ đội bàn kỹ cho xong phương án đánh B-52 ban ngày. Chúng mình quyết tâm, đã gặp nó, thế nào cũng bắn rơi. Nhiều đứa nói, nếu 2 phát tên lửa mà nó chưa chịu rơi tại chỗ thì còn phát tên lửa thứ 3 nữa. Đó là chiếc máy bay thân yêu và cả một trái tim nóng bỏng căm thù!

- Ngày 20-12-1972: Bọn Mỹ đã đánh một đợt đêm nay rồi. Chúng đánh hầu hết các mục tiêu quanh Hà Nội, Yên Viên, Đông Anh, Gia Lâm, Chèm, Phà Đen. Sốt ruột quá! Bao nhiêu là hàng hóa của ta đã bị phá! Và hơn thế, cuộc sống ấm cúng của bao gia đình bị đảo lộn.

… Ngày mai mình sẽ trực. Đường băng chính hỏng nặng. Đường lăn đã sửa xong. Chúng mình sẽ cất cánh và hạ cánh xuống đường lăn chỉ rộng có 16m. Ước muốn lớn nhất của mình lúc này: Được trả thù. Mình nguyện đã gặp B-52 sẽ không để nó về được...

- Ngày 21-12-1972: Tin chiến thắng dội về đây như những đợt sóng thần, xua tan những lo lắng về B-52. Bọn gieo gió đã gặt bão. Tên lửa của Thủ đô đã gây sức ép lại bọn cuồng chiến. Đêm qua, Hà Nội và các tỉnh khác đã hạ 7 chiếc B-52 và 9 máy bay phản lực khác. Đám cháy của những đợt bom B-52 dội xuống làng xóm, quê hương đã nung nấu căm thù trong mình...

…Bọn bạn đánh đêm xuất kích liên tục. Chúng đều thấy B-52 cả song không bắn được vì chỉ thấy bằng mắt khi B-52 bật đèn. Vũ Đình Rạng đã đuổi B-52 phải vứt bom ở Phú Thọ. Vũ Xuân Thiều đã đuổi một tốp, lũ này chạy ra khỏi vùng nhiễu. Thế là tên lửa mặt đất bắn lên thoải mái.

- Ngày 22-12-1972: Gần 10h30 phút tối mới rút kinh nghiệm chiến đấu ở hầm sở chỉ huy về. Không sao chợp mắt được. Trận đánh lúc 13 giờ 35 phút của biên đội mình và Nguyễn Thanh Quý như ngàn vạn mũi tên đâm vào lòng. Cảm giác đầu tiên: Không đánh được địch, lại để nó bắn rơi số 2 là Nguyễn Thanh Quý và suýt nữa nó bắn rơi cả mình nữa...

- Ngày 23-12-1972: Nguyễn Thanh Quý về đến đơn vị lúc 16 giờ 30 phút. Mình chạy từ trên đồi xuống chân đồi đón nó. Chúng mình ôm lấy nhau thân thiết. Mối lo trong lòng mình từ tối qua khi anh Nhị (trung đoàn trưởng) thông báo có điện của trên gửi về “Quý bị mệt!” như tảng đá được nhấc đi...

Trận đầu gặp địch là thế đấy. Đây là bài học lớn cho mình về cách chuẩn bị đánh nhau cho bộ phận chuyển loại, cho anh em lính mới.

- Ngày 25-12-1972: Đêm qua, bọn Mỹ dùng B-52 đánh Thái Nguyên. Ở đấy, hỏa lực của ta mỏng hơn nên không bắn rơi chiếc nào.

- Ngày 26-12-1972:… Hôm nay, mình sẽ viết thư cho Hương. Và chép cho Hương cả mấy bài thơ mình thích nữa. Buồn cười thật, mình phải lòng cô bác sĩ xứ Huế mất rồi.

- Ngày 27-12-1972: Dương Bá Kháng lại bắn rơi 1 chiếc F4 chiều nay. Nó và Đỗ Văn Lanh xuất kch lúc 13 giờ 30 phút. Đêm qua, bọn Mỹ mất 8 chiếc B-52. Bị tên lửa đánh trả hiệu quả suốt ngày lũ F-4 lùng sục để đánh các trận địa tên lửa. Bảo vệ tên lửa là nhiệm vụ rất nặng của chúng mình.

