Để các phiên chất vấn và giải trình của HĐND thành phố Hà Nội diễn ra sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm và hiệu quả, thực chất, kinh nghiệm chính là việc lựa chọn vấn đề chất vấn “trúng và đúng”, tác động lớn và phù hợp với thực tiễn đặt ra cho thành phố, đáp ứng nguyện vọng, sự mong mỏi của cử tri và nhân dân. Đây là kinh nghiệm, bài học quý được nhiều đại biểu đúc kết và khẳng định.
Cùng với hoạt động giám sát chuyên đề, HĐND thành phố cũng chú trọng, nâng cao chất lượng phiên giải trình, phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay, HĐND thành phố đã tổ chức 6 phiên chất vấn và giải trình. Những nội dung quan trọng được lựa chọn để giải trình, chất vấn đều liên quan trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô trước mắt và dài lâu; được phản ánh qua các ý kiến, kiến nghị của cử tri, qua giám sát và đề xuất của các Ban HĐND, tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND thành phố, đặc biệt cả những vấn đề đang được Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy, đồng chí Bí thư Thành ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo.
Theo Ủy viên Thường trực, Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Duy Hoàng Dương, để nâng cao chất lượng phiên chất vấn, giải trình, các Ban HĐND thành phố, tùy từng lĩnh vực, chủ đề, chủ trì tham mưu cho Thường trực HĐND thành phố phải lựa chọn vấn đề chất vấn, giải trình thông qua tổng hợp giám sát, tiếp xúc cử tri và các kênh thông tin khác. Khi Thường trực HĐND đã chọn được nội dung, các Ban giúp Thường trực HĐND xây dựng kịch bản phim phóng sự, thay hình thức báo cáo bằng văn bản bằng báo cáo hình ảnh, video clip để phản ánh sinh động, trung thực những khó khăn vướng mắc để yêu cầu báo cáo giải trình.
Còn theo Ủy viên Thường trực, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Nguyễn Thanh Bình, kinh nghiệm trong khảo sát thực hiện phóng sự bằng hình ảnh, cần phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội áp dụng nhiều biện pháp, với sự cố gắng nỗ lực của nhiều người để ghi lại những hình ảnh trung thực, phản ánh đúng hiện tượng nêu ra tại phiên chất vấn, giải trình để các cơ quan chức năng báo cáo, trả lời trực tiếp. Các phiên chất vấn, giải trình do Thường trực HĐND thành phố tổ chức đều được truyền hình trực tiếp trên Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, để đông đảo cử tri Thủ đô và cả nước quan tâm, theo dõi.
Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên cho biết, một trong những yếu tố quyết định sự thành công của phiên chất vấn tại kỳ họp là sự điều hành của Chủ tọa kỳ họp. Điều hành cần linh hoạt, mềm dẻo nhưng kiên quyết khi xử lý những tình huống phát sinh, tạo không khí sôi nổi, thẳng thắn, mang tính xây dựng.
Sau mỗi nội dung chất vấn, Chủ tọa có kết luận rõ ràng, gợi ý chất vấn bổ sung nếu thấy cần thiết. Kết luận phiên chất vấn của Chủ tọa tại kỳ họp HĐND không phải là khép lại vấn đề mà phải mở ra những nội dung mới, hướng xử lý tiếp theo để giải quyết các vấn đề đặt ra. Thường trực HĐND tổ chức hoặc phân công các ban HĐND theo dõi, đôn đốc, cần thiết có thể tổ chức giám sát việc thực hiện.
Bên cạnh đó, hoạt động chất vấn, giải trình được tổ chức theo nhóm vấn đề trọng tâm, người bị chất vấn, người phải giải trình được lựa chọn phù hợp với nội dung chất vấn. Cách thức đặt câu hỏi và trả lời theo hướng “hỏi nhanh, đáp gọn”. Với một số nội dung yêu cầu chất vấn bằng văn bản đều được nêu rõ trong thông báo kết luận hoặc văn bản của Thường trực HĐND thành phố để UBND thành phố và các cơ quan có thẩm quyền trả lời theo quy định.