Vậy là chỉ trong 12 ngày, Kháng đã bắn rơi 2 máy bay Mỹ. Trần Việt, Đại đội phó ở Trung đoàn 921 xuất kích một mình cũng hạ 1 chiếc F4...

- Ngày 29-12-1972: Không biết tin Thiều (Anh hùng Vũ Xuân Thiều - PV) có nhảy dù được hay đã hy sinh. Sợ nó đâm vào B-52. Sợ nó thoát ly sau khi bắn bị cắm xuống núi. Hiện nay, bọn Mỹ đang đi cứu giặc lái ở Sơn La. Đồng thời anh Nhị còn báo: “Hùng, hôm qua hạ 2 máy bay. Người ta bắt thêm 2 thiếu tá Mỹ. Chúng khai bị MiG bắn rơi. Hùng (Anh hùng Hoàng Tam Hùng - PV) đã hy sinh.

Trong nhật ký của Trung tướng Nguyễn Đức Soát thiếu ngày 24-12-1972. Ông nói rằng, tối hôm đó, đại đội của ông kết thúc họp rút kinh nghiệm muộn nên không kịp lưu lại cảm xúc. Nhưng những ngày sau đợt tập kích 12 ngày đêm của Mỹ vào Hà Nội, bên cạnh niềm vui khôn xiết vì đồng bào tạm yên ổn, ông vẫn có những khoảng lặng nghĩ về cuộc chiến.

“Năm qua, năm thử thách gay gắt nhất trong quãng đời mình đã sống. Chiến tranh ào đến ác liệt rồi qua đi, để rồi lại ập đến ác liệt hơn. Mình đã thực sự hiểu thế nào là cuộc đời người lính chiến đấu. Mình đã nếm trải niềm vui chiến thắng, vui đến muốn hét lên khi thấy máy bay Mỹ bùng cháy. Mình đã buồn đến mất ăn, mất ngủ khi không đánh được địch, khi đồng đội hy sinh.

Đêm nay, nằm đây, mình nghĩ đến những người bạn mãi sống trong “đại dương thứ năm”. Đó là Khảo, là Giáp, là Đức, Thiên, Thiều, Tuế, Hùng. Mình biết, trong cuộc chiến đấu này, nhân dân mình đã mất đi bao nhiêu người con thông minh, ưu tú, trong đó có cả những người bạn của mình (Nhật ký ngày 31-12-1972).

Chúng tôi hỏi Trung tướng Nguyễn Đức Soát: “Sau 12 ngày đêm quần thảo, chiến đấu với kẻ thù, ngay khi Mỹ chấm dứt ném bom, điều ông nghĩ đến là gì?”. Vị tướng thong thả trả lời: “Lúc đó, khi ngước lên bầu trời, tôi đã nghĩ, từ nay người Hà Nội không còn phải lo chui xuống hầm tránh bom mỗi khi có còi báo động, các em thơ sẽ lại được đến trường. Bầu trời Hà Nội và miền Bắc được yên bình. Đồng đội tôi sẽ không phải xuất kích đánh địch, không còn mất mát, hy sinh nữa”.

Hồi ức của vị tướng vẫn còn nhớ về ngày cuối cùng của năm 1972, trong buổi chiều nắng nhạt, khi ông đứng ở sân bay, giữa cánh đồng cỏ loang vàng, cảm giác bình yên đến lạ sau chuỗi ngày chỉ nghe tiếng động cơ máy bay quân thù gầm rú.

Hòa bình được lập lại, chiến tranh đã trở thành một ký ức không thể quên, thậm chí với nhiều người, đó còn là nỗi ám ảnh, day dứt. Những vết thương trên cơ thể nhiều khi không để lại nỗi đau dai dẳng bằng chấn thương tâm lý, tinh thần. Chính phủ hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ đã nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh bằng nhiều hoạt động. Ngoại giao nhân dân đã thực sự phát huy hiệu quả. Nhiều đoàn cựu chiến binh Mỹ đã quay trở lại Việt Nam, tìm lại chiến trường xưa để mong muốn được bù đắp phần nào những tổn thất, mất mát mà họ đã gây ra trong quá khứ với người dân Việt Nam.

Với những người lính không quân, nhiều cuộc gặp sau hòa bình đã trở thành cầu nối để những con người từng ở hai đầu chiến tuyến khép lại quá khứ, trở thành bạn. Vào tháng 4-2016, một đoàn cựu phi công Mỹ gồm 11 người do Đại tá cựu phi công Charlie Tutt làm trưởng đoàn - đến Hà Nội và gặp gỡ các cựu phi công Quân đội nhân dân Việt Nam. Cuộc gặp gỡ quy mô nhỏ đã trở thành tiền đề để những “cựu thù” năm xưa kết nối, hội ngộ. “Từ không chiến đến hòa giải” là chủ đề xuyên suốt của các cuộc gặp gỡ.

Theo lời kể của Trung tướng Nguyễn Đức Soát, người chủ động đứng ra tổ chức và chủ trì các hoạt động kết nối của các cựu phi công từng tham chiến của hai quốc gia Việt Nam - Hoa Kỳ trong các năm 2016, 2017, 2018... Các cuộc gặp gỡ đã phần nào hóa giải được trăn trở của những người lính Mỹ năm xưa. Khi quay trở lại Việt Nam, đến thắp hương tại Đài tưởng niệm những người lính không quân Việt Nam vào tháng 4-2016, các phi công Mỹ đã hiểu được mục đích của cuộc gặp mặt không chỉ để giải đáp những thắc mắc về những trận không chiến năm xưa, mà sâu xa hơn, để gắn kết hai dân tộc như Đảng ta chủ trương: “Gác lại quá khứ, hướng đến tương lai”.

Hơn một năm sau, tháng 9-2017, nhận lời mời của đoàn cựu chiến binh Mỹ, đoàn cựu phi công tiêm kích Việt Nam gồm 12 người do Trung tướng Nguyễn Đức Soát dẫn đầu đã đến thành phố San Diego, bang California - thủ phủ của Hải quân Hoa Kỳ để tham gia những sự kiện đặc biệt trong cuộc gặp gỡ lịch sử lần thứ hai. Tại đây, gần 100 cựu phi công của Mỹ đến từ các bang đã tham gia với mong mỏi được gặp lại đối thủ mà mình đã đối đầu trên bầu trời năm nào.

“Có phải ông là người đã bắn rơi tôi?”, “Có phải tôi đã bắn rơi ông?”, “Ông là người đã phá hỏng một ngày hè tuyệt vời của tôi”. Đó là những câu nói được cất lên đầy thẳng thắn và thoải mái của những con người từng ở thế đối đầu. Cùng với bao nhiêu câu hỏi cất giấu kỹ trong lòng là những cái ôm, bắt tay xiết chặt, những “cựu thù” năm xưa khép lại quá khứ, sẵn sàng ngồi lại với nhau để nói chuyện tương lai.

Các cựu binh Mỹ thăm lại Di tích Nhà tù Hỏa Lò.

Với riêng Trung tướng Nguyễn Đức Soát, trong cuộc hội ngộ trên đất Mỹ, ông đã gặp lại Đại úy John P.Cerak, người bị ông bắn rơi trong trận không chiến ngày 27-6-1972, sau đó 5 ngày, ông còn vào gặp viên đại úy này tại Nhà tù Hỏa Lò. “Chúng tôi đã rất vui khi gặp nhau như những người bạn, chứ không phải đối thủ như gần 50 năm về trước. Cerak cảm kích trước sự nhân đạo của Chính phủ, quân đội và nhân dân Việt Nam. Nhờ vậy, họ vẫn còn sống, trở về đoàn tụ gia đình”, Trung tướng Nguyễn Đức Soát chia sẻ.

Nhiều năm sau chiến tranh, những người lính Mỹ quay trở lại Việt Nam theo nhiều cách khác nhau. Một trong những địa chỉ họ thường không thể bỏ qua, đó là Di tích Nhà tù Hỏa Lò - nơi trước kia họ từng bị giam giữ khi là tù binh. Đây cũng là nơi lưu giữ trong họ nhiều kỷ niệm về một “Hilton Hà Nội” với sự đối đãi nhân đạo của Chính phủ Việt Nam. Tại đây đang lưu giữ nhiều lưu bút, chia sẻ của các cựu binh Mỹ trong những lần ghé thăm địa danh này.

Cựu phi công Mỹ James Williams trong lần trở lại Nhà tù Hỏa Lò vào ngày 6-11-2019 đã không giấu được sự xúc động, bất ngờ khi nhận ra bức ảnh ông và các phi công Mỹ đang được trao trả đợt cuối cùng tại sân bay Gia Lâm vào ngày 29-3-1973.

Cuộc gặp của Trung tướng Nguyễn Đức Soát với cựu binh Mỹ trên đất Mỹ.

“Kế hoạch của tôi là gặp lại người phi công bắn rơi máy bay của tôi, nhưng ông đã qua đời năm 1980, thay vào đó, tôi đã được gặp vợ của ông. Đến Hỏa Lò, tôi vô cùng bất ngờ, lặng đi vì xúc động khi nhận ra bức ảnh có tôi và các phi công Mỹ khác đang được trao trả đợt cuối cùng tại sân bay Gia Lâm. Chuyến đi này thật sự đã giúp tôi khép lại quá khứ”, cựu phi công Mỹ bồi hồi nói.

Còn với cựu chiến binh Mỹ Paul Reed, lần trở lại Việt Nam vào năm 2019 đã giúp ông trút được gánh nặng trong lòng cùng những ám ảnh quá khứ: “Có những vết thương trên cơ thể, thời gian rồi sẽ chữa lành, nhưng những vết thương tâm hồn thì kéo dài hàng chục năm liền. Đó là vết thương chiến tranh. Tìm về nơi cuộc chiến đã qua, đối diện với thực tại để vơi đi những ám ảnh là cách nhiều cựu chiến binh Mỹ thực hiện. Và hơn tất cả, tôi chúc đất nước Việt Nam, nhân dân Việt Nam luôn có những ngày tươi sáng...”.

Chiến tranh để lại nỗi đau dai dẳng cho nhiều người dân và cho những người lính trận mạc ở cả hai chiến tuyến. Cùng với chính phủ, cựu chiến binh hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ đang nỗ lực hàn gắn vết thương thời chiến để bù đắp những mất mát, đau thương trong quá khứ và cùng hợp tác, phát triển trong tình hữu nghị.

Những ngày qua, cả nước và Hà Nội hân hoan kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” với rất nhiều hoạt động, như tổ chức các lễ kỷ niệm, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, tọa đàm, giao lưu, gặp gỡ, tri ân các nhân chứng lịch sử; trưng bày, triển lãm hiện vật, tư liệu, biểu diễn nghệ thuật... Phía sau 12 ngày đêm huyền thoại là máu và nước mắt của biết bao người đã ngã xuống vì độc lập, tự do cho Tổ quốc, để mùa đông của 50 năm sau chiến dịch không kích của Mỹ, Hà Nội đã trở thành một Thành phố sáng tạo, một thành phố của Hòa bình - Hữu nghị - Phát triển.

Lịch sử không cho phép ai được quên lãng bất cứ điều gì. Những mất mát và hy sinh để bảo vệ từng tấc đất, nền độc lập, tự do cho Tổ quốc mãi mãi được biết ơn. Chiến tranh chỉ càng giúp ta trân quý hơn từng giây phút của hiện tại và càng làm sáng ngời hơn phẩm giá và lương tri của người Việt Nam, của người Hà Nội trên mảnh đất hồn thiêng sông núi này, soi đường cho những bước tiến rạng rỡ hôm nay và mai sau...

Bài viết: Hồng Vân - Hoàng Quyên
Thiết kế - Kỹ thuật: Thành Phong
Bài viết có sử dụng tư liệu của các đơn vị và nhân vật

Back To Top