Vì thế, ghi nhận thực tế tại các phiên chất vấn và giải trình của HĐND thành phố Hà Nội, ngoài Chủ tịch UBND thành phố, các Phó chủ tịch, thành viên UBND thành phố tham dự và trực tiếp trả lời chất vấn, còn có Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã , xã, phường, thị trấn và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan tham dự và trả lời về các vấn đề thuộc thẩm quyền, trách nhiệm, tạo sự liên thông, đầy đủ và xem xét vấn đề rõ ràng và triệt để hơn.
Ông Bùi Thành Trung (phường Phú La, quận Hà Đông) nhận xét: “Qua theo dõi nhiều phiên chất vấn và giải trình của HĐND thành phố từ năm 2020 đến nay, tôi nhận thấy có sự đổi mới. Một vài năm trước, hoạt động tái chất vấn chưa tổ chức được nhiều, nhưng tại kỳ họp thứ 10 HĐND thành phố (khóa XVI), HĐND thành phố đã tái chất vấn lại các vấn đề kỳ họp trước, đồng thời ban hành nghị quyết chất vấn, để nâng cao trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước thuộc các lĩnh vực”.
Lan tỏa kinh nghiệm của thành phố, từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay, HĐND các quận, huyện, thị xã và xã, thị trấn đã tổ chức gần 200 phiên chất vấn tại các kỳ họp thường kỳ và phiên giải trình, được cử tri và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Theo kinh nghiệm của Thường trực HĐND các quận, huyện: Hoàng Mai, Long Biên, Ba Đình, Gia Lâm, Phúc Thọ..., việc lựa chọn nội dung phiên giải trình có ý nghĩa rất quan trọng đối với thành công của mỗi phiên họp giải trình. Các vấn đề đưa ra giải trình phải là những vấn đề cấp bách, bức xúc, nổi cộm tại địa phương; những vấn đề còn bất cập, hạn chế thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước cần có những giải pháp, phương hướng khắc phục; những vấn đề có tác động lớn đến việc phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.
Sau khi thống nhất được nội dung giải trình, Thường trực HĐND ban hành chương trình, kế hoạch và phân công cụ thể đối với các ban và văn phòng rõ người, rõ việc, rõ đầu mối, rõ đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp. Cùng với đó, công tác khảo sát, thu thập thông tin cần đặc biệt coi trọng, triển khai sớm và phối hợp xây dựng video clip về nội dung giải trình. Để lan tỏa và tiện cho cử tri theo dõi, giám sát, các phiên giải trình nên truyền thanh trực tiếp.
Chia sẻ về kinh nghiệm tổ chức phiên giải trình, Phó Chủ tịch HĐND huyện Phúc Thọ Khuất Thị Thu Tuấn cho biết, trước hết cần khảo sát kỹ vấn đề giải trình, nên hỏi trực tiếp ý kiến của cử tri. Đơn cử như phiên giải trình về việc trả lời, giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri trước kỳ họp thứ 5 HĐND huyện khóa XX, nhiệm kỳ 2021-2026. Nội dung yêu cầu và giải trình đã được Thường trực HĐND huyện rà soát kỹ, khảo sát thực địa để đảm bảo tính khách quan, đúng thực tế, là những vấn đề trọng tâm, bức xúc được cử tri và nhân dân quan tâm như: Việc cung cấp nước sạch, bàn giao đất dịch vụ 10%, đất giãn dân cho các hộ dân, di dời cột điện, cột viễn thông, xử lý vi phạm đất đai... Đáng lưu ý, sau giải trình, kiến nghị về 2 cột viễn thông nằm giữa đoạn đường Nhà văn hóa thôn Nghĩa Lộ thuộc đường liên xã Thọ Lộc - Võng Xuyên - Phương Độ đã được di dời. Đây là những kết quả thiết thực từ vận dụng tốt kinh nghiệm trong tổ chức phiên giải trình vào hoạt động của HĐND